(GLO)- Người khuyết tật chịu thiệt thòi trong xã hội bởi gặp nhiều rào cản trong giao tiếp và thiết lập các quan hệ xã hội, giao dịch dân sự, đặc biệt khi họ là chủ thể tham gia tố tụng trong các vụ án hình sự, dân sự, hành chính… Chính vì vậy, bên cạnh việc họ rất cần những tấm lòng chia sẻ, đồng cảm và giúp đỡ, động viên trong đời sống vật chất, tinh thần và sinh hoạt hàng ngày thì người khuyết tật còn cần đến sự trợ giúp, hỗ trợ cùa Nhà nước, xã hội trong việc thực hiện quyền và nghĩa vụ của mình.
Với mục đích và ý nghĩa trên, ngày 21-8, tại TP. Pleiku, tỉnh Gia Lai, Vụ Pháp luật Dân sự-Kinh tế (Bộ Tư Pháp) phối hợp với Sở Tư pháp, Sở Lao động-Thương binh và Xã hội tỉnh Gia Lai tổ chức Hội thảo với chủ đề “Hoàn thiện hệ thống pháp luật về trợ giúp xã hội đối với người khuyết tật”.Tham dự có Hội Bảo trợ Người khuyết tật và Bảo vệ quyền trẻ em tỉnh Gia Lai, cùng đại diện các ban ngành liên quan trên địa bàn tỉnh…
Theo bà Nguyễn Như Ý-Phó Giám đốc Sở Tư pháp tỉnh Gia Lai, công tác trợ giúp pháp lý cho người được trợ giúp pháp lý nói chung và người khuyết tật nói riêng nhận được sự quan tâm của các cấp chính quyền địa phương, sự phối kết hợp của các tổ chức đoàn thể trên địa bàn tỉnh. Hoạt động trợ giúp pháp lý cho người khuyết tật thông qua các hình thức khác nhau đã đạt được những kết quả nhất định, bước đầu tạo điều kiện cho người khuyết tật được tiếp cận với hoạt động trợ giúp pháp lý.
Trong giai đoạn 2012-2020, Sở Tư pháp đã chỉ đạo Trung tâm trợ giúp pháp lý nhà nước tỉnh triển khai thực hiện hoạt động trợ giúp pháp lý cho người khuyết tật theo đề án trợ giúp người khuyết tật giai đoạn 2012-2020 do Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1019/QĐ-TTg ngày 5-8-2012. Từ năm 2012 đến nay, Trung tâm đã thực hiện trợ giúp pháp lý cho người khuyết tật theo Luật trợ giúp pháp lý năm 2006; trợ giúp pháp lý cho người khuyết tật có hoàn cảnh khó khăn về tài chính theo Luật Trợ giúp pháp lý năm 2017; các kế hoạch triển khai thực hiện chính sách trợ giúp pháp lý cho người khuyết tật trên địa bàn do Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành. Đồng thời, thường xuyên tuyên truyền, tư vấn pháp luật cho người khuyết tật. Bên cạnh đó, Trung tâm còn cử các trợ giúp viên pháp lý, luật sư là cộng tác viên của Trung tâm tham gia bào chữa, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho người khuyết tật tại các cơ quan tiến hành tố tụng.
Trung tâm đã thụ lý và thực hiện trợ giúp pháp lý cho tất cả các yêu cầu của người khuyết tật (giai đoạn 2012-2017) và người khuyết tật có hoàn cảnh khó khăn về tài chính (giai đoạn 2018-2020) với 100% yêu cầu được trợ giúp. Giai đoạn 2012-2017, Trung tâm đã thụ lý và cử trợ giúp viên pháp lý, luật sư cộng tác viên và cộng tác viên khác trợ giúp pháp lý được 28 vụ việc cho 28 người được trợ giúp pháp lý là người khuyết tật (trong đó có 21 nam, 7 nữ). Giai đoạn 2018-2020, Trung tâm đã thụ lý được 6 vụ cho 6 người được trợ giúp pháp lý là người khuyết tật có hoàn cảnh khó khăn về tài chính.
Quang cảnh hội thảo. Ảnh: Hà Phương |
Theo thống kê của Sở Lao động-Thương binh và Xã hội tỉnh Gia Lai, toàn tỉnh hiện có 13.563 người khuyết tật, chiếm tỷ lệ 1,96% tổng dân số; phân theo các dạng tật thì người khuyết tật hệ vận động chiếm tỷ lệ cao nhất (chiếm 47,91%), kế tiếp là khuyết tật hệ thần kinh, trí tuệ (chiếm 27,86%), còn lại các thuyết tật khác như nghe nói, khuyết tật nhìn. Chia theo mức độ khuyết tật thì khuyết tật nặng có 8.017 người (trong đó dưới 16 tuổi là 1.370 người, từ 16-60 tuổi là 5.085 người, từ 60 tuổi trở lên là 1.562 người) chiếm 59,10%; khuyết tật đặc biệt nặng là 2.667 người (trong đó dưới 16 tuổi là 741 người, từ 16-60 tuổi là 1.403 người, từ 60 tuổi trở lên là 528 người) chiếm 19,66%; khuyết tật nhẹ 2.879 người, chiếm 20,56%.
Thực hiện kế hoạch trợ giúp người khuyết tật, các địa phương đã triển khai nhiều hoạt động nâng cao nhận thức của cộng đồng về chăm sóc cho người khuyết tật tại gia đình, khuyến khích học sinh khuyết tật trong học tập. Các hoạt động từ thiện nhân đạo do các tổ chức, cá nhân vận động chăm lo cho người khuyết tật ngày càng nhiều. Các cấp, các ngành, của cộng đồng xã hội quan tâm tạo môi trường thuận lợi để người khuyết tật được tham gia bình đẳng vào các hoạt động xã hội, cải thiện và nâng cao chất lượng cuộc sống của người khuyết tật, xây dựng môi trường tốt cho người khuyết tật hòa nhập vào cộng đồng được nâng lên”-ông Nguyễn Thành Huế- Phó Giám đốc Sở Lao động-Thương binh và Xã hội tỉnh cho biết.
Cũng theo ông Huế, hàng năm, Sở Lao động-Thương binh và Xã hội phối hợp với Bệnh viện Chỉnh hình và Phục hồi chức năng Đà Nẵng, Quy Nhơn tổ chức khám sàng lọc cho hơn 300 người khuyết tật và tổ chức đưa 100 người khuyết tật vận động thuộc hộ nghèo đến phẫu thuật và chỉnh hình phục hồi chức năng miễn phí; trên 200 người khuyết tật được cấp dụng cụ, xe lăn, xe lắc phục vụ cho việc đi lại và kiếm sống, do các tổ chức, cá nhân tài trợ. Bên cạnh đó, tỉnh tạo điều kiện cho các tổ chức, cá nhân tham gia hỗ trợ người khuyết tật nhân các ngày lễ, Tết, các tổ chức đoàn thể (Hội Chữ thập đỏ, Hội Bảo trợ Người khuyết tật và Bảo vệ quyền trẻ em tỉnh Gia Lai, Hội Người mù, Hội nạn nhân chất độc da cam) phối hợp với chính quyền địa phương tổ chức các đoàn thể đến thăm tặng quà cho người khuyết tật gặp khó khăn trong cuộc sống.
Ông Lê Đại Hải-Vụ phó Vụ Pháp luật Dân sự-Kinh tế (Bộ tư Pháp) cho rằng, để làm tốt công tác an sinh xã hội, cần huy động sự tham gia của cộng đồng, sự đồng thuận xã hội. Trong quá trình thực hiện chương trình trợ giúp pháp lý cho người khuyết tật cần chú trọng đối tượng vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng sâu vùng xa, vùng biên giới nhằm thu hẹp khoảng cách phát triển giữa các vùng miền; tạo bình đẳng cơ hội và hỗ trợ cần thiết đối với phụ nữ, trẻ em và các đối tượng dễ bị tổn thương trên tinh thần không ai bị bỏ lại phía sau.
Hà Phương