Phóng sự - Ký sự

Tròng trành chợ nổi - Bài 3: Bảo tồn ngay từ bây giờ

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Ngày xưa, ở chợ nổi, ghe tàu tấp nập đợi con nước lớn nước ròng mới đi. Bây giờ, chợ họp nhanh mà tan cũng nhanh. Lối sống công nghiệp, du lịch phát triển đã tác động tích cực đến đời sống người dân nói chung. Nhưng, ở khía cạnh khác, nó đã tác động lên tương lai chợ nổi và những con người mưu sinh trên sông nước. Nét đẹp văn hóa cũng dần bị bào mòn, chỉ còn lại những phận đời lam lũ mưu sinh…
Lo lắng với “chợ nổi du lịch”   
Chợ nổi Ngã Bảy vãn bớt, chợ Ngã Năm thành điểm giao thương có tiếng khắp vùng Cần Thơ, Hậu Giang, Sóc Trăng, Vĩnh Long… Xung quanh chợ không thiếu các ghe dịch vụ từ ăn sáng, cà phê, vé số, thịt cá, rau dưa… phục vụ đời sống các ghe thương hồ.
Những chuyến đò đưa khách qua lại chợ nổi Ngã Năm, chủ yếu là khách đi chợ mỗi ngày, thỉnh thoảng vài ghe có khách du lịch. Tô bún riêu, bún cá có giá 15.000 đồng, ly nước ngọt 10.000 đồng, và chỉ 5.000 đồng mỗi lượt khách qua đò từ bờ bên này sang bên kia. Ghe chở khách du lịch, chèo theo ý khách cũng chỉ mất khoảng 100.000 đồng trở lại cho nhóm 2 - 3 khách, một mức giá chấp nhận được và theo nhận xét nhiều người là khá rẻ.
Cũng là chợ nổi, nhưng chợ nổi dành cho khách du lịch cũng nhiều nét khác so với chợ nổi buôn bán, sinh hoạt của ghe thương hồ. Tại bến đò đưa khách tham quan chợ nổi Cái Răng (Cần Thơ) thu hút đông đảo khách du lịch trong nước lẫn khách nước ngoài, chúng tôi khá ngạc nhiên, với nhiều ý kiến dửng dưng của người dân địa phương: “Chợ nổi có gì đâu, bán còn mắc hơn trên bờ”.
 
Du khách bên ghe bán đồ ăn ở chợ nổi Cái Răng (Cần Thơ)
Du khách bên ghe bán đồ ăn ở chợ nổi Cái Răng (Cần Thơ)
Đi một vòng chợ nổi Cái Răng, chúng tôi mới vỡ lẽ lời nhiều người địa phương chê mắc khi nhắc đến chợ nổi. Thuyền chở khách 2 - 3 người mất khoảng 300.000 đồng (dịp lễ mức giá này có lúc lên đến 400.000 đồng); một trái khóm gọt sẵn 20.000 đồng; tô bún riêu, bánh lọt, hủ tiếu 40.000 đồng. Cả đi và về khoảng 1 giờ tham quan chợ nổi Cái Răng, chúng tôi không khỏi hụt hẫng, đâu mất rồi nét hào sảng của những ghe thương hồ, đâu mất rồi nét giao thương buôn bán miệt vườn sông nước, hết một vòng chợ, nhiều nhất là hình ảnh những ghe buôn bán neo sẵn chờ xuồng chở khách du lịch cập lại.
Không chỉ khách tham quan, mà chính những công ty du lịch cũng phải đau đầu khi không ít khách hàng phản hồi hụt hẫng khi đến chợ nổi. “Những tour về miền Tây luôn được thiết kế khoảng thời gian để tham quan chợ nổi Cái Răng. Tuy nhiên, nhiều khách phản hồi không như tưởng tượng của họ, lượng ghe, xuồng ít, thời gian tham quan khá hạn hẹp và đặc biệt là họ chưa cảm nhận được đời sống, buôn bán thương hồ”, chị Lê Đình Minh Thy, Giám đốc chi nhánh Cần Thơ của Công ty Du lịch Vietravel, cho biết.
Anh Phan Đình Thắng, Phó Giám đốc Công ty Du lịch lữ hành SPSC, cho hay, khách du lịch đi tour miền Tây của công ty tham quan chợ nổi Cái Răng là hơn 90%. “Với khách đi lần đầu, họ khá hứng thú với văn hóa chợ nổi vì cách mua bán độc đáo. Giờ thì chợ nổi đã hiện đại hơn và mất dần nét xưa cũ rồi, khách cũng chọn đi một lần rồi thôi. Để khách nhìn ra giá trị của văn hóa chợ nổi, rất cần bản lĩnh của hướng dẫn viên, làm cho giá trị đó sống lên trước mắt du khách, trong tâm hồn du khách. Đáng tiếc, giờ đa số hướng dẫn viên thiếu nhiệt huyết, thuyết minh không toát lên được cái hồn của văn hóa sông nước”, anh Thắng nói.
Đừng để chợ nổi mất đi…
Trong khi hiện nay, mỗi ngày, vào mùa cao điểm, chợ nổi Cái Răng có khoảng 200 - 300 ghe thương hồ buôn bán, hàng ngàn lượt khách du lịch thì chợ nổi Phong Điền (cũng của Cần Thơ) lại chỉ lèo tèo khách. Nét văn hóa chợ nổi Phong Điền đã dần mai một từ vài năm trở lại đây.
Ông Lê Hoàng Dũng, Phó Chủ tịch UBND huyện Phong Điền, cho biết, địa phương đã có kế hoạch xây dựng đề án khôi phục chợ nổi Phong Điền. “Hàng năm, địa phương đều cho vay theo nhu cầu vay vốn của bà con nông dân để phát triển du lịch, đặc biệt ưu tiên cho những người buôn bán trên sông rạch, đảm bảo làm sao cho họ đủ sống để cùng khôi phục chợ nổi trong tương lai. Vì có thương hồ mới có chợ nổi, chợ nổi muốn khôi phục phát triển cần phải có thương hồ. Tuy nhiên, thật sự mà nói, chỉ có thể bảo tồn, phát triển ở mức như bây giờ, chứ không thể nào phát triển như hồi xưa được”, ông Dũng trăn trở.        
Câu chuyện chợ nổi bán mắc hơn trên bờ cũng là điều khiến nhiều địa phương đau đầu tìm giải pháp. Ông Vương Công Khanh, Phó Chủ tịch UBND quận Cái Răng, chia sẻ: “Chuyện chợ nổi bán mắc hơn trên bờ cũng nhiều lý do, vì phần lớn bán cho khách du lịch, nhiều ghe cạnh tranh không lành mạnh. Rồi chuyện huê hồng cho những ghe chở khách, hướng dẫn viên, buộc người bán phải nâng giá lên thì mới có lời. Chính quyền địa phương cũng ra sức tuyên truyền, đưa ra giải pháp niêm yết giá, nhưng để khắc phục chuyện này, cần phải có thời gian”.
Hiện tại, UBND TP Cần Thơ đang chỉ đạo khôi phục lại chợ nổi Phong Điền bên cạnh chợ nổi Cái Răng. Phát biểu tại một hội thảo về đẩy mạnh phát triển du lịch tổ chức ở Cần Thơ, nhà nghiên cứu văn hóa Nam bộ Nhâm Hùng cho biết, không riêng gì chợ nổi Phong Điền, hiện nay nhiều địa phương khác cũng có chủ trương khôi phục lại các chợ nổi, như chợ nổi Ngã Bảy Phụng Hiệp.
“Khôi phục lại chợ nổi cần lưu ý đây là văn hóa chợ nổi, là đời sống thương hồ hào sảng, chứ xây nhà kho, nhà lồng, cầu tàu hàng tỷ đồng không phải là hồn cốt của chợ nổi. Các nhà chức trách cứ bảo tồn văn hóa chợ nổi bằng những công trình trên bờ, nhưng vấn đề là ở dưới nước, là con người mua bán trên sông nước. Bây giờ, mỗi năm lượng tàu ghe giảm dần. Có lúc, tàu du lịch nhiều gần bằng tàu mua bán của thương hồ. Du khách đến đầy ắp, trong khi người mua bán không bao nhiêu. Vấn đề của chợ nổi là làm sao có đông ghe thương hồ mua bán, người dân họ sống được với nghề. Muốn cho chợ nổi tồn tại thì đời sống của những ngư dân thương hồ phải được đảm bảo. Có thương hồ, có hàng hóa, mới có du lịch. Còn ở đây mình cứ đặt lợi ích du lịch trước, đó là quy trình ngược. Chính quyền địa phương cũng cho vay để người dân mua bán trên chợ nổi, nhưng mật độ vẫn không được như xưa. Quan trọng nữa là hàng hóa mua bán trên chợ nổi; ngày xưa, chợ nổi đúng là chợ trái cây, bây giờ khác, thực tế chỉ còn bán trái cây lẻ tẻ”, ông Hùng phân tích.
Theo ông Nhâm Hùng, nếp sống tự giác, tự quản, mua bán trôi chảy, không có xung đột của chợ nổi rất cần được giữ gìn. Ông tỏ ra lo lắng: “Chỉ sợ, rồi đây kinh tế thị trường làm phai phôi ít nhiều nét văn hóa này. Tôi cảm nhận, tình người trên chợ nổi dường như nhạt hơn ngày xưa. Hồi trước, nửa đêm thấy ghe kế bên có người bệnh là chạy qua lo phụ, ghe này bị mắc cạn cũng có người ghe kia nhảy xuống sông nhổ neo giùm... Mối quan hệ gắn kết của cộng đồng thương hồ ở một số nơi bây giờ là mạnh ai nấy sống, có sự cạnh tranh. Tôi nghĩ, do đời sống công nghiệp, người ta sống vội, bán nhanh, đi nhanh... và thậm chí đã không còn chờ con nước nữa”.
Một nhà văn đang sinh sống ở Cần Thơ chia sẻ: “Khai thác du lịch ở chợ nổi cần chú trọng văn hóa chợ nổi, là đời sống thương hồ, mang tính văn hóa bản địa riêng có. Ở đây, chúng ta chưa khai thác hết văn hóa bản địa, bởi ngã ba sông Ninh Kiều nó khác ngã ba sông Cái Bè, lịch sử văn hóa bến Ninh Kiều khác với Tiền Giang... Về chợ nổi Cái Răng, gần như 2/3 số lượng khách đã đến Ninh Kiều thì sẽ ra chợ nổi. Những cái mà bây giờ du khách tham quan chợ nổi là loại hình du lịch tham quan đại chúng, chưa chuyên sâu về văn hóa thương hồ. Trong khi, đó mới là giá trị cốt lõi của chợ nổi Cái Răng”.
Để làm nên đời sống văn hóa, hồn cốt của chợ nổi chính là những ghe thương hồ hào sảng, là những cây bẹo độc đáo thay cho tiếng rao hàng và để những ghe thương hồ giao thương xuôi ngược chính là chợ nổi. Sông nước miền Tây nếu mất đi những ghe thương hồ, những chợ nổi họp tan trên sông thì cũng như mất đi một nét văn hóa đặc trưng, độc đáo mà những vùng, miền khác không có được. Và câu chuyện giữ gìn văn hóa chợ nổi hôm nay còn đi cùng việc bảo vệ môi trường, bởi ngã năm, ngã bảy sông nơi họp chợ gần như gánh chịu toàn bộ số rác thải từ hữu cơ đến vô cơ của những ghe thương hồ và du khách.
Đề án Bảo tồn và phát triển chợ nổi Cái Răng được Cần Thơ phê duyệt vào năm 2016 với kinh phí hơn 63 tỷ đồng, mục tiêu tiếp tục bảo tồn và phát triển chợ nổi Cái Răng theo hướng trở thành chợ đầu mối, trung chuyển hàng nông sản của vùng ĐBSCL; phục vụ phát triển du lịch sinh thái, bảo đảm vệ sinh môi trường và các vấn đề an sinh xã hội. Sau hơn 2 năm triển khai, đã có 9/13 hạng mục công trình được thực hiện, trong đó tiêu biểu là phân luồng giao thông; duy trì các hoạt động mua bán trên sông qua việc triển khai hỗ trợ vốn vay; xây dựng các mô hình tổ hợp tác, hợp tác xã sản xuất nông sản, trái cây sạch cung nguồn cho chợ nổi; tổ chức thu gom rác bảo vệ môi trường; quầy hàng nổi; nhà vệ sinh công cộng… Giai đoạn 2 đang được triển khai với 4 hạng mục còn lại: trạm dừng chân, cầu tàu chợ nổi, du thuyền, nhà hàng nổi ven sông. 
KIM LOAN - TIỂU TÂN (SGGPO)

Có thể bạn quan tâm