Trưởng thôn hết lòng vì người dân

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- 8 năm qua, người dân thôn Chăm Prông (xã Ia Băng, huyện Đak Đoa) tín nhiệm bầu anh Ksor Jar làm Trưởng thôn. Nhờ có sự góp sức của anh, từ một thôn nghèo nhất xã, Chăm Prông đã có nhiều khởi sắc, người dân đang từng bước vươn lên làm giàu.

Giúp dân thay đổi nếp nghĩ, cách làm

Đến thôn Chăm Prông, chúng tôi được nghe người dân kể về Trưởng thôn của mình bằng niềm tự hào và quý mến. Chị Nay H’Siu-một người dân trong thôn, cho biết: “Trước đây, gia đình mình nghèo lắm. Được Trưởng thôn Ksor Jar khuyên bảo, chồng mình giờ đây chăm chỉ lao động. Nhờ đó, 2 đứa con mình được chăm sóc, gia đình còn sửa lại được căn nhà, không còn lo mưa nắng nữa”.

 

Anh Ksor Jar. Ảnh: Đ.Y
Anh Ksor Jar. Ảnh: Đ.Y

Nói về công việc của mình, anh Jar tâm sự: “Bà con tín nhiệm bầu làm Trưởng thôn thì mình phải nỗ lực giúp dân làm những việc có ích. Đầu tiên, mình tập trung hướng dẫn người dân chăm lo làm ăn, phát triển kinh tế gia đình và xây dựng quê hương ngày càng phát triển”.

Theo đó, việc gì trong thôn anh Jar cũng có mặt. Nhất là các cuộc họp với dân vào ngày đầu tháng, anh thẳng thắn bày tỏ, đóng góp ý kiến để làm thay đổi nếp nghĩ, cách làm của bà con. Khi thấy một số người dân không lo lao động, anh Jar tìm đến làm bạn với họ, rồi chỉ ra những điều không hay, như thường xuyên rượu chè thì con cái sẽ đói, gia đình sẽ nghèo. Thời điểm nông nhàn, anh Jar lại đến các hộ người Kinh tìm việc làm cho bà con. Mùa nào việc ấy, giá nhân công chăm sóc cà phê, hồ tiêu dao động từ 170.000 đồng đến 300.000 đồng/ngày. “Nếu cả 2 vợ chồng chịu khó đi làm thuê, một ngày gia đình họ cũng có thu nhập gần 400.000 đồng. Một tháng, họ đi làm thuê được 15 ngày là có được 6 triệu đồng, đủ chi phí trong gia đình. Còn thu hoạch sản phẩm chính, họ để dành, tích cóp lại, vài năm có món tiền làm được việc lớn như: mua đất, làm nhà và sắm sửa tiện nghi trong gia đình”-anh Jar tính toán.

Thôn Chăm Prông có cánh đồng lúa nước 2 vụ rộng 18 ha. Nhiều năm nay, anh Jar đã cùng với Ban Nhân dân thôn tích cực triển khai cách trồng lúa nước theo mùa vụ cho người dân. Muốn đạt năng suất cao phải trồng lúa theo đúng kỹ thuật, đúng mùa vụ. Mỗi lần họp thôn, anh Jar đều lấy kinh nghiệm thực tế từ gia đình mình để hướng dẫn cho bà con. Với phương châm “mưa dầm thấm lâu”, người dân đã nghe theo và thay đổi tập quán trồng lúa nước. Ông Rơ Lan Ngát cho biết: “Nhờ nghe theo cách trồng lúa nước của Jar mà mấy năm nay, 2 đám ruộng của gia đình mình luôn đạt năng suất cao. Ngày trước, bình quân 2 đám ruộng chỉ thu được 4-5 bao. Vụ thu hoạch vừa qua, gia đình mình thu được 13 bao lúa”.

Hết lòng với việc chung

Chỉ tay về con đường dẫn vào khu sản xuất và xuống giọt nước của thôn được bê tông hóa với chiều dài 600 m, Trưởng thôn Ksor Jar phấn khởi khoe: “Đây là  đoạn đường do người dân Chăm Prông góp tiền, góp công cùng Nhà nước hoàn thiện theo Chương trình 135. Trước đây, đoạn đường này đi qua đất trồng cà phê, hồ tiêu của người dân. Vào mùa mưa, đường lầy lội, đi lại vất vả lắm. Vì vậy, mình tổ chức họp lấy ý kiến, thống nhất nội dung vận động người dân góp tiền, góp công để mở rộng con đường. Bà con đã tự nguyện hiến hơn 10.000 m2 đất và 80 ngày công để làm đường. Đến nay, đoạn đường này đã được bê tông hóa, phục vụ nhu cầu đi lại, chuyên chở nông sản; đường xuống giọt nước hàng ngày của người dân cũng thuận lợi hơn”.

 

Ông Nguyễn Văn Thịnh-Phó Chủ tịch UBND xã Ia Băng: “Anh Ksor Jar luôn triển khai kịp thời các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước đến với bà con. Nhờ có anh mà thôn Chăm Prông đổi mới hơn và là một trong những thôn có cuộc sống bình yên, người dân luôn đoàn kết, yêu thương nhau. Từ một thôn đặc biệt khó khăn, đến nay, đời sống của người dân trong thôn được nâng lên, số hộ nghèo chiếm tỷ lệ thấp và giảm dần hàng năm”.

Thấy trong thôn thường xuyên có việc cưới xin, tang gia, tiệc tùng, mỗi lần như thế đều phải thuê bàn ghế, phông bạt và bát đĩa rất tốn kém, anh Jar lại đứng lên vận động 204 hộ trong thôn góp tiền mua chung một bộ để mỗi khi hộ nào trong thôn có việc lấy dùng chứ không phải đi thuê. “Tuy nhiên, để vật dụng được tốt bền, hộ nào dùng xong phải lau chùi sạch sẽ, nếu để bàn ghế hỏng thì phải sửa lại, bát, đĩa dùng vỡ thì phải mua đền. Tất cả dụng cụ đó để ở kho nhà mình. Vì thế, bộ đồ dùng chung đó dùng đã được 3 năm rồi nhưng vẫn còn như mới”-anh Jar khoe.

Đinh Yến

Có thể bạn quan tâm