Văn hóa

Cổ học tinh hoa

Trưng bày hơn 300 cổ vật, hình ảnh "Di sản từ những con tàu cổ"

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Từ ngày 26-1 đến 26-3, Bảo tàng Tổng hợp Quảng Ngãi mở cửa đón khách tham quan và trưng bày chuyên đề “Di sản từ những con tàu cổ” với hơn 300 cổ vật, tài liệu và hình ảnh liên quan đến những con tàu cổ đắm tại vùng biển miền Trung Việt Nam.

Các cổ vật, tài liệu và hình ảnh liên quan đến những con tàu cổ đắm tại vùng biển miền Trung Việt Nam hiện đang được lưu giữ tại Bảo tàng Tổng hợp Quảng Ngãi và các nhà sưu tập trong tỉnh, nhằm giới thiệu đến khách tham quan một phần trong kho tàng di sản tàu cổ đắm. Đó là tàu cổ Cù Lao Chàm (Quảng Nam), tàu cổ Bình Châu 1, Bình Châu 2 (Quảng Ngãi), tàu cổ Bình Định (Bình Định) và tàu cổ Bình Thuận (Bình Thuận).

 

Bình vôi và ấm từ men thuộc thế kỷ 15, tàu cổ Cù Lao Chàm. Ảnh: Nguyễn Trang


Tàu cổ Cù Lao Chàm được phát hiện gần đảo Cù Lao Chàm (TP Hội An, Quảng Nam), tàu nằm độ sâu 70-72m dưới mặt biển, phần thuyền còn lại có thân dài 29,4m, rộng 7,2m gồm 19 khoang.
 

Đĩa men tam thái, tàu cổ Cù Lao Chàm, thế kỷ 15. Ảnh: Nguyễn Trang


Thời gian khai quật tàu cổ Cù Lao Chàm được tiến hành trong 2 đợt, kết quả thu được hơn 255.000 hiện vật như tiền đồng Trung Quốc, gốm sứ Việt thuộc lò gốm Chu Đậu (Hải Dương)… Dựa vào kiểu dáng, kỹ thuật nung, hoa văn trang trí có thể thấy được đặc trưng của đồ gốm Việt Nam thế kỷ 15.
 

Cục dính đồ gốm và san hô, thế kỷ 11-12. Ảnh: Nguyễn Trang
Kết tiền. Ảnh: Nguyễn Trang
Tượng phật bằng đá, thế kỷ 15, tàu cổ Bình Châu 1. Ảnh: Nguyễn Trang


Tàu cổ Bình Châu 2 được phát hiện và khai quật vùng biển Vũng Tàu (thôn Châu Thuận Biển, xã Bình Châu, huyện Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi), tàu nằm ở độ sâu 3,2m. Kết quả khai quật đã thu được hơn 4.359 hiện vật, đa số là gốm, sứ như hũ, lọ, đĩa,… được sản xuất từ các lò gốm Long Tuyền, Từ Châu, Quảng Đông, Quảng Tây (Trung Quốc). Niên đại của tàu được xác định vào thời Nguyên, thế kỷ 13-14.

 

Một số hiện vật từ vùng biển Bình Châu, trong đó có đĩa men ngọc, thế kỷ 13. Ảnh: Nguyễn Trang
Đĩa men ngọc, thế kỷ 13-14, từ tàu cổ vùng biển Bình Định. Ảnh: Nguyễn Trang



Tàu cổ Bình Định được ngư dân địa phương phát hiện vào năm 2007, tàu nằm cạnh Hòn Rùa, ngoài khơi cửa biển Hà Ra (huyện Phù Mỹ, tỉnh Bình Định). Hiện vật được thu giữ trên tàu đắm Bình Định là gốm sứ với nhiều loại hình gồm đĩa, bát, hũ… thuộc dòng men ngọc và men trắng xanh. Niên đại được xác định vào khoảng thế kỷ 13-14.
 

Hiện vật từ tàu cổ Bình Thuận. Ảnh: Nguyễn Trang


Tàu cổ Bình Thuận được ngư dân địa phương phát hiện tại vùng biển huyện Tuy Phong, tỉnh Bình Thuận, cách đảo Phú Quý khoảng 20 hải lý. Tàu nằm ở độ sâu 40m. Hiện vật thu được từ tàu cổ Bình Thuận thuộc dòng gốm Chương Châu, Phúc Kiến, với nhiều loại hình khác nhau như đĩa men trắng, hộp nhiều màu, lọ men đen, hũ men xám… Niên đại được xác định vào thời Minh, nữa đầu thế kỷ 15.

Bảo tàng Tổng hợp Quảng Ngãi đang lưu giữ 5.004 hiện vật cổ, vật gốm sứ men nâu và men trắng xanh thời Minh, thế kỷ 15 thuộc tàu cổ Bình Thuận...


 

Rất nhiều cổ vật được trưng bày đón khách tham quan Bảo tàng Tổng hợp Quảng Ngãi trong dịp Tết Nguyên đán Nhâm Dần năm 2022. Ảnh: Nguyễn Trang
Các cổ vật có giá trị từ những con tàu cổ đắm. Ảnh: Nguyễn Trang
Trưng bày cũng góp phần chứng minh tầm quan trọng và vị trí chiến lược của vùng biển miền Trung Việt Nam trong mối giao thương quốc tế hiện nay. Ảnh: Nguyễn Trang


Theo NGUYỄN TRANG  (SGGPO)

Có thể bạn quan tâm