Thời sự - Bình luận

Trụ đỡ an sinh vững bền

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News
Thị trường lao động ở nước ta đã xuất hiện nhóm người lao động mới (người vừa là NLĐ vừa là chủ sử dụng lao động..., vì vậy cần nghiên cứu bổ sung các đối tượng này tham gia BHXH.

Trong tờ trình ngày 10-10-2023 của Chính phủ về dự án Luật BHXH sửa đổi, Chính phủ đề xuất mở rộng đối tượng tham gia BHXH bắt buộc đối với chủ hộ kinh doanh (có đăng ký kinh doanh); người hoạt động không chuyên trách ở thôn, tổ dân phố; người quản lý doanh nghiệp (DN), kiểm soát viên, người đại diện phần vốn nhà nước, người đại diện phần vốn của DN tại công ty và công ty mẹ, người quản lý điều hành hợp tác xã không hưởng tiền lương; người lao động (NLĐ) làm việc không trọn thời gian và trường hợp không giao kết hợp đồng lao động hoặc thỏa thuận bằng tên gọi khác nhưng có nội dung thể hiện về việc làm có trả công, tiền lương và sự quản lý, điều hành, giám sát của một bên, phù hợp với Bộ Luật Lao động năm 2019.

Góp ý vào dự thảo luật, nhiều ý kiến cho rằng thị trường lao động ở nước ta đã xuất hiện nhóm NLĐ mới (người vừa là NLĐ vừa là chủ sử dụng lao động, lao động công nghệ, lao động tự do hoạt động trên môi trường mạng internet...), vì vậy có thể nghiên cứu bổ sung các đối tượng này tham gia BHXH.

Trong góp ý dự thảo của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội gửi tới kỳ họp thứ 7 của Quốc hội, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội chỉ rõ hơn, đó là lao động làm việc không trọn thời gian có mức lương tháng bằng hoặc cao hơn 2 triệu đồng, dự kiến sẽ đóng BHXH 8% và chủ sử dụng đóng 14% vào quỹ hưu trí, tử tuất trên nền tiền lương làm căn cứ đóng BHXH. Tiền lương đóng BHXH với chủ hộ kinh doanh, quản lý DN, người điều hành hợp tác xã sẽ do người đó tự chọn, dao động từ 2 triệu đến 36 triệu đồng và sau 1 năm đóng được chọn lại.

Hiện nay, quy định "ký hợp đồng" khiến nhiều NLĐ chưa được đóng BHXH bởi chủ DN thuê mướn, ký kết theo dạng giao kèo hoặc tự thỏa thuận. Theo thống kê, cả nước có 404.000 DN, đơn vị chưa tham gia hoặc đóng chưa đầy đủ BHXH cho 3 triệu người. Số này chủ yếu ngoài quốc doanh, quy mô nhỏ và siêu nhỏ.

Bên cạnh đó, cả nước có hơn 5,1 triệu hộ kinh doanh cá thể, gấp 6 lần số DN với 1,7 triệu hộ có doanh thu trên 100 triệu đồng/năm đang đóng thuế. Nhóm này chưa đóng BHXH bắt buộc và cũng rất ít người tham gia BHXH tự nguyện. Cả nước có 29.000 hợp tác xã với 6 triệu thành viên nhưng mới có 7.000 hợp tác xã đóng BHXH cho 40.000 lao động.

Nếu các nhóm này tham gia BHXH bắt buộc sẽ tăng độ bao phủ và giảm áp lực cho ngân sách nhà nước chi trợ cấp xã hội cho người già không có lương hưu sau này. Nguồn thu vào quỹ BHXH từ đó tăng, song tiền chi cho các chế độ ngắn hạn (thai sản, ốm đau), trung hạn (bảo hiểm thất nghiệp) và dài hạn (hưu trí) cũng sẽ tăng lên.

Góp ý xây dựng luật, Ủy ban Xã hội của Quốc hội đề nghị Ban Soạn thảo dự thảo Luật BHXH sửa đổi nghiên cứu thiết kế các gói BHXH tự nguyện ngắn hạn linh hoạt, để NLĐ có nhiều sự lựa chọn tham gia và thụ hưởng, cũng như khuyến khích lao động phi chính thức và lao động di cư tham gia BHXH.

Tất cả đều nhằm hướng đến thiết kế chính sách pháp luật về BHXH một cách vững chắc, bảo đảm các quyền lợi cho người thụ hưởng, không để sót, lọt quyền lợi chính đáng của lao động xã hội và đúng nghĩa là tấm lưới, trụ đỡ an sinh xã hội vững bền.

Có thể bạn quan tâm