Triển vọng từ công nghệ dự báo lũ trên hạ lưu sông Ba

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Ảnh: Lê Nam
Ảnh: Lê Nam
Nhằm tránh những thiệt hại nặng nề do lũ lụt gây ra, giúp cuộc sống người dân vùng lũ ổn định và tạo điều kiện thúc đẩy kinh tế huyện Krông Pa phát triển bền vững, UBND tỉnh, Sở Khoa học và Công nghệ giao cho Đài Khí tượng Thủy văn khu vực Tây Nguyên thực hiện đề tài: “Xây dựng bản đồ nguy cơ ngập lụt và hệ thống tháp báo lũ huyện Krông Pa; ứng dụng công nghệ dự báo lũ và nguy cơ ngập lụt vùng trũng thấp các huyện hạ lưu sông Ba tỉnh Gia Lai”. Công trình vừa hoàn thành, đưa vào nghiệm thu, hứa hẹn giúp người dân Krông Pa phòng- chống lũ hiệu quả.

Huyện Krông Pa có khoảng 40% diện tích tự nhiên là vùng trũng thấp, thuộc thung lũng hạ lưu sông Ba. Vào mùa mưa, các vùng trũng thấp ở đây thường chịu ảnh hưởng lớn do lũ gây nên. Nhiều suối nhỏ chảy theo chiều ngang của huyện đổ về sông Ba như: Krông Năng, Ia Rsai, Mláh, Ia Dréh… về mùa mưa thường xảy ra lũ quét. Theo số liệu thống kê, từ năm 1978 đến 2009 tại vùng trũng huyện Krông Pa xuất hiện 3 trận lũ rất lớn vào các năm 1988, 1993, 2009 và rất nhiều trận lũ nhỏ gây nhiều thiệt hại.

Việc xây dựng bản đồ nguy cơ ngập lụt là xác định được ranh giới giữa vùng không ngập và vùng nguy cơ bị ngập lụt, không chỉ mang lại hiệu quả trong công tác phòng tránh bão lũ mà còn có ý nghĩa trong việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng, bố trí mùa vụ, điều tiết nước… phục vụ cho phát triển nông nghiệp và sinh hoạt, quy hoạch khu dân cư, cơ sở hạ tầng hợp lý. Xây dựng hệ thống tháp báo lũ đặt tại một số vùng ngập trọng điểm nơi này để nâng cao hiệu quả công tác phòng-chống bão lũ cho từng vùng và giúp cho người dân nhận biết mức độ ngập lụt tại từng thời điểm.

Kỹ sư Mã Tuấn-Chủ nhiệm đề tài cho hay: Việc điều tra, đánh dấu vết lũ là một trong những công việc hết sức quan trọng để xây dựng bản đồ ngập lụt tại một số khu vực, quyết định độ chính xác của bản đồ, diện tích ngập lụt, độ sâu ngập lụt. Ngoài ra, trên bản đồ nguy cơ ngập lụt còn thể hiện một số các yếu tố chi tiết như số hộ dân bị ngập, tình hình dân sinh-kinh tế vùng ngập lụt, nguy cơ thiệt hại do lũ lụt gây ra… để có biện pháp phòng tránh thích hợp và hiệu quả. Khi đề tài được áp dụng chúng tôi sẽ có những đợt tập huấn, hướng dẫn chuyển giao kỹ thuật sử dụng, ứng dụng công nghệ thông tin cho các địa phương, sở, ban ngành để áp dụng được hiệu quả…

Đồng thời, ứng dụng công nghệ thông tin để xây dựng phương án dự báo và cảnh báo nguy cơ ngập lụt vùng hạ lưu sông Ba; cảnh báo diện tích ngập lụt, độ sâu ngập lụt, mức độ ngập lụt tại các khu vực chủ yếu… còn giúp các sở, ban ngành và người dân địa phương chủ động trong công tác phòng, tránh lũ. Xây dựng phần mềm dự báo ngập lụt được cài đặt trên hệ thống máy tính để cảnh báo, dự báo lũ, ngập lụt tại Ayun Pa và trạm bơm cầu 2, Krông Pa và quản lý cơ sở dữ liệu lũ trên lưu vực sông Ba.

Kết quả nghiên cứu cho thấy việc sớm áp dụng công nghệ dự báo lũ trên vùng hạ lưu sông Ba nói chung và huyện Krông Pa nói riêng sẽ giúp cho công tác phòng tránh bão lũ hiệu quả hơn, giảm thiểu thiệt hại về người và của khi có bão lũ xảy ra.

Lê Nam

Có thể bạn quan tâm