Thời sự - Bình luận

Triển vọng rõ ràng

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
Bên lề hội nghị Fitch On Vietnam 2024 diễn ra cuối tháng 8 vừa qua, người viết đã có cuộc phỏng vấn các quản lý khu vực của Hãng đánh giá tín nhiệm tín dụng Fitch Ratings.

Trong đó, các quản lý của Fitch Ratings đều đánh giá nền kinh tế Việt Nam sẽ tiếp tục tăng trưởng dù kinh tế thế giới và khu vực còn nhiều thách thức. Với động lực chính là xuất khẩu, nền kinh tế Việt Nam còn tận dụng được cơ hội từ quá trình tái cấu trúc chuỗi cung ứng toàn cầu, cũng như sự khởi sắc phần nào của một số thị trường.

Cũng vào cuối tháng 8, trong phân tích gửi đến người viết, Công ty Moody's, thuộc Tập đoàn dịch vụ đầu tư Moody's chuyên xếp hạng tín nhiệm tín dụng, đánh giá Việt Nam sẽ nhận được lợi thế từ nhu cầu hàng hóa toàn cầu gia tăng, nên sẽ tăng trưởng ổn định trong thời gian tới. Tương tự, trong báo cáo hồi cuối tháng 6, Standard & Poor's cũng nhận định kinh tế Việt Nam có thể sẽ tăng tốc trong năm nay.

Fitch Ratings, Moody's và Standard & Poor's chính là 3 nhà xếp hạng tín nhiệm tín dụng uy tín nhất thế giới trong nhiều năm qua. Vì thế, khi cả ba đơn vị này đều dự báo tích cực về tăng trưởng của kinh tế Việt Nam trong thời gian tới thì triển vọng của chúng ta là rất rõ ràng.

Đó là trong ngắn hạn. Về dài hạn, tuy thế giới đang đối mặt nhiều thách thức nhưng cũng hàm chứa cơ hội lớn khi chuỗi cung ứng toàn cầu đang tái cấu trúc mạnh mẽ, đặc biệt là ngành bán dẫn, kết hợp cùng sự bùng nổ của trí tuệ nhân tạo (AI).

Trong nhiều lần trao đổi với người viết, các chuyên gia thuộc những tập đoàn, định chế tài chính hàng đầu thế giới như ING, Credit Suisse, World Bank…, hay các chuyên gia kinh tế nổi tiếng thế giới như GS Dwight H.Perkins và GS David Dapice (Đại học Harvard, Mỹ) đều đánh giá Việt Nam có rất nhiều cơ hội để trở thành mắt xích quan trọng trong xu thế mới của chuỗi cung ứng toàn cầu.

Cụ thể, Việt Nam ngày càng hội nhập sâu vào chuỗi cung ứng của thế giới. Song hành là nhiều thỏa thuận, hiệp định tự do thương mại mà Việt Nam đã và đang tham gia, nổi bật phải kể đến Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP), Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP)… Hay chúng ta cũng là thành viên của Khuôn khổ kinh tế Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương (IPEF) vốn bao gồm trụ cột quan trọng là thúc đẩy sự phát triển của chuỗi giá trị ngành bán dẫn toàn cầu. Đây chính là các nền tảng quan trọng để chúng ta có thể tận dụng xu thế đang diễn ra.

Thời gian qua, sau quá trình đầu tư lâu dài, nhiều tập đoàn lớn đã đánh giá cao môi trường kinh doanh tại Việt Nam. Điển hình, trả lời phỏng vấn người viết hồi đầu năm nay tại California (Mỹ), CEO Pat Gelsinger của Tập đoàn Intel đã khẳng định: "Intel rất hài lòng với nhà máy của Intel ở Việt Nam. Đó là một khoản đầu tư tuyệt vời cho Intel". Thậm chí, ông nhấn mạnh rằng "Intel rất hạnh phúc với những gì có được tại Việt Nam", đồng thời đánh giá: "Rất nhiều nhà máy đã chuyển dịch vào Việt Nam. Hiện tại có một nhu cầu khá lớn về mở rộng sản xuất tại Việt Nam".

Tất nhiên, để phát huy vận hội trên, chúng ta cần sớm phát triển mạnh mẽ hạ tầng không chỉ về giao thông vận tải, mà còn là năng lượng, viễn thông… Kèm theo đó là đội ngũ nhân lực tương xứng. Bởi để những nhà máy sản xuất chip quy mô lớn hoạt động thì cần có nhân lực, nguồn cung cấp điện và nước sạch cũng như hạ tầng viễn thông, công nghệ tối tân. Đó cũng là điều mà nhiều chuyên gia kinh tế khuyến nghị.

Chính vì thế, khi có những chiến lược hành động phù hợp và hiệu quả, chúng ta hoàn toàn có quyền hướng đến điều mà Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm đã khẳng định trong bài phát biểu tại lễ kỷ niệm 79 năm ngày Quốc khánh nước CHXHCN Việt Nam diễn ra vào tối 29.8 vừa qua. Đó là Việt Nam sẽ tiến vào kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc!

Theo Ngô Minh Trí (TNO)

Có thể bạn quan tâm