Triển khai công tác đặc xá năm 2013

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Ngày 29-7, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Chủ tịch Hội đồng Tư vấn đặc xá, đã dự Hội nghị triển khai công tác đặc xá năm 2013 do Bộ Công an tổ chức.

Nhiều đối tượng được xem xét đặc xá

Quyết định số 1251/2013/QĐ-CTN của Chủ tịch nước ngày 20-7-2013 quy định rõ đối tượng được đặc xá và không được đặc xá nhân dịp Quốc khánh 2-9-2013, tính từ ngày 31-8-2013.

Theo đó, đối tượng được đặc xá gồm người bị kết án phạt tù có thời hạn, tù chung thân đã được giảm xuống tù có thời hạn, đang chấp hành án phạt tù tại trại giam, trại tạm giam do Bộ Công an, Bộ Quốc phòng quản lý.

 

Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại Hội nghị triển khai công tác đặc xá năm 2013.
Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại Hội nghị triển khai công tác đặc xá năm 2013.

Về điều kiện được đặc xá, người bị kết án phạt tù có thời hạn, tù chung thân đã được giảm xuống tù có thời hạn, đang chấp hành án phạt tù được đề nghị đặc xá phải có đủ các điều kiện như đã chấp hành ít nhất 1/3 thời gian đối với án phạt tù có thời hạn; chấp hành tốt nội quy trại giam; tích cực học tập cải tạo từ loại khá trở lên; khi được đặc xá không ảnh hưởng đến an ninh, trật tự an toàn xã hội; đã chấp hành xong hình phạt bổ sung về tiền, bồi thường thiệt hại hoặc nghĩa vụ dân sự khác.

Đối với những trường hợp đã chấp hành được 1/4 thời gian, ít nhất 12 năm với án chung thân đã được giảm xuống án có thời hạn, và đủ một số điều kiện khác theo quy định khi thuộc trong các trường hợp sau sẽ được xét đặc xá: Lập công lớn trong khi chấp hành án có xác nhận; là thương binh, bệnh binh, người có thành tích như Anh hùng Lực lượng vũ trang, Anh hùng lao động, Nghệ sỹ Nhân dân, Nhà giáo Nhân dân, Thầy thuốc Nhân dân, được tặng thưởng huân và huy chương trong kháng chiến, người có thân nhân là liệt sỹ, con của Mẹ Việt Nam Anh hùng, con gia đình có công với nước, người khi phạm tội chưa thành niên, là người từ 70 tuổi trở lên, người mắc bệnh hiểm nghèo, người có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, nữ phạm nhân có thai hoặc có con nhỏ dưới 36 tháng đang ở với mẹ trong trại giam.

Đáng chú ý, Quyết định của Chủ tịch nước nêu rõ, những trường hợp không được xem xét đặc xá gồm người có căn cứ khẳng định đã sử dụng trái phép các chất ma tuý (người nghiện); người phạm tội về ma tuý bị phạt tù đến 7 năm mà thời hạn chấp hành còn lại trên một năm (từ 1 năm trở xuống được đặc xá); phạm các tội về ma tuý bị phạt tù trên 7-15 năm mà thời hạn chấp hành còn lại trên hai năm; phạm các tội về ma tuý bị phạt tù trên 15 năm, tù chung thân mà thời hạn chấp hành còn lại trên 3 năm.

Không xét đặc xá người đồng thời phạm hai tội như giết người và cướp tài sản; giết người và hiếp dâm; giết người và hiếp dâm trẻ em; cướp tài sản và hiếp dâm; cướp tài sản và hiếp dâm trẻ em.

Không xét đặc xá với người phạm tội hiếp dâm có tính loạn luân; giết người có tổ chức; cướp tài sản có sử dụng vũ khí; cướp tài sản và trộm cắp có tổ chức hoặc gây hậu quả nghiêm trọng, đặc biệt nghiêm trọng; cướp nhiều lần, cướp nhiều tài sản và trộm cắp tài sản nhiều lần trở lên.

Người đang chấp hành án phạt tù do nhiều tội trở lên (3 tội), kể cả trường hợp tổng hình phạt, cũng không được xét đặc xá.

Bên cạnh đó, các trường hợp khác không được đặc xá là người có một tiền án hoặc đã bị áp dụng biện pháp xử lý hành chính đưa vào cơ sở giáo dục hoặc trường giáo dưỡng mà bị kết án phạt tù về một trong các trường hợp sau: phạm tội về ma tuý, giết người, hiếp dâm trẻ em, cướp tài sản, cướp giật tài sản, cưỡng đoạt tài sản, lừa đảo chiếm đoạt tài sản, trộm cắp tài sản; bắt cóc nhằm chiếm đoạt tài sản, chống người thi hành công vụ, mua bán phụ nữ hoặc mua bán người, mua bán hoặc đánh tráo hay chiếm đoạt trẻ em, gây rối trật tự công cộng, tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có, cố ý gây thương tích có tính côn đồ hoặc băng nhóm thanh toán lẫn nhau.

Bảo đảm không sai sót trong quá trình đặc xá

Phát biểu chỉ đạo Hội nghị, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh, chúng ta đã thực hiện nghiêm túc Luật Đặc xá, thể hiện chính sách nhân đạo và khoan hồng của Đảng và Nhà nước ta đối với người đã từng lầm đường, lạc lối trở về với cộng đồng và gia đình.

Từ năm 2009 đến nay đã đặc xá cho hơn 40.000 người có đủ điều kiện được đặc xá. Số người tái phạm do đặc xá, tha tù rất ít, người được đặc xá đã tái hòa nhập cộng đồng có hiệu quả, có nhiều mô hình tốt như mô hình “Doanh nhân với an ninh trật tự” tại Nga Sơn (Thanh Hóa), “Quỹ doanh nhân với an ninh trật tự” tại Đồng Nai, mô hình “5+1” về công tác quản lý, giáo dục tái hòa nhập cộng đồng đối với đối tượng vi phạm về an ninh trật tự…

Bên cạnh những kết quả trên, Phó Thủ tướng cho rằng phải công khai, minh bạch, dân chủ hơn nữa, phải có sự giám sát lẫn nhau giữa các cơ quan tố tụng đối với công tác đặc xá.

Sự phối hợp giữa trại giam và gia đình phạm nhân trong việc xem xét đặc xá như trách nhiệm bồi thường dân sự của người đang chấp hành án cần được kiểm tra, giám sát, đối chiếu các tiêu chuẩn với từng phạm nhân để xem xét kỹ lưỡng, không để xảy ra sai sót.

Bên cạnh đó, cần chú trọng tuyên truyền sâu rộng trong xã hội để nhân dân hiểu rõ điều kiện, tiêu chuẩn, đối tượng người được đặc xá để cùng với các cơ quan có thẩm quyền giám sát công tác đặc xá bảo đảm không có sai sót trong quá trình này.

Các Bộ, ngành, địa phương căn cứ vào Quyết định của Chủ tịch nước và Hướng dẫn của Hội đồng Tư vấn đặc xá để thực hiện việc đặc xá phải bảo đảm chặt chẽ, nghiêm túc, đúng đối tượng, tiêu chuẩn. Các ngành tư pháp như Viện Kiểm sát, Toà án các cấp cần quán triệt trong toàn ngành việc giám sát quá trình thực hiện đặc xá, không để tiêu cực xảy ra. Hội đồng Tư vấn đặc xá sẽ đi kiểm tra một số trại giam về công tác này, bảo đảm đúng thời gian để người được đặc xá trở về gia đình đúng dịp ngày lễ của dân tộc, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nói.

Theo Chinhphu.vn

Có thể bạn quan tâm