Trên vùng đất phía Đông sông Ba

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Trù phú, xinh đẹp và đẫm truyền thuyết, có lẽ chỉ có vùng đất phía Đông sông Ba. Và vì vậy, những cái tên như: Chư Mố, Ia Broăi, Ia Tul, Ia Kdăm (huyện Ia Pa, Gia Lai) từ lâu đã trở nên nổi tiếng không chỉ với người dân sở tại...
Rộn rã nhịp sống mới
Ô tô lăn bánh qua cầu Bến Mộng cũng là lúc lòng tôi lâng lâng một niềm khó tả. Đây không là lần đầu trong tôi có cảm giác này. Từ trên cao nhìn sang phía Đông, bãi bồi xanh tốt ngút ngàn những bắp, đậu đỗ, lúa, thuốc lá, những mái nhà sàn, những tàn cây rợp mát.
Đang là thời điểm thu hoạch lúa Đông Xuân, mì và thuốc lá. Màu vàng no ấm trải đều khắp các cánh đồng. Tiếng máy tuốt lúa phành phạch, tiếng nói cười rộn rã. Từng đống lúa chất cao thành ngọn. Xe tải, xe công nông nối đuôi nhau chở lúa tỏa về các buôn. Trên những vườn thuốc lá, những cô gái Jrai thoăn thoắt hái lá, xếp thành hàng đều tăm tắp trước khi bó lại mang về. Khói lò sấy thuốc quyện trong nắng vàng càng làm cho không gian làng quê thêm phần yên ả và thi vị.
Bên dòng sông Ba. Ảnh: Thất Sơn
Bên dòng sông Ba. Ảnh: Thất Sơn
Trưởng Công an xã Nay Nhon đưa chúng tôi đến thăm già làng Kpa Thung. Buôn Roái có hai già làng: Kpă Thung năm nay 76 tuổi, chuyên lo việc cúng tế, lễ hội và già làng Ksor Man, phụ trách việc phân xử, hòa giải. Cả hai nhiều năm nay là bậc cao niên mẫu mực. Nhờ có họ và những hạt nhân đi đầu phong trào mà buôn Roái có nhiều tiến bộ, đổi thay, năm rồi được công nhận là buôn văn hóa. Già Thung còn nổi tiếng là người sản xuất giỏi. Vụ trước, gia đình già đầu tư 100 triệu đồng trồng 3 ha thuốc lá, xây lò sấy 40 triệu đồng và thu được 250 triệu đồng. Năm nay giá thuốc lá hạ, con cháu già lo lắng lắm. Ngó ra vườn, cạnh lò sấy thuốc bốc khói nghi ngút, mấy thanh niên, thanh nữ dừng tay xâu thuốc chậm rãi chuyện trò.
Trưởng thôn Nay Hưng đi gặt lúa đổi công cho nhà Ksor Khôn ở cánh đồng Ia Dung vừa về, chân còn lấm đất, nghe có khách liền chạy sang nhà già Thung. “Bây giờ đang là lúc người trong buôn thu hoạch mì, lúa Đông Xuân và thuốc lá. Nhân công rất hiếm, giá lại đắt nên phải tích cực đổi công cho nhau thôi”-Nay Hưng nói như phân trần. 65 tuổi, mái tóc bạc trắng nhưng làn da rám nắng, chắc nịch, lão nông người Jrai trông rất khỏe và nhanh nhẹn. Không chỉ tất bật thu hoạch lúa, người trong buôn còn dựng nhà trên rẫy để thu hoạch mì. “Nhiều nhà như Ksor Hmen ở luôn trên rẫy mì bên kia sông Ayun, thu hoạch xong mới về. Có khi cả tháng. Vợ chồng đi cả, chỉ con cái ở nhà”- Trưởng thôn Nay Hưng nói thêm. Cả buôn Roái đang chạy đua với thời gian của mùa thu hoạch.
Quyện hòa huyền tích và hiện thực
Từ bao giờ, sông Ayun và sông Ba chảy qua vùng đất có tên là thung lũng Cheo Reo này. Cũng không ai biết phù sa của hai con sông bồi đắp trong bao lâu để hình thành nên ốc đảo xinh đẹp hiện là nơi sinh sống của một trong những tộc người Jrai. Các nhà khoa học cho rằng, cùng với truyền thuyết về cây gươm thần Vua Lửa và qua khảo cổ học, con người đã từng xuất hiện ở vùng đất này thời hậu kỳ đồ sắt, cùng với hoạt động sản xuất lúa nước, sau đó mới tán phát ra các vùng khác trên Tây Nguyên.
Nhưng chắc rằng phải mất hàng trăm năm vùng đất bồi ven hai con sông Ayun và Ba vốn cách trở đi lại mới tập hợp được những nóc nhà sàn Jrai đến lập nghiệp sinh sống đầu tiên. Vốn quen với phương thức canh tác phát, đốt, chọc, tỉa, gắn bó mật thiết với rừng mà chọn vùng đất này để sinh sống đã là điều gây không ít ngạc nhiên. Có lẽ tất cả là để duy trì và phát triển cuộc sống, chiếm lĩnh vùng đất bồi ven sông tốt tươi làm ra nhiều thóc lúa, sản vật. Ngay cả những người Kinh đầu tiên đến giao lưu, làm ăn ở vùng này, theo sử sách thì cũng đã trăm năm nay rồi.
Ý nghĩ “rối rắm” trên là sự cố gắng lý giải cho sự trù phú, giàu có và xinh đẹp của vùng đất nằm giữa hai sông. Không riêng gì tôi, ai một lần đến vùng đất này đều bị mê hoặc. Gần 20 năm trước, khi lên đây công tác, những chuyến thực tế đã cho tôi cảm giác thích thú như thế. Khi ấy cầu Bến Mộng chưa có, muốn sang dải đất phía Đông phải đi bằng xuồng. Tầm bắt đầu mùa mưa, bờ bãi xanh mởn. Chỉ việc bơi xuồng qua sông, xoãi mình trên liếp cỏ mượt ngắm trời mây đã thích thú lắm rồi. Không biết bao nhiêu lứa đôi chọn đêm trăng sáng nơi đây hẹn hò tình tứ. Bởi đêm trăng đôi bên bờ Bến Mộng rất đẹp. Mùa thu hoạch bắp (từ tháng 8 đến tháng 10 hàng năm), bãi bồi ven sông náo nhiệt vì không khí thu hoạch, mua bán. Những nương bắp xanh tốt, trái mập tròn, căng mọng. Bắp trái vừa, hạt trắng ken dày, cùi rất ít, nấu hoặc nướng ăn đều rất ngọt. Đặc sản rượu cần ủ bằng bắp không nơi nào sánh được vùng này...
Phía Đông sông Ba nổi tiếng bởi sự tài hoa, lưu giữ đầy đủ bản sắc văn hóa của dân tộc mình. Văn hóa nhà mồ, tượng mồ, kiến trúc nhà sàn, cồng chiêng, dân ca, nghề truyền thống,... vẫn còn. Ksor Byun, ở buôn Jư Ma Uốt (xã Ia Broăi) là một nghệ nhân nổi tiếng, biết chỉnh chiêng, chơi chiêng rất giỏi. Nhiều buôn lưu giữ nhiều bộ cồng chiêng quý hiếm chỉ để phục vụ các dịp lễ trọng. Rơ  Com Hjeng-cán bộ phụ nữ xã Ia Broăi đang sở hữu bộ chiêng quý 15 chiếc, dùng vào lễ thổi tai, nhà mới, trưởng thành, hoặc có tang ma... Những bộ chiêng để xoang là cổ nhất, chỉ ít người có, cả xã Ia Broăi mà chỉ có 3 gia đình. Sống ở vùng sông nước nên nghề cá nơi đây khá phát triển, gần như nhà nào cũng có xuồng ghe để tiện việc đi lại và đến mùa thì xuôi sông Ba đánh bắt cá. 
Cảnh vật nơi đây như níu giữ bước chân tôi, không cho tôi ngược về phố thị...
Thất Sơn

Có thể bạn quan tâm