(GLO)- Ngày 19-8, đoàn công tác do đồng chí Phạm Minh Chính-Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Tổ chức Trung ương làm trưởng đoàn đã có buổi làm việc với Ban Thường vụ Tỉnh ủy Gia Lai về công tác xây dựng hệ thống chính trị gắn với việc thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội, quốc phòng-an ninh, đối ngoại, nhất là việc thực hiện Chỉ thị số 35-CT/TW về đại hội Đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng và Chỉ thị số 45-CT/TW của Bộ Chính trị về lãnh đạo cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và bầu cử đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026.
Tham gia đoàn công tác có các đồng chí: Hà Ban-Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Phó Trưởng ban Tổ chức Trung ương; Hoàng Đăng Quang-Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Phó Trưởng ban Tổ chức Trung ương.
Làm việc với đoàn công tác, về phía tỉnh Gia Lai có các đồng chí: Hồ Văn Niên-Ủy viên dự khuyết Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh; Châu Ngọc Tuấn-Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy; Võ Ngọc Thành-Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh cùng các đồng chí Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, lãnh đạo một số sở, ban, ngành của tỉnh.
Nhiều thành tựu nổi bật
Báo cáo với đoàn công tác, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Châu Ngọc Tuấn cho biết: Trong bối cảnh đại dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, vừa tăng cường phòng-chống dịch, vừa phát triển kinh tế-xã hội, đồng thời tổ chức đại hội Đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã ban hành các văn bản chỉ đạo sát sao, kịp thời, phù hợp với đặc điểm, tình hình của tỉnh; bảo đảm đại hội Đảng bộ các cấp, nhất là cấp cơ sở tiến hành an toàn, cơ bản theo tiến độ, kế hoạch. Đến nay, toàn tỉnh có 3.322/3.322 chi bộ trực thuộc Đảng ủy cơ sở, 954/954 tổ chức cơ sở Đảng và 17/21 (đạt 80,95%) Đảng bộ cấp huyện hoàn thành đại hội.
Công tác chuẩn bị nhân sự, điều hành đại hội được tiến hành nghiêm túc, chặt chẽ, đúng quy trình, quy định; cơ cấu cấp ủy nhiệm kỳ 2020-2025 bảo đảm tiêu chuẩn, điều kiện, trong đó, tỷ lệ cán bộ dưới 40 tuổi đạt 16,52%, cán bộ nữ đạt 26,44%, cán bộ người dân tộc thiểu số đạt 37,19%. Tỉnh đã hoàn thành các dự thảo văn kiện Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XVI đúng tiến độ để chuẩn bị báo cáo Bộ Chính trị theo kế hoạch.
Đồng chí Phạm Minh Chính-Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Tổ chức Trung ương làm việc với Ban Thường vụ Tỉnh ủy Gia Lai về công tác Đại hội Đảng. Ảnh: Đức Thụy |
Bên cạnh đó, nhiệm kỳ 2015-2020, việc triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội XII của Đảng, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XV và các nghị quyết, chủ trương của Trung ương và tỉnh đã đạt được những kết quả khá toàn diện. Tốc độ tăng trưởng kinh tế (GRDP) bình quân hàng năm đạt 7,83%, vượt Nghị quyết Đại hội XV đề ra; GRDP đến năm 2020 đạt 80.989 tỷ đồng, gấp 1,65 lần so với năm 2015. Thu nhập bình quân đầu người năm 2020 đạt 52,54 triệu đồng, tăng 1,5 lần so với đầu nhiệm kỳ.
Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới đạt được những kết quả tích cực; đến cuối năm 2020, toàn tỉnh có 81 xã đạt chuẩn nông thôn mới, vượt 11 xã so với chỉ tiêu Nghị quyết đề ra. Sự nghiệp giáo dục, y tế, văn hóa tiếp tục được quan tâm. Công tác giảm nghèo đạt kết quả khả quan. Tỷ lệ hộ nghèo từ 19,71% năm 2015 giảm còn dưới 4,5% vào cuối năm 2020, trong đó, tỷ lệ hộ nghèo vùng đồng bào dân tộc thiểu số từ 40,1% giảm còn dưới 6,25%. Đời sống người dân từng bước được cải thiện; an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được giữ vững.
Tiếp tục củng cố, giữ gìn sự đoàn kết, thống nhất trong toàn Đảng bộ
Đồng chí Phạm Minh Chính-Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Tổ chức Trung ương phát biểu tại buổi làm việc. Ảnh: Đức Thụy |
Phát biểu chỉ đạo tại buổi làm việc, Trưởng ban Tổ chức Trung ương Phạm Minh Chính biểu dương và đánh giá cao những kết quả mà Gia Lai đã đạt được trong nhiệm kỳ 2015-2020. Qua đó, góp phần vào thành tựu chung của cả nước cũng như thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội XII của Đảng. Trưởng ban Tổ chức Trung ương khẳng định, để đạt được những kết quả tích cực trên là nhờ sự lãnh đạo, chỉ đạo sâu sát của Ban Thường vụ Tỉnh ủy, sự phấn đấu của cả hệ thống chính trị và đóng góp của các tầng lớp nhân dân.
Trưởng ban Tổ chức Trung ương đề nghị: Trong thời gian tới, Đảng bộ tỉnh tiếp tục duy trì sự đoàn kết, thống nhất, chung sức đồng lòng lãnh đạo, chỉ đạo hoàn thành tốt một số nhiệm vụ trọng tâm. Tăng cường củng cố, giữ gìn sự đoàn kết, thống nhất hơn nữa trong toàn Đảng bộ, tạo sức lan tỏa trong xã hội, trong nhân dân, bảo đảm “trong ấm, ngoài êm”, tất cả vì lợi ích chung, lợi ích của Đảng, của nhân dân; kiên quyết chống chủ nghĩa cá nhân, tệ quan liêu, lợi ích cục bộ, xa dân, lợi ích nhóm và tham nhũng, tiêu cực. Chỉ có đoàn kết thống nhất thì Đảng bộ mới sáng suốt đưa ra quyết định đúng và trúng những vấn đề trọng yếu, mới chọn ra được đội ngũ cán bộ lãnh đạo có tâm, có tài phụng sự cho lợi ích của tập thể, cho cách mạng và vì nhân dân.
Đặc biệt, Tỉnh ủy cần tổ chức tổng kết rút kinh nghiệm đại hội cấp trên cơ sở để chuẩn bị thật tốt các điều kiện đảm bảo tổ chức thành công Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XVI (nhiệm kỳ 2020-2025). Trong đó, Báo cáo chính trị cần thể hiện được tầm nhìn chiến lược, tư duy đột phá, bố cục hợp lý, cân đối, đảm bảo logic về nội dung, bám sát chức năng, nhiệm vụ, kết quả thực hiện các chỉ tiêu, nhiệm vụ đề ra để đánh giá khách quan, toàn diện, sát thực tế; làm nổi bật vai trò lãnh đạo của Đảng bộ tỉnh trong việc thực hiện các nhiệm vụ chính trị, gồm: xây dựng Đảng là then chốt, công tác cán bộ là “then chốt của then chốt”; lãnh đạo phát triển kinh tế là trung tâm, văn hóa là nền tảng tinh thần của xã hội; lãnh đạo thực hiện nhiệm vụ quốc phòng-an ninh là thường xuyên, trọng yếu; lãnh đạo hội nhập quốc tế sâu rộng và hiệu quả.
Đồng thời, tập trung đánh giá khách quan, toàn diện, sát thực tế, làm rõ ưu điểm, hạn chế và nguyên nhân, nhất là nguyên nhân chủ quan để đề ra giải pháp khắc phục; chủ động xây dựng phương án tổ chức Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XVI (nhiệm kỳ 2020-2025) trong tình hình đại dịch Covid-19 đang diễn biến phức tạp và khó lường.
Nhiệm kỳ 2020-2025, kinh tế-xã hội tỉnh Gia Lai đạt được nhiều thành tựu nổi bật. Ảnh: Quang Tấn |
Về nội dung Báo cáo kiểm điểm của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh khóa XV (nhiệm kỳ 2015-2020), Trưởng ban Tổ chức Trung ương Phạm Minh Chính yêu cầu phải bám sát quy định về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, trách nhiệm, mối quan hệ công tác và quy chế làm việc để kiểm điểm, tránh trùng lặp nội dung với Báo cáo chính trị; bảo đảm tính chiến đấu, tính phê bình và tự phê bình, tính Đảng, tính đoàn kết, tính xây dựng, với thái độ khiêm tốn, học hỏi, cầu thị, lắng nghe. Chú trọng kiểm điểm việc thực hiện nguyên tắc tập trung dân chủ, quy chế làm việc của cấp ủy, đổi mới phương thức lãnh đạo, phong cách, lề lối làm việc, qua đó xác định rõ trách nhiệm của tập thể, cá nhân để đề ra kế hoạch, lộ trình, biện pháp phù hợp nhằm sửa chữa, khắc phục hạn chế, khuyết điểm một cách hiệu quả nhất.
Ngoài ra, công tác nhân sự cấp ủy phải gắn liền với việc thực hiện công tác nhân sự phục vụ bầu cử đại biểu Quốc hội và HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026, phải thật sự công tâm, trong sáng, dân chủ, khách quan; tránh tình trạng đúng quy trình, quy định nhưng không đúng người, đúng việc, gây bức xúc trong Đảng bộ và nhân dân. Kết hợp hài hòa giữa kế thừa và đổi mới; giữa chuyên môn đào tạo với sở trường, năng khiếu của cán bộ; giữa kinh nghiệm và chiều hướng phát triển; giữa tính phổ biến và tính đặc thù; càng khó khăn, phức tạp thì càng thận trọng, phát huy dân chủ, giữ vững nguyên tắc, phát huy trí tuệ tập thể, quyết định theo đa số. Kiên quyết không để lọt vào cấp ủy khóa mới những người không bảo đảm tiêu chuẩn, điều kiện, không xứng đáng, nhưng cũng không bỏ sót những cán bộ thật sự có đức, có tài, có uy tín.
“Thời gian tới, tỉnh Gia Lai cần phát huy tinh thần tự lực, tự cường, truyền thống lịch sử-văn hóa hào hùng của các dân tộc Tây Nguyên, dự báo chính xác tình hình, xác định rõ nhiệm vụ trọng tâm và các giải pháp đột phá; thực hiện đúng tiến độ việc lập quy hoạch tỉnh Gia Lai thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050. Đồng thời, Gia Lai cần tiếp tục quan tâm chăm lo cho đời sống của nhân dân, đặc biệt là các hộ nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số vùng sâu, vùng xa; có giải pháp cải thiện hơn nữa năng lực điều hành của chính quyền các cấp, cải cách hành chính để thúc đẩy phát triển kinh tế theo chiều sâu, bền vững; chủ động và giữ vững quốc phòng-an ninh, trật tự xã hội… nhất là trong dịp diễn ra đại hội Đảng bộ các cấp. Tiếp tục nhận diện và định vị Gia Lai trong tương quan khu vực và quốc gia để có chiến lược phát triển đúng hướng, khai thác được tiềm năng khác biệt, cơ hội nổi trội, lợi thế cạnh tranh của tỉnh như: phát triển năng lượng tái tạo, thủy điện, du lịch, phát triển cây công nghiệp lâu năm. Duy trì, củng cố, phát triển các mối quan hệ hữu nghị truyền thống, đặc biệt với các tỉnh trong khu vực Tam giác phát triển Campuchia-Lào-Việt Nam”-Trưởng ban Tổ chức Trung ương Phạm Minh Chính nhấn mạnh.
QUANG TẤN