Sau hơn 10 năm, điểm nóng Hang Kia – Pà Cò (Mai Châu, Hòa Bình) đã bình yên, nhưng vẫn còn những cơn “sóng ngầm”, ám ảnh về tội phạm ma túy. Để làm nguội “điểm nóng” cán bộ ở đây đã tranh thủ sự đồng thuận của những người có uy tín ở địa phương.
“Boongke” của trùm ma túy giờ ra sao?
Tuy Hang Kia thuộc huyện Mai Châu, tỉnh Hòa Bình, nhưng để vào được xã Hang Kia lại phải lên đến địa phận huyện Mộc Châu của tỉnh Sơn La mới có đường. Từ quốc lộ 6 đi lên hướng Sơn La, rẽ trái khoảng 3 km là đến trung tâm xã Pà Cò, đi thêm 7km nữa mới vào đến xã Hang Kia.
Đường độc đạo vào Hang Kia men theo triền núi bây giờ được thảm bê tông. Từ đỉnh dốc nhìn xuống, Hang Kia lọt thỏm giữa thung lũng xanh mướt. Xa xa là những đám mây mỏng bay lơ lửng, quyện vào màu xanh của núi rừng.
Những nóc nhà người Mông ẩn hiện trong khói sương bảng lảng, yên bình. Không còn những ánh mắt dò xét, cảnh giác, người dân bây giờ bận rộn với những công việc thường nhật.
Già làng Vàng A Tình |
Thượng úy Vàng A Hua, Trưởng Công xã Hang Kia dẫn chúng tôi đến cổng khu nhà của Vàng A Khua, nơi xảy ra vụ nổ súng ngày 5/2/2010. Tại đây, ba cán bộ công an đã nằm lại khi bắt đối tượng truy nã đặc biệt nguy hiểm Vàng A Khua. Thượng úy Hua cho biết, ở đây luôn tiềm ẩn những cơn “sóng ngầm”.
“Sau 2 ngày, trong xóm có tổ chức đám cưới, người ta không ngồi cùng mâm với mình, gặp nhau không ai chào hỏi. Cũng may, vợ tôi làm ở trạm y tế xã, sau vụ nổ súng 3 hôm con dâu ông Khua đẻ. Vợ tôi vừa đỡ đẻ, vừa tâm sự với gia đình. Những ngày sau đó, tận dụng nhiều mối quan hệ đặc biệt là người già làng, trưởng xóm nói chuyện, sự việc dần một nguôi ngoai”.
Thiếu tá Vàng A Nhà, người từng tham gia vây bắt tội phạm ma túy Vàng A Khua kể
|
Nhà Vàng A Khua nằm trong khuôn viên đất rộng khoảng 5.000m2, xung quanh xây hàng rào sơn trắng đã hoen ố cao gần 3m. Bên trong là một khu nhà với hai ngôi nhà lớn và nhiều nhà nhỏ liền kề. Sát kề khu nhà Khua là một ngọn đồi trọc, trước nhà là bãi đất trống.
Cánh cổng bằng sắt nặng trịch sơn màu xanh đã bong tróc, tuy không đóng chặt, nhưng tạo cảm giác cô quạnh và lẻ loi. Phía trong, những cánh cửa nhà đều đóng im ỉm. Trong sân, có đứa trẻ nhỏ tha thẩn chơi một mình. Chỉ vào căn nhà gỗ bạc màu cũ kỹ, Thượng úy Hua nói: “Đó là nhà Khua, phía sau căn nhà có kính che, ngôi nhà có đứa trẻ chơi trước cửa là nhà Vàng A Của. Nhà này giờ là cháu nội Khua ở”.
Thượng uý Hua cho biết, sau khi bị truy nã, Vàng A Khua ngừng hoạt động, tiền cũng hết, tài sản còn lại duy nhất là khẩu AK. Sau vụ nổ súng ngày 5/2/2010, con dâu của Khua cũng bị công an tỉnh Thanh Hóa bắt vì liên quan đến đường dây ma túy. Vợ Khua sau đó cũng mất vì ung thư. Người con trai thứ 2 của Khua đi học, giờ đang làm dưới Hà Nội.
Gặp cha đẻ mô hình “dòng họ tự quản”
Thượng úy Hua cho biết, sự kiện 5/2/2010 không chỉ dừng lại ở việc bắn hạ Vàng A Khua. Lúc đó, một số đối tượng ở địa phương khác xúi giục rằng: “Làm như thế là không đúng, không phải” rồi kích động đập phá xe ô tô của lực lượng chức năng.
Thậm chí, còn có tin đồn, ai vào đây sẽ bị bắn chết. Cũng may, lúc đó, những người có uy tín trong dòng họ đã đứng ra giải quyết. Nói rồi, Thượng úy Hua dẫn chúng tôi đến gặp già làng Vàng A Tình, người đã đứng lên lúc cam go để gỡ nút thắt quan trọng này.
Khu nhà của Vàng A Khua xây tường cao 3m |
Già làng Tình nguyên là cán bộ Huyện đoàn Mai Châu, người có tiếng nói uy tín trong họ Vàng, lại là anh em với Vàng A Khua. Nhà ông Tình cách khu nhà Vàng A Khua chừng 100 m. Năm nay, già Tình đã 90 tuổi nhưng đôi tay còn chắc nịch.
Rót chén trà mời khách, tuy đã nặng tai nhưng ông còn minh mẫn lắm: “Tôi còn khỏe. Hàng ngày, chăn con trâu đực, giúp con tôi. Ở tuổi này không còn gì nuối tiếc nữa”, già làng Tình giọng sang sảng khoe.
Nhắc đến Vàng A Khua, già làng Tình nói: “Nhớ chứ, tôi vẫn sang đó chơi. Bố con họ (ông Khua - PV) hư, không chấp hành pháp luật thì bị trừng trị thôi. Lúc đấy cũng căng, dân với dân cũng hằn thù với nhau. Tôi nói họ phải đoàn kết, vì một thứ nhỏ mà mất đoàn kết thì hỏng hết”.
Già làng Tình cho biết, đây là địa bàn phức tạp, làm gì cũng phải kiên trì, nhất là đi làm kinh tế, xóa bỏ ma túy, cây thuốc phiện. “Không phải nói xa, mình là người có uy tín, trước tiên phải giáo dục con cái tốt, không phạm pháp, hay giúp đỡ, tương trợ, người ta mới tin mình, nghe theo mình” - già làng Tình nói.
Cũng là công an địa phương tham gia vây bắt Vàng A Khua, nhắc lại lúc đó, Thiếu tá Vàng A Nhà, Trưởng Công an xã Pà Cò (nguyên là Trưởng công an xã Hang Kia) bày tỏ: “Tôi chỉ kịp nói các anh trong ban công an rằng, cứ đưa (hai cán bộ công an bị thương - sau đó tử vong trên đường - PV) đi, mọi việc còn lại chúng tôi xử lý. Nhưng sau đó, bản thân tôi là công an ở đó nhưng đi đâu người ta cũng chửi. Hai tuần không dám cạo râu. Trong một năm, tôi sợ nghe tiếng điện thoại. Sau đó, tôi phải thay điện thoại, đổi tiếng chuông”.
Thiếu tá Nhà cho biết, một năm sau, anh chuyển sang làm Phó Chủ tịch UBND xã Hang Kia, phụ trách an ninh quốc phòng, văn hóa giáo dục, chỉ đạo thực hiện đảm bảo an ninh trật tự địa phương.
Nhận thấy việc nhắc nhở tuyên truyền vận động nhưng người dân vẫn không thay đổi, nếu cứ tiếp tục phương án cũ thì tình hình an ninh trật tự, ma túy không có biến chuyển.
Quá trình học bồi dưỡng ở trường, anh Nhà có đọc một số văn bản nghiên cứu đặc điểm văn hóa, tâm lý của đồng bào dân tộc Mông, của dân tộc thiểu số. Trong đó, tài liệu đề cao vai trò của người già làng, trưởng bản, trưởng dòng họ. Vì thế, anh quyết tâm thay đổi phương án.
“Tôi đề xuất với lãnh đạo xã họp các trưởng dòng họ. Bởi khi đi tuyên truyền, cán bộ nói rất nhiều không bằng các già làng, trưởng bản, trưởng họ nói một vài câu. Sau đó, xã ban hành nghị quyết về dòng họ tự quản, phối hợp giữa mặt trận tổ quốc, các ban ngành, công an huyện và mời các lãnh đạo 5 dòng họ lớn (Vàng, Giàng, Khà, Sùng, Hờ) phân bố ở bản Thung Mặn, Pà Khôm (Hang Kia) đến họp.
Trong thời gian đó, tôi soạn ra một quy ước gồm 8 điều, 3 chương gồm các vấn đề về tảo hôn, ma tuý, phá rừng và phát triển kinh tế. Chúng tôi tổ chức hội nghị, có mời lãnh đạo tỉnh, thông qua quy ước. Những người có uy tín trong dòng họ được mời góp ý thảo luận, sửa đổi bổ sung. Ngay ngày hôm đó, quy ước được thông qua và đưa vào áp dụng ngay trong địa bàn các xã Hang Kia, Pà Cò, Lóng Luông (Vân Hồ). Năm năm sau, đời sống người dân dần thay đổi.
(Còn nữa)
Theo Đức Anh (TPO)