Ký ức chưa từng ngủ yên
Đồn biên phòng Xa Mát, huyện Tân Biên (tỉnh Tây Ninh) nằm bình yên bên con lộ nhỏ miền biên viễn. Cách cổng đồn biên phòng không xa là Bia tưởng niệm liệt sĩ Đồn Xa Mát lưu dấu 14 chiến sĩ đã hy sinh trong 22 trận chống trả quyết liệt với quân Pol Pot. Để bảo vệ người dân, lãnh thổ, họ đã chống trả đến hơi thở cuối cùng. Các liệt sĩ ngã xuống khi tuổi đời còn rất trẻ, phần lớn mới ngoài 20. Trẻ nhất là binh nhất Nguyễn Vũ Điền, hy sinh khi mới 18 tuổi đời và 8 tháng tuổi quân. Và trên mảnh đất này, còn rất nhiều người con của dân tộc đã hòa vào cát bụi, xương máu thấm đẫm vào từng tấc đất biên cương.
Đi qua cuộc chiến hơn 40 năm, xã Tân Lập - nơi mà cán bộ, chiến sĩ Đồn biên phòng Xa Mát từng chiến đấu để ngăn địch tràn vào - đã xanh ngút màu xanh của cao su, cây lúa, cây mì. Nhưng người dân nơi đây vẫn còn lưu giữ Bia chứng tích tội ác của quân Pol Pot.
“Thật man rợ, chúng tàn sát tập thể, nhiều gia đình, nhiều căn hầm trú ẩn 16, 17 người bị giết sạch; 592 người đã bị cướp đi mạng sống”, một dòng sự kiện ghi lại khiến bất kỳ ai cũng rùng mình, xót xa.
Cô Trần Thị Bông (ấp Tân Tiến, xã Tân Lập, huyện Tân Biên) không thể quên được đêm Trung thu kinh hoàng trong ký ức của một đứa trẻ học lớp 4. Đó là đêm Trung thu năm 1977, thầy cô ở lại tổ chức tết trăng rằm cho đám học trò nghèo nên cô bé Bông được mặc áo mới. Đó là ngày thứ bảy, lẽ ra các thầy cô giáo của Trường Tiểu học Tân Thành dạy xong đã về nhà ở Sài Gòn nhưng vì Tết Trung thu nên ở lại tổ chức vui chơi cho học trò.
“12 giờ đêm, khi chuẩn bị đi ngủ, địch vào trường, sát hại 11 thầy cô rồi ném xuống giếng. Một thầy giáo chứng kiến đã chạy đến báo cho những nhà dân gần đó trốn vào rừng nên tôi và nhiều người nữa thoát chết. Tôi chạy giặc trong tấm áo mới mơ ước của mình, nhưng thầy cô và bạn bè không còn nữa…”, cô Bông run người khi nhớ lại.
Gần 50 năm trôi qua, nhưng khi nhắc nhớ lại câu chuyện cũ, đôi mắt người phụ nữ trung niên vẫn hằn lên nỗi ám ảnh của ký ức như chưa từng ngủ yên. Cô đã không còn có thể nhớ rõ người thầy giáo ân nhân cứu gia đình mình tên Don hay Ron, bởi trong ký ức của một đứa trẻ non nớt chỉ còn lại sự kinh hoàng trước thảm cảnh. Và sau khi được cứu, người thầy giáo ấy cũng rời vùng đất đau thương vì không thể xóa được đoạn ký ức đau buồn về 11 người đồng nghiệp xấu số.
Đồng đội và nhân dân
Trở lại An Giang trong mùa mưa Nam bộ, cửa khẩu quốc gia Khánh Bình (thuộc quản lý của Đồn biên phòng Long Bình, tỉnh An Giang) tấp nập hành khách, xe cộ vận chuyển hàng hóa làm thủ tục xuất nhập cảnh. Khác với vẻ khang trang, hiện đại của cửa khẩu quốc gia được xây dựng mới, phòng truyền thống của Đồn biên phòng Long Bình cũ kỹ nhưng tự hào đặt tấm bằng “Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân” ở nơi trang trọng nhất. Dẫu giấy mực tấm bằng đã ngả màu năm tháng, nhưng còn đó một chiến công anh hùng của Phân đội 2 cơ động - Đồn biên phòng Long Bình (933) tại khu vực sông Bình Di, xã Khánh Bình (ngày nay là thị trấn Long Bình, huyện An Phú, tỉnh An Giang), từ ngày 28 đến 31-12-1977.
Sau nhiều lần thất bại nặng nề, quân Pol Pot không những tăng cường đánh phá, trinh sát mà còn bí mật bò vào hàng rào tung truyền đơn đe dọa: “Lần này kiên quyết tiêu diệt sạch gọn Đồn Long Bình và bắt sống toàn bộ ban chỉ huy đồn mà không thèm bắn giết”. Không chỉ lực lượng giữ đồn, người dân vô tội cũng hứng chịu những lần địch chà qua xát lại.
Chú Nguyễn Hồng Thanh (70 tuổi, tham gia Phân đội 2 cơ động) kể: “Dân thì sơ tán hết, nhưng cũng có một ít bám trụ lại. Tụi nó (quân Pol Pot - PV) canh bắt cóc dân, bắn dân để uy hiếp lực lượng mình”.
Theo nhân chứng kể lại, suốt 2 ngày 26 và 27-12-1977, địch liên tiếp dùng pháo bắn quyết liệt vào các khu vực trận địa của ta, rồi đưa quân ào ra giữa đồng như thể đánh lớn. Đến 22 giờ ngày 27-12-1977, địch im lặng, không hề có động tĩnh gì như thể đã rút hết lực lượng để đánh lạc hướng quân ta. Lúc 5 giờ 5 phút ngày 28-12-1977, địch bắt đầu dùng pháo và bộ binh ở hướng chính diện bắn xối xả vào vị trí của đồn, hơn 5 giờ sáng thuyền của địch dày đặc trên sông kéo dài gần 400m.
“Trận địa của ta đã sẵn sàng, nhưng hướng trường học đã bị địch tấn công mạnh, đồng chí chính trị viên bị thương, 2 đồng chí khác hy sinh, số còn lại cùng với tổ trinh sát của phân đội đánh trả quyết liệt khiến địch không thể đổ quân được. Khi được phong danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang, tôi chỉ nhớ về người đồng đội hy sinh mà anh em không kịp đưa đi an táng, vì quanh đồn ngập nước, địch vây đi vây lại, khi trở vào lại thì thi thể đã không còn nguyên vẹn”, chú Nguyễn Hồng Thanh hồi tưởng.
Chú Ba Hùng (Nguyễn Văn Hùng, ngụ huyện Tân Biên, tỉnh Tây Ninh) đã đi qua cuộc chiến bằng những khó khăn của đất nước lẫn gia đình mình. Khi nhìn về phía vạt rừng, ánh mắt chú chất chứa nỗi niềm của những tháng năm gian truân, chia lìa.
“Tôi và nhà tôi từng là nữ thanh niên xung phong vừa hội ngộ và có cuộc sống bình yên sau cuộc kháng chiến chống Mỹ không bao lâu thì đón nhận tin vui là một cặp song sinh. Rồi Pol Pot đánh quá ác liệt, tôi phải gửi vợ con cho bộ đội pháo binh để lấn sâu vào biên giới. Tôi hứa với bả, nếu còn sống thì sẽ quay về tìm vợ con. Tôi gom góp lương thực của bà con gửi cho bộ đội, cột hết vào người, trầm mình dưới con kênh ở vạt rừng để đưa đến bộ đội đang chiến đấu. Trên đường đi không dám khinh suất, chỉ cần lú đầu lên là chúng nó bắn chết liền”, chú Ba Hùng kể.
Biên giới Tây Nam những năm chiến tranh, dẫu là biên giới đường sông hay đường bộ, những lần đối đầu có khi máu nhuộm đỏ cả đoạn sông Bình Di như ở Đồn Long Bình hay biên giới đường bộ ở Đồn Long Khốt (tỉnh Long An)… Đất mẹ đã mãi giữ lại tuổi xuân của một lớp người anh dũng. Chiến công hay đau thương năm ấy, lịch sử không thể nào quên, nhưng mọi vẻ vang mà người lính may mắn trở về đều tâm niệm thuộc về nhân dân.
“Phải nhờ vào dân chứ, một số người còn bám trụ ở lại, đêm khuya cùng lực lượng của đồn thay nhau vác pháo, có lương thực họ cũng tìm cách chi viện cho lực lượng ở đồn. Và họ cũng là những người cha, người mẹ gửi con lại đồn tham gia chiến đấu và đón con về bên lá cờ Tổ quốc đỏ thắm…”, chú Ba (ông Võ Văn Nào, nguyên Phó đồn trưởng Đồn Long Khốt) nói.
Chú Năm về! Chú Năm về bà con ơi! Giữ chú Năm ở lại!
Đó là tình cảm của người dân ở huyện Tân Biên dành cho chú Năm Gấu (ông Trần Văn Năm), thứ tình cảm được sinh sôi từ trong cái chết. Mỗi lần Đại tá, Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân Trần Văn Năm về thăm lại chiến trường xưa đều được người dân giữ chặt, bà con ở đây nhất định không cho ông về ngay. Bởi, ông từng là người ơn với biết bao phận người trong thời chiến ly loạn. Từng là Đồn trưởng Đồn biên phòng Xa Mát trong những năm đối đầu căng thẳng nhất với Pol Pot, không có tướng người oai vệ nhưng cái uy phong toát ra từ người trinh sát dạn dày kinh nghiệm này chính là bản lĩnh của lòng kiên trung và sự quyết liệt kể cả trong những thời khắc nguy hiểm nhất. Nhiều người có tuổi ở đây kể lại: “Nghe đến đội quân của Năm Gấu, Pol Pot có đến 5 phần khiếp sợ”. Người dân gặp nguy liền chạy vào đồn nhờ chú Năm chở che. Đối với người dân quanh Đồn Xa Mát, chú Năm như là người nhà.
Chính trị viên Phạm Mạc Thuần (Đồn biên phòng Lò Gò) kể, biệt danh Năm Gấu đã gắn liền với những trận đánh khi nhắc về ông. Nhiều năm gặp lại, chú Năm vẫn cái giọng rổn rảng rặt Nam bộ kể cho lớp trẻ nghe về những ngày không màng chuyện sống chết. Bàn tay thô ráp của ông từng nã không biết bao nhiêu viên đạn giết giặc và trên người ông cũng chằng chịt những vết thương…