Kinh tế

Nông nghiệp

Triển khai chương trình “cầm tay chỉ việc”

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Thay đổi tập quán canh tác cây trồng đối với đồng bào dân tộc Jrai ở huyện Krông Pa, đặc biệt là cây lúa nước nhằm tăng năng suất trên một đơn vị diện tích là một việc làm cần thiết hiện nay. Chính vì vậy, Trạm Bảo vệ thực vật (BVTV) huyện đã xây dựng chương trình “hướng dẫn trực tiếp kỹ thuật trồng cây lúa nước tại ruộng sản xuất” của một hộ nông dân ở cánh đồng Cầu 2, xã Chư Gu. Qua hơn 3 tháng triển khai, kết quả bước đầu đã cho thấy kết quả.

Được tham dự buổi tổng kết chương trình “hướng dẫn trực tiếp kỹ thuật trồng cây lúa nước tại ruộng sản xuất” của hộ nông dân Ama Dĩ ở buôn Bát, xã Chư Gu (huyện Krông Pa), đây là hộ nông dân được Trạm BVTV huyện thống nhất với UBND và Hội Nông dân xã Chư Gu chọn để thực hiện chương trình với diện tích là 0,5 ha chúng tôi chứng kiến niềm vui của bà con Jrai nơi đây.

 

Bà con nông dân xã Chư Gu tham quan ruộng chương trình. Ảnh: Q.N

Cách đây hơn 3 tháng, cũng tại đây, Trạm BVTV đã tiến hành hướng dẫn Ama Dĩ kỹ thuật làm đất, chọn giống, ngâm giống, gieo sạ và phun thuốc trừ cỏ cũng như kỹ thuật bón phân và phòng trừ sâu bệnh hại với sự theo dõi của 40 hộ dân đang có ruộng tại đây và đến nay đã cho kết quả. Theo quan sát của chúng tôi, ruộng lúa của Ama Dĩ khác hơn hẳn so với các ruộng khác bên cạnh, cây cứng không bị đổ, bông lúa dài và chín đều.

Nhìn thửa ruộng của mình bỏ bao công sức chăm sóc, Ama Dĩ không giấu nổi niềm vui: trước kia mình làm ruộng theo tập quán canh tác cũ, gieo sạ xong thì bỏ đó, không ngó ngàng gì tới, đi làm cỏ mì cho nên hiệu quả không cao, năng suất thấp. Từ khi được chọn làm chương trình, mình mới hiểu biết nhiều và thấy sự quan trọng của các bước quy trình trồng lúa nước và từ nay mình sẽ áp dụng những gì mà cán bộ truyền đạt để tập trung trồng lúa tại mảnh ruộng này. Mình sẽ vận động bà con phải áp dụng kỹ thuật vào trồng lúa nước thì hiệu quả mới cao được. Bà con không biết mình sẽ nói những điều cho bà con mình biết.

Theo kết quả tính toán, so sánh trên đơn vị diện tích 1 ha giữa thửa ruộng của chương trình và ruộng của hộ nông dân canh tác theo tập quán cũ của Trạm BVTV thì cho thấy, hiệu quả đem lại rất cao. Tổng lãi ròng trên 11 triệu đồng/ha nếu áp dụng chương trình, còn không áp dụng thì lãi ròng chỉ được trên 5 triệu đồng. Bên cạnh đó, nếu áp dụng chương trình thì các khâu như: lượng giống, thuốc trừ sâu, công làm cỏ, chi phí sản xuất cũng giảm rõ rệt, chất lượng sản phẩm được nâng lên vì sử dụng ít thuốc BVTV.

Ông Huỳnh Nam Long- phụ trách Trạm BVTV huyện cho biết: mục đích của chương trình là giúp đồng bào dân tộc thiểu số địa phương còn hạn chế về kỹ thuật trồng lúa nước, trực tiếp nhận biết được các thao tác kỹ thuật để áp dụng vào sản xuất cho phù hợp nhằm tăng năng suất. Tại ruộng sản xuất, Trạm luôn tổ chức hướng dẫn bằng các mẫu vật, hình ảnh, tờ rơi, tờ bướm và thực hiện hành động cụ thể theo từng công đoạn.

Tập trung là việc quản lý tốt cỏ dại trong ruộng lúa và đưa năng suất cây lúa tăng lên so với tập quán kỹ thuật canh tác cũ của bà con nông dân trên địa bàn. Trong thời gian tới, Trạm BVTV sẽ kiến nghị cấp trên hỗ trợ kinh phí để thực hiện chương trình ở các xã có diện trồng lúa nước nhiều như Uar, Ia Rsai, Ia Rmok… và đặc biệt là các diện tích trồng lúa nước của bà con được hưởng lợi từ công trình thủy lợi Ia Mlah.

Đây là chương trình hết sức ý nghĩa đối với bà con nông dân là đồng bào dân tộc thiểu số còn hạn chế về kỹ thuật trồng lúa nước. Chương trình có tính chất tuyên truyền hướng dẫn trực tiếp bằng hình thức “cầm tay chỉ việc” tại ruộng sản xuất nhằm đem lại năng suất cao cho cây lúa nước. Bên cạnh đó, giảm được chi phí sản xuất, tăng thu nhập góp phần xóa đói, giảm nghèo cho người dân gắn bó với cây lúa nước trên vùng được “mệnh danh” là vùng đất khát Krông Pa này.

Quang Ngọc

Có thể bạn quan tâm