Sau khi được người em trai giới thiệu giống táo ngọt Ninh Thuận, bà Nê quyết định trồng thử nghiệm trên 1 sào đất ruộng của gia đình. Tuy nhiên, không có khởi đầu nào là dễ dàng, lứa quả đầu tiên bị ruồi vàng chích, sâu toàn bộ phải hái bỏ. Không bỏ cuộc, bà khăn gói xuống Ninh Thuận để tham quan, học hỏi. Từ kinh nghiệm có được, bà bàn với gia đình vay 50 triệu đồng từ Phòng Giao dịch Ngân hàng Chính sách Xã hội huyện đầu tư lắp đặt nhà lưới cho toàn bộ diện tích táo để phòng trừ sâu bệnh. Kết quả, năm thứ 2, bà thu hoạch được 2,7 tấn quả, lãi trên 40 triệu đồng. Từ thành công ban đầu, bà mở rộng diện tích lên 3,5 sào với 270 cây táo.
Nhờ trồng trong nhà lưới và làm giàn, vườn táo ngọt của bà Đặng Thị Nê (thôn Ia Jut, xã Ia Sol, huyện Phú Thiện) cho năng suất cao. Ảnh: Vũ Chi |
Tham quan vườn táo của gia đình bà Nê, chúng tôi khá bất ngờ với phương pháp trồng thành giàn. Bà cho biết: Trước đây, người dân trồng táo theo cách truyền thống, mỗi cây là một cá thể riêng biệt nên khi mưa bão dễ bị gãy cành. Sau khi tìm hiểu qua mạng xã hội, tôi thấy phương pháp trồng thành giàn tạo được sự liên kết giữa các cây và cho kết quả khả quan. Khi cây trưởng thành, các cành vươn lên phát triển theo giàn cố định bằng dây thép cao khoảng 2 m nên tránh được đổ gãy, quả kết thành từng chùm, thuận lợi cho thu hoạch. Bên cạnh đó, nhờ được chiếu sáng đồng đều, chất lượng quả được nâng lên, không gian vườn cũng thoáng đãng, đẹp mắt hơn. Khách muốn đến tham quan, trải nghiệm hái táo tại vườn cũng rất thuận tiện.
Cũng theo bà Nê, cây táo cho thu hoạch từ tháng 6 đến cuối năm. Để có nguồn hàng cung cấp thường xuyên cho thị trường, bà điều chỉnh vườn cây ra trái xen kẽ nhau. Sau khi thu hoạch chỉ cần cắt cành cách gốc 20 cm rồi bón phân là sẽ có chu kỳ mới, giảm được chi phí đầu tư giống vào năm thứ 2. Nếu chăm sóc tốt, mỗi cây táo có thể thu hoạch hơn 10 năm mới thay giống. Ngoài ra, bà còn sử dụng các loại phân hữu cơ vừa tạo độ tơi xốp, cải tạo đất, vừa giúp cây trồng phát triển tốt, tiết kiệm chi phí. Với các loại sâu bệnh hại, bà sử dụng các chế phẩm sinh học nhằm đảm bảo nguồn táo sạch cung cấp cho thị trường. Bình quân mỗi năm, vườn táo cho thu hoạch trên 9 tấn quả. Với giá bán 20.000 đồng/kg như năm rồi, bà lãi gần 150 triệu đồng, cao gấp nhiều lần trồng lúa. Bên cạnh đó, tận dụng diện tích mặt đất, bà chăn nuôi thêm gà thịt dưới tán cây vừa giúp bắt sâu bọ, vừa hạn chế cỏ dại và tranh thủ nguồn phân hữu cơ cải tạo đất. “Nguồn cung dồi dào nên chủ yếu tôi bán qua mạng xã hội. Thời gian tới, gia đình tiếp tục mở rộng diện tích, đồng thời sản xuất theo hướng VietGAP để tìm đầu ra ổn định cũng như nâng cao hiệu quả kinh tế. Nếu hội viên phụ nữ trong xã có nhu cầu thì tôi sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm”-bà Nê chia sẻ.
Chị Đinh Thị Hạnh-Chi hội trưởng Chi hội Phụ nữ làng Ia Jut-cho hay: Trồng táo ngọt trong nhà lưới là mô hình mới, mang lại hiệu quả kinh tế cao, góp phần thúc đẩy chuyển đổi cơ cấu cây trồng tại địa phương. Nhờ phù hợp với điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng, cây táo ngọt phát triển tốt, cho trái to, ngon ngọt, được người tiêu dùng ưa chuộng. Khi đến tham quan mô hình, bà Nê rất nhiệt tình giới thiệu, hướng dẫn kiến thức chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh hại cho cây trồng để chị em có thể học hỏi, làm theo.
Đánh giá về triển vọng mô hình trồng táo ngọt tại địa phương, bà Tạ Thị Lan-Chủ tịch Hội Liên hiệp phụ nữ xã Ia Sol-nhận định: Đây là mô hình có triển vọng phát triển gắn với du lịch sinh thái nhà vườn, vừa giúp nông dân tiêu thụ nông sản, vừa có thể kinh doanh dịch vụ để phát triển kinh tế. Hội Liên hiệp phụ nữ xã tích cực hỗ trợ gia đình quảng bá sản phẩm thông qua các phiên chợ do huyện tổ chức và qua các trang mạng xã hội như Zalo, Facebook. Thời gian tới, Hội sẽ tổ chức cho chị em tham quan, học hỏi kinh nghiệm từ mô hình này để triển khai nhân rộng, tạo liên kết trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm, góp phần phát triển kinh tế-xã hội địa phương.