Phóng sự - Ký sự

Trên đồng đất đời người-Kỳ 1: Ra đời trong "bão giá"

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- 28 năm trước, trên miền đất ngỡ như đang thiêm thiếp ngủ từ buổi hồng hoang, tiếng súng phát lệnh khởi công công trình thủy lợi Ayun Hạ vang lên. Để rồi 8 năm sau khi đón dòng nước mát lành, một biển lúa vàng 13.500 ha đã trỗi dậy giữa vùng đất khô khát như có phép màu. Có thể nói, trên vùng đất Tây Nguyên, hiếm có công trình nào tạo nên những biến cải sâu sắc về kinh tế lẫn đời sống xã hội như Ayun Hạ. Không chỉ quá khứ, Ayun Hạ hôm nay vẫn tiếp tục vai trò là bệ phóng cho “cuộc cách mạng lần thứ 2” đang diễn ra trên đồng đất.
Trong bối cảnh kinh tế-xã hội hiện tại, việc xây dựng một công trình thủy lợi cỡ như Ayun Hạ có lẽ không phải là điều lớn lao cho lắm. Thế nhưng, ở thời điểm “đất nước hai đầu hai mặt trận” và bữa cơm không phải độn mì, bo bo còn là giấc mơ của mỗi gia đình thì đó là một sự gồng sức của nền kinh tế, một nghĩa cử của cả nước với Gia Lai.
14 năm và 1 ngày
17-3-1990.
Ngày kỷ niệm 15 năm giải phóng Gia Lai-Kon Tum chừng như nhân đôi ý nghĩa. Công trình đại thủy nông Ayun Hạ sau bao nhiêu chờ đợi chính thức khởi công… 28 năm đã qua nhưng tôi hãy còn nhớ cái không khí của ngày trọng đại ấy. Ở thị xã Pleiku, khắp các ngã ba, ngã tư, cờ hoa, áp phích rực rỡ với những dòng chữ đầy hân hoan “Nhiệt liệt hoan nghênh Đảng và Nhà nước khởi công công trình thủy lợi Ayun Hạ”. Cách Pleiku vài chục cây số, nghi thức của buổi lễ diễn ra ngay trên công trường đầu mối. Một lễ đài đơn giản nhưng trang nghiêm được dựng lên. Ông Võ Trọng Hồng-Thứ trưởng Bộ Thủy lợi tuyên bố khởi công trong tiếng cồng chiêng rền vang vách núi…
 Kênh chính thủy lợi Ayun Hạ, đoạn qua huyện Phú Thiện. Ảnh: Đức Thụy
Kênh chính thủy lợi Ayun Hạ, đoạn qua huyện Phú Thiện. Ảnh: Đức Thụy
Để có thời khắc trọng đại đó, Ayun Hạ đã phải qua một chặng đường chờ đợi tới 14 năm. Thực ra thời gian còn dài hơn thế nếu ta ngược mốc 1990… Từ năm 1972, khi nghiên cứu quy hoạch hệ thống sông Ba, nhận thấy tiềm năng của vùng đất, Ủy ban sông Mê Kông đã đề cập đến một dự án thủy lợi có quy mô tưới cho khoảng 1.700 ha. Tuy nhiên, do hoàn cảnh chiến tranh, dự án đã không thực hiện được.
Ngay sau giải phóng, mặc dù đang ngổn ngang những công việc cấp bách, đặc biệt là FULRO đang hoành hành hầu khắp địa bàn các xã vùng sâu, vùng xa nhưng Nhà nước vẫn chỉ đạo Bộ Thủy lợi nghiên cứu, quy hoạch lại các công trình trên hệ thống sông Ba. Suốt 3 năm ròng, các cán bộ của Viện Quy hoạch thủy lợi (Bộ Thủy lợi) đã bất chấp mọi gian khổ, hiểm nguy để hoàn thành công việc. Trên cơ sở những nghiên cứu này, năm 1978, Binh đoàn 12 (Bộ Quốc phòng) được giao nhiệm vụ xây dựng công trình thủy lợi Ayun Hạ. Các đơn vị tiền trạm đã đến mở đường, bắc cầu, dựng lán trại. Những hy vọng đầy lãng mạn đang mở ra cho vùng đất thì bất ngờ chiến tranh biên giới Tây Nam nổ ra. Binh đoàn 12 phải gác lại công việc để lên đường bảo vệ Tổ quốc. Rồi chiến tranh biên giới phía Bắc tiếp diễn, đất nước càng ngày càng chìm sâu vào khó khăn. Thủy lợi Ayun Hạ với cánh đồng vàng ngỡ chỉ còn là giấc mơ cổ tích thì bất ngờ ngày 11-12-1986, Phó Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng Võ Chí Công ký quyết định phê duyệt luận chứng kinh tế kỹ thuật cho phép khởi động lại. Tuy vậy, vì thiếu vốn, phải mất 3 năm “giẫm chân tại chỗ” nữa, công trình mới chính thức được khởi công.
Đạp bằng trở lực
18 năm đã qua nếu lấy ngày Bộ Nông nghiệp và PTNT bàn giao hệ thống đầu mối và kênh giai đoạn I cho UBND tỉnh Gia Lai, chính thức đưa thủy lợi Ayun Hạ vào sử dụng làm mốc. Ngỡ thời gian chưa phải quá xa, thế nhưng tìm một người trong cuộc biết nhiều về Ayun Hạ bây giờ đã nghe chừng rất khó. Hỏi dò mãi cuối cùng tôi mới hay, ông Trần Viết-nguyên Phó Giám đốc Ban Quản lý đầu tư và Xây dựng thủy lợi 8 là người biết được điều này…
 Hồ Ayun Hạ. Ảnh: Đức Thụy
Hồ Ayun Hạ. Ảnh: Đức Thụy
- Không chỉ là công trình thủy lợi lớn nhất Tây Nguyên đến thời điểm này mà bấy giờ, Ayun Hạ cũng là công trình tầm vóc quốc gia-ông Trần Viết nhớ lại. Bởi vậy, Bộ Thủy lợi đã thành lập Ban quản lý mang tên 412 trực thuộc Bộ. Ông Nguyễn Tố-Phó Giám đốc Sở Thủy lợi Gia Lai-Kon Tum làm Giám đốc bên A, còn tôi là Phó Giám đốc kỹ thuật. Cũng bởi tầm cỡ công trình, Bộ Thủy lợi đã điều đến Ayun Hạ các đơn vị tinh nhuệ nhất của ngành như 41, 45, 481 của Tổng Công ty Thủy lợi 4 và một số đơn vị khác với tổng số hơn 1.000 công nhân, cán bộ kỹ thuật cùng hàng trăm xe máy, thiết bị cũng vào hàng hiện đại nhất bấy giờ. Họ là những người từng xây dựng các “công trình thế kỷ” như Dầu Tiếng, Trị An. Về tổng thể, những khó khăn ở Ayun Hạ không bằng các công trình lớn kia nhưng như vậy không có nghĩa là không có những cái khó đặc thù. Công trình tầm cỡ quốc gia nhưng đội ngũ quản lý lại trưởng thành từ địa phương nên không khỏi lúng túng, đặc biệt là công tác bảo vệ. Về mặt kỹ thuật, tài liệu khảo sát ban đầu còn sơ lược nên địa chất khu vực xây dựng không đúng với đánh giá ban đầu của thiết kế. Hậu quả là phải thay đổi phương án, dời đập về phía hạ lưu 450 m… Lỗi kỹ thuật lớn thì không nhưng cũng đã xảy ra sự cố bung tràn tạm… Dẫu sao, những khó khăn này cũng chẳng là gì so với những khó khăn về vốn. Chính vì thiếu vốn mà suốt 4 năm trời công trình gần như “giẫm chân tại chỗ”. Các năm 1991-1992 có đỡ hơn nhưng cũng chỉ đủ sức thi công “cầm hơi”. Chấp hành chỉ thị không được dừng thi công, các đơn vị không còn con đường nào khác là vay vốn ngân hàng. Bởi vậy, sau này quyết toán, đơn vị nào cũng nợ nần um sùm. Sang năm 1993, năm thực hiện phần việc khó khăn nhất là chặn dòng Ayun để thi công đập chính, ngỡ bế tắc thì may Chính phủ ký được hiệp định vay vốn của Kuwait. Bắt đầu từ đây, tiến độ công trình mới được đẩy nhanh.
Có thể nói không quá rằng, Ayun Hạ là công trình “ra đời trong bão giá”. Chúng ta còn nhớ, năm 1987, lạm phát lên gần 700%. Năm 1988 là 300%. Năm 1989, lạm phát đã hạ nhiệt nhưng cũng đang ở mức 35-40%. Bởi vậy, kinh phí dự tính ban đầu cho công trình từ gần 400 tỷ đồng, lúc quyết toán đã đội lên 1.000 tỷ đồng (năm 1999 )… Nói điều này để thấy, hoàn thành được Ayun Hạ trong bối cảnh đất nước bấy giờ là một nghĩa cử lớn của Đảng và Nhà nước đối với đồng bào các dân tộc Gia Lai.
Đến đây cũng cần nói thêm rằng, hiểu được nghĩa cử ấy, Đảng bộ và chính quyền tỉnh Gia Lai đã làm hết sức mình để tiếp sức cho công trình. Ông Ngô Thành-nguyên Phó Bí thư Tỉnh ủy-nhớ lại: Hồi đó, tỉnh ta rất nghèo nên việc hỗ trợ vật chất cho công trình là không thể. Tuy nhiên, ta đã làm rất tốt công tác di dân, cấp đất, giải phóng mặt bằng để công trình triển khai đúng tiến độ. Với tinh thần cách mạng còn cháy bỏng sau những năm tháng chiến tranh, đồng bào đã bỏ lại nơi chôn nhau cắt rốn, bỏ lại mồ mả tổ tiên để nhường đất cho công trình mà không chút yêu sách, đòi hỏi gì. Dân làng Ring là một thí dụ. Bên cạnh đó là hàng ngàn đoàn viên thanh niên được tỉnh huy động để đào đắp các tuyến kênh mương nội đồng. Họ đã làm việc hăng say trong điều kiện đãi ngộ bấy giờ gần như chỉ mang tính tượng trưng. Đó là những hy sinh thầm lặng trong bao sự hy sinh thầm lặng để kết tinh cho hôm nay một mùa vàng.
Ngọc Tấn

Có thể bạn quan tâm