Nhiều thế hệ người gốc Việt đã gắn bó với những ngôi chợ KanĐa, Orussey, Olympic, Bàu Nau... bán từ mớ rau cái kẹo đến ngày có được một cái sạp hẳn hoi trong lồng chợ.
Buôn bán đủ thứ
4 giờ sáng, không khí trong chợ KanĐa đã rộn ràng. Các sạp hàng nhanh chóng được bày biện, người đi kẻ lại tấp nập, ngôn ngữ xen lẫn tiếng Khmer và tiếng Việt lao xao. Bà con tiểu thương gốc Việt ở chợ này bán đa dạng các mặt hàng, từ cà phê, gia vị, hàng ăn sáng, đến quần áo, làm tóc... và hình thành những khu sạp liền kề nhau theo kiểu “buôn có bạn, bán có phường”.
Một góc chợ KanĐa bày bán những mặt hàng của tiểu thương gốc Việt. |
Chợ KanĐa bài trí khá thoáng, chia thành từng khu dễ phân biệt. Rẽ qua khu gia vị và đồ ăn đóng hộp, có khoảng trên dưới chục sạp hàng của tiểu thương gốc Việt. 6g sáng, bà Nguyễn Xuân Dung (49 tuổi) đứng thở dốc sau hai tiếng bày hàng.
Hiện nay bà Dung và hai người chị có tổng cộng ba sạp liền nhau ở chợ này, đều bán các mặt hàng giống nhau: những cuốn lịch, cà phê, gia vị, hàng tạp phẩm...
Dáng người vất vả với chiếc lưng tôm, bà Dung bắt đầu kể về những ngày tháng mới qua Phnom Penh: “Tôi ở Củ Chi, Sài Gòn, qua đây 30 năm nay rồi. Tôi bán từ hồi chợ còn làm bằng cây ván, nền đất lạo xạo chật chội chứ chưa được rộng rãi như bây giờ”.
Còn hai mẹ con chị Trần Thị Hằng (33 tuổi, quê Trà Vinh) bán quần áo và trái cây 15 năm nay thì cho biết: “Tôi bán từ sáng sớm tới 5g chiều thì về. Cứ cách tuần tôi lại về chợ An Đông và các chợ bán sỉ quần áo ở Sài Gòn để lấy hàng một lần. Trái cây thì có mối giao tận nơi”.
Theo chị Hằng, việc buôn bán ở đây cũng tương tự như ở VN. “Thuận mua vừa bán, hàng mình lấy qua thì bán lại với giá cũng vừa phải nên người dân cũng chuộng. Mình cũng rành tiếng Khmer nên cũng đỡ”.
Tại ngôi chợ khá nổi tiếng ở Phnom Penh là Orussey (còn gọi chợ Cây Tre), những tiểu thương gốc Việt cho biết khoảng trước năm 2000, bà con có quê quán ở VN, đặc biệt là những tỉnh miền Tây Nam bộ, buôn bán trong chợ với số lượng nhiều hơn người bản xứ.
Dần dần, do nhiều lý do như chợ sửa sang lại, việc buôn bán khó khăn, hoặc một số chuyển ra ngoài thuê chỗ làm cửa hàng, một số sang sạp về lại VN... nên số lượng tiểu thương gốc Việt không còn được như trước.
Hiện tại, các mặt hàng mà tiểu thương gốc Việt bày bán trong chợ thường là các loại khô cá, gạo mắm, gia vị... với đa dạng xuất xứ. Trong đó, các loại khô cá chiếm số lượng nhiều nhất. Bà Huỳnh Thị Mận (62 tuổi, chủ một sạp đồ khô tại chợ) cho biết: “Ở đây ngoài bán lẻ, tụi tôi còn bỏ mối cho mấy quán cơm. Quanh năm bán lai rai, tới gần tết thì người mua nhiều hơn. Người dân ở đây chuộng mấy món đồ khô lắm”.
Khác với chợ KanĐa và Orussey, chợ Bàu Nau nằm ở ngoại ô thành phố và được xây lại hơn một năm nay. Mặt hàng mà tiểu thương gốc Việt bán ở chợ này, ngoài quần áo, đồ khô, còn có cá tươi từ Biển Hồ. Ngay phía ngoài chợ, mẹ con bà Trương Thị Lai (50 tuổi) đang lựa giúp khách hai bộ đồ trẻ em. Vẻ niềm nở, bà nhanh chóng
bán được hàng.
Còn gia đình ông Lê Văn Lâm (55 tuổi) bán cá tra, cá lóc ở khu hàng tươi sống. Chừng chục tiểu thương khác cũng bán tương tự ông Lâm. Ông nói: “Bà
con người Việt bán cá ở đây lâu lắm rồi, từ hồi còn ngôi chợ cũ. Đi Phnom Penh hỏi người gốc Việt bán cá ở đâu
là người ta chỉ lại đây”.
2 tỉ đồng/sạp Ở các chợ Phnom Penh sử dụng cả tiền Campuchia (đồng riel, 1 riel bằng khoảng 4-5 đồng VN), tiền USD và tiền VN. Một trong những người gắn bó trên 30 năm nay ở chợ Orussey là bà Nguyễn Thị Thơ (64 tuổi) bán các loại đồ khô. Sạp đồ của bà nằm ngay lối đi chính nên bán khá đắt hàng. Bà cho biết các loại khô cá bà thường lấy mối ở Biển Hồ vì nơi đây nổi tiếng về cung cấp khô cá. Nói về “cơ nghiệp” của mình, bà bộc bạch: “Hiện giờ tui có ba sạp, mỗi sạp tính ra tiền đôla là khoảng 90.000, cỡ 2 tỉ đồng tiền Việt. Vậy nên hiếm có ai bây giờ vô đây mua sạp lắm. Còn giá thuê sạp bây giờ khoảng 5 triệu đồng/tháng”. |
Tay trắng làm nên
Chuyện buôn bán ở các ngôi chợ chưa bao giờ là dễ dàng, huống gì buôn bán ở chợ xứ người. Cuối ngày, khi người vào chợ đã vãn, vừa dọn bớt mấy cuốn lịch, bà Dung vừa kể những năm tháng nhọc nhằn của mình. “Mẹ đưa ba chị em tôi qua đây rồi về lại VN.
Những ngày đầu, mấy chị em lấy mối bơ từ Sài Gòn về bán ở chợ này, bán cực lắm vì chưa quen việc bán buôn, tiếng Khmer cũng chỉ bập bõm nên bán không lại người ta” - bà Dung nói. Lúc đó, chợ chưa có sạp cao ráo, bà phải trải bao ngồi dưới đất bán. Ngày nào bán ế, trái cây đành đổ bỏ, cơm ăn với mắm.
Những ngày gần tết, chị em bà Dung còn lấy thêm bánh kẹo, các loại mứt để bán kiếm thêm. “Nhiều khi tủi thân lắm, chợ đông, mình thì ngồi dưới đất, người qua kẻ lại giẫm lên bánh kẹo nát bét nhưng không dám bắt đền. Cầm đồng tiền mà rơm rớm. Kể sao cho hết được cực khổ những ngày đó” - bà thở dài. Rồi bà chuyển qua bán dụng cụ may vá, mắm muối.
Đụng gì bán đó, có bao nhiêu tiền lời bà gom góp để quyết tâm mua được sạp ngồi bán đàng hoàng. Trời không phụ lòng người, ba chị em mua được cái sạp đầu tiên cách đây hơn chục năm. Rồi mua được căn nhà nho nhỏ, thêm hai cái sạp nữa. Tuy vậy, ngoài
thời gian ngủ buổi tối, còn lại ba chị em bà chẳng khi nào ngơi tay. Chỉ có ngày tết nghỉ được bốn ngày để về VN thăm mẹ đã 83 tuổi.
Còn bà Lai kể bà sinh đẻ ở Biển Hồ, rồi theo chồng về khu chợ này buôn bán. Trước đây bà bán cá nhưng nguồn cá hiện nay thất thường hơn trước nên chuyển qua bán quần áo. Chỗ bày bán của bà chỉ rộng bề ngang chừng nửa mét, đủ sắp và treo vài bộ đồ nhưng một tháng bà thuê gần 4 triệu đồng.
“Thấy vậy chứ vốn bỏ ra lấy quần áo cũng 20 triệu đồng đó, được cái mấy hàng này bán đỡ cực hơn, giá cả thì trúng người mua sộp sộp thì lời nhiều, còn không thì chấp nhận lời ít một chút” - bà nói.
Do giá bán sạp ở chợ này cao không thua gì các chợ trong trung tâm, nhiều tiểu thương gốc Việt ở chợ Bàu Nau thường thuê sạp bán và ngồi phía ngoài lồng chợ để thu hút người đi chợ ghé mua. Chỉ có một số ít như ông Lâm “cố cựu” là mua sạp mà thôi.
Theo thông tin từ Tổng hội người Campuchia gốc Việt, số lượng tiểu thương gốc Việt buôn bán ở các chợ tại Phnom Penh hiện nay chiếm khoảng 10%. Ngoài bán trong các chợ, nhiều người còn mở quán bán cơm, thức ăn, cà phê, các tiệm tạp hóa.
Điều thú vị là đi giữa Phnom Penh, có thể dễ dàng bắt gặp những quán cơm, quán cà phê của người gốc Việt ở những ngã tư gần các khu chợ. Với giá cơm tính ra tiền VN chừng 40.000 đồng/đĩa (tiền riel là 8.000), bán cả món VN và món Khmer, cà phê từ 10.000 đồng/ly, tiền thuê mặt bằng từ 10 triệu đồng/tháng, việc buôn bán khá thuận lợi với người gốc Việt.
Theo tuoitre