Chính trị

Quốc phòng - An ninh

Gia Lai

Trồng vú sữa Hoàng Kim cho thu nhập cao

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Đầu năm 2020, anh Nguyễn Văn Hưởng (thôn 4, xã Sơ Pai, huyện Kbang, tỉnh Gia Lai) chuyển đổi 5 sào cà phê sang trồng 100 cây vú sữa Hoàng Kim. Mỗi năm, vườn cây mang về cho gia đình anh nguồn thu nhập gần 160 triệu đồng sau khi trừ chi phí.

Khi vườn cà phê bước vào giai đoạn già cỗi, năng suất thấp, gia đình anh Hưởng không có ý định tái canh mà chuyển đổi sang trồng cây ăn quả. Qua thông tin từ báo chí, anh nhận thấy cây vú sữa Hoàng Kim (vú sữa vàng) mang lại hiệu quả kinh tế cao. Vì vậy, anh đã bỏ thời gian, công sức đi học hỏi kinh nghiệm trồng vú sữa Hoàng Kim tại một số nhà vườn ở tỉnh Đak Lak rồi mua cây giống về trồng.

Hiện 100 cây vú sữa Hoàng Kim mang lại thu nhập cho gia đình anh Nguyễn Văn Hưởng gần 160 triệu đồng/năm sau khi trừ chi phí. Ảnh: Ngọc Minh



Theo anh Hưởng, trước khi xuống giống phải xử lý đất để loại bỏ nấm, sâu bệnh, sau đó bón lót phân chuồng, bổ sung chất dinh dưỡng để cây sinh trưởng phát triển tốt. Anh trồng với khoảng cách 7 m/cây. Giữa các cây vú sữa, anh trồng xen cây ổi, cam, chanh không hạt vừa tạo bóng mát, vừa tăng hiệu quả sử dụng đất. Anh Hưởng cho biết: “Vú sữa Hoàng Kim dễ trồng, không đòi hỏi kỹ thuật cao. Đây là cây ưa nước, cần độ ẩm cao. Từ khi trồng đến lúc ra quả khoảng 16-18 tháng”.

Trung bình mỗi năm, vú sữa cho thu hoạch 3 đợt, mỗi đợt kéo dài gần 1 tháng. Quả vú sữa Hoàng Kim lúc còn non có màu xanh, đến khi chín ngả màu vàng tươi rất đẹp, trọng lượng trung bình 3-4 quả/kg. Quả vú sữa Hoàng Kim chỉ có 1-2 hạt nhỏ. Anh Hưởng chia sẻ: “Vú sữa Hoàng Kim chín vàng, cắt ra ăn không có mủ trắng như những giống vú sữa khác nên được khách hàng đánh giá cao, thị trường ưa chuộng”.

Bình quân 100 cây vú sữa Hoàng Kim của anh Hưởng cho sản lượng hơn 3 tấn quả/năm. Gia đình thu hái đến đâu thương lái mua hết tới đó với giá 60 ngàn đồng/kg. Những quả vú sữa bị dập nát, hư hỏng trong quá trình thu hoạch thì anh Hưởng lấy hạt, bán với giá 3 ngàn đồng/hạt. Vườn cây vú sữa Hoàng Kim đã mang lại thu nhập cho gia đình gần 160 triệu đồng/năm sau khi trừ chi phí. “Cây vú sữa Hoàng Kim càng lớn thì cho năng suất càng cao. Vì thế, thời gian tới, tôi tập trung chăm sóc, phòng ngừa sâu bệnh để vườn cây sinh trưởng, phát triển tốt hơn. Tôi cũng sẽ ươm cây giống bán ra thị trường và sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm cho những ai có nhu cầu trồng vú sữa Hoàng Kim”-anh Hưởng cho hay.

Thương lái vào tận vườn của gia đình anh Nguyễn Văn Hưởng (thôn 4, xã Sơ Pai, huyện Kbang) mua vú sữa Hoàng Kim với giá 60 ngàn đồng/kg. Ảnh: Ngọc Minh


Thấy mô hình kinh tế của gia đình anh Hưởng đạt hiệu quả cao, nhiều hộ dân trong xã đã đến tìm hiểu, học hỏi kinh nghiệm. Hiện 2 hộ đã đầu tư trồng hơn 200 cây vú sữa Hoàng Kim trên diện tích gần 1 ha. Anh Phạm Văn Hậu (thôn 2) chia sẻ: “Đầu tháng 10-2022, gia đình tôi trồng 120 cây vú sữa Hoàng Kim, trong đó có 80 cây thực sinh, ươm từ hạt và 40 cây ghép. Qua theo dõi, tôi thấy cây ươm từ hạt sinh trưởng, phát triển tốt hơn so với cây ghép”.

Trao đổi với P.V, ông Võ Thanh-Chủ tịch UBND xã Sơ Pai-cho biết: “Thực hiện chủ trương tái cơ cấu ngành nông nghiệp, những năm qua, xã đẩy mạnh tuyên truyền người dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng phù hợp với điều kiện gia đình và địa phương. Đến nay, nhiều hộ mạnh dạn đưa các giống cây mới về trồng. Trong đó, gia đình anh Hưởng tiên phong trồng thử nghiệm cây vú sữa Hoàng Kim. Loại vú sữa này thích hợp với điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng ở địa phương nên sinh trưởng, phát triển tốt, cho năng suất cao, bán được giá. Xã cũng vận động gia đình anh Hưởng chia sẻ kinh nghiệm với người dân để nhân rộng mô hình, đồng thời theo dõi, tuyên truyền để các hộ trồng cây vú sữa Hoàng Kim tập trung chăm sóc vườn cây theo hướng hữu cơ nhằm nâng cao năng suất, chất lượng, giúp tăng thu nhập”.

 

 NGỌC MINH

Có thể bạn quan tâm