Trở lại Plei Lao…

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Tây Nguyên những ngày cuối tháng tư bắt đầu có mưa. Những cơn mưa đầu mùa đem đến một chu kỳ phát triển mới. Con đường nhựa trải dài từ trung tâm huyện Chư Pưh về làng Lao bây giờ không còn cảm giác cái nắng của tháng ba hừng hực…

Đổi mới từ mỗi gia đình

Hơn 10 năm trước, con đường về Plei Lao xiêu vẹo như người say. Nhiều gia đình không màng đến chuyện chỉnh trang bờ giậu. Nhiều nhà để súc vật mặc sức chạy rông không buồn đóng chuồng trại… Là bởi ngày ấy nhiều người nhẹ dạ cả tin nghe theo lời tuyên truyền xuyên tạc của bọn phản động FULRO.

 

Các cháu học sinh ở Plei Lao. Ảnh: L.V.N
Các cháu học sinh ở Plei Lao. Ảnh: L.V.N

Bây giờ về làng nhìn từ xa đã thấy một màu xanh bạt ngàn của hồ tiêu và nhiều ngôi nhà kiên cố được xây dựng khang trang. Bà con đã ý thức chỉnh chu từng bờ giậu, tô điểm cho con đường làng thêm thẳng tắp, sạch sẽ tươm tất hơn. Nhiều hộ tự giác cắt đất, lùi sân để mở rộng đường làng thêm thẳng tắp, thoáng đãng…

Ngày ấy, chỉ vì nghe theo những lời xúi giục, kích động của một số đối tượng xấu mà nhiều người cứ lầm tưởng không lao động vẫn có nhà cao cửa rộng, không lao động cũng có tiền khi mơ đến miền đất hứa từ bên kia nửa vòng trái đất. Nhiều người ở Plei Lao bấy giờ nghe theo cái gọi là “Tin lành Đê-ga” rồi góp tiền cho một số phần tử kích động mong tìm cách vượt biên sang Campuchia.

Song, giấc mơ vàng đâu không thấy nhưng đã có người bỏ mạng nơi đất khách quê người, có người sống lay lắt nơi trại tập trung. Được sự trợ giúp của tổ chức UNHCR và chính quyền 2 nước sở tại Việt Nam, Campuchia, bà con đã nhận ra điều sai lầm và may mắn trở về đoàn tụ với gia đình.

Nhớ lại câu chuyện của những năm 2001 và 2004, ông Siu Kun-Trưởng thôn Plei Lao không khỏi trầm ngâm: “Thật đáng tiếc! Cuộc sống đang yên lành thế mà nhiều người nhẹ dạ không phân biệt đâu là phải, đâu là trái rồi bỏ bê ruộng vườn, không màng đến làm ăn chân chính, không chăm sóc vợ con để rồi đi tìm một giấc mơ hão huyền. Cả cái làng này có đến 90 người u mụi kéo lên Pleiku tham gia bạo loạn rồi sau đó 30 người vượt biên sang Campuchia. Khi trở về, họ mới sáng cái đầu là không nơi nào như chính trên mảnh đất quê hương mình được xây dựng trên chính sức lao động mới đem đến sự tự do, no đủ”.

Trong câu chuyện của quá khứ, Siu Kun kể chuyện về Siu Thức-người một thời lầm đường lạc lối. Khi trở về quê hương đoàn tụ với gia đình và được cộng đồng giúp đỡ của bà con, Siu Thức đã xây được nhà mới, gia đình đã có xe máy, xe công nông. Nhờ chí thú làm ăn nên gia đình Siu Thức đã đủ gạo ăn cho 9 người. Ngoài ra, Siu Thức còn có vườn tiêu hơn 0,5 ha. Tương tự, Siu Lik cũng vừa mới xây nhà mới. Gia đình hàng năm tích lũy không dưới 200 triệu đồng.

Vượt lên thành làng điển hình

Nói về sự đi lên của Plei Lao, Phó Trưởng phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Chư Pưh-ông Kpa Long cho biết: “Plei Lao có 192 hộ/1.212 khẩu, hầu hết là người Jrai. Từ một làng mất ổn định an ninh về chính trị đến nay đã trở thành làng điển hình tiên tiến. Mọi người giúp đỡ nhau phát triển kinh tế vươn lên giàu có. Hiện Plei Lao có 4 hộ trồng 2.000 trụ tiêu như gia đình Siu Bul, Rơ Mah Hloai… 60% số hộ còn lại có từ 500 đến 600 trụ tiêu kinh doanh. Nhiều hộ còn tham gia trồng bời lời, nuôi bò; gia đình có xe công nông phục vụ sản xuất.

 

Một góc Plei Lao. Ảnh: L.V.N
Một góc Plei Lao. Ảnh: L.V.N

Người Jrai ở đây đã biết làm chuồng trại nhốt súc vật lấy phân bón cho cây trồng. Họ không để đất ngừng nghỉ. Nhờ vậy, có không ít gia đình đã tích lũy hàng trăm triệu đồng. Điển hình như gia đình ông Kpui Dem, ông Siu Kun. Ngoài làm kinh tế, nhiều gia đình còn quan tâm đến việc học hành của con cái. Đến nay, làng Lao đã có 2 cháu học cao đẳng, 4 cháu học trung cấp”…

Để được như ngày hôm nay, sau sự kiện năm 2001 và 2004, lãnh đạo huyện Chư Sê trước đây và lãnh đạo huyện Chư Pưh hiện nay đã quan tâm củng cố hệ thống chính trị cơ sở, chấn chỉnh cán bộ phụ trách từ xã đến thôn, làng. Nhiều năm qua, huyện trên cơ sở phân công đảng viên có năng lực tăng cường xuống thôn, làng với phương châm tư vấn để người dân vươn lên phát triển kinh tế-xã hội đã góp phần nâng cao đời sống.

Đồng thời, thường xuyên bám làng, bám dân nắm tình hình tư tưởng, nguyện vọng của nhân dân, vận động nhân dân tham gia các phong trào thi đua yêu nước, thực hiện các chủ trương của Đảng, pháp luật của Nhà nước, nâng cao tinh thần cảnh giác trước các âm mưu, thủ đoạn “Diễn biến hòa bình” của các thế lực thù địch; tích cực đấu tranh với một số phần tử bị kích động, lợi dụng vấn đề dân tộc, tôn giáo để lôi kéo chống phá sự nghiệp cách mạng. Bên cạnh đó, chính quyền cũng thường xuyên theo dõi giúp đỡ người dân từ bỏ các hủ tục và phát huy bản sắc văn hóa của dân tộc mình. Các cuộc vận động như: toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa, sản xuất kinh doanh giỏi, xây dựng gia đình văn hóa từng bước đã đi vào chiều sâu…

Trở lại Plei Lao lần này, trong mỗi chúng tôi không giấu nổi sự hân hoan. Sự nỗ lực vươn lên ở từng con người, từng gia đình ở đây đã góp thêm sự đầm ấm của một vùng quê no đủ.

Lê Văn Nhung

Có thể bạn quan tâm