Truy quét lâm tặc- những kết quả tích cực

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Sau một tháng triển khai thực hiện Quyết định 145/QĐ-UBND về truy quét lâm tặc, nạn phá rừng, buôn bán vận chuyển lâm sản trái phép… tại 4 huyện Chư Prông, Đức Cơ, Đak Đoa và Chư Pưh. Đến nay, chiến dịch truy quét đã mang lại những nét tích cực. Nhân dịp này Phóng viên Gia Lai online đã có cuộc phỏng vấn với ông Nguyễn Nhĩ- Chi cục Trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh về những kết quả đã đạt được.

- Ông có thể cho biết những kết quả đạt được sau một tháng truy quét?

Ông Nguyễn Nhĩ: Sau một tháng triển khai thực hiện Quyết định của UBND tỉnh về truy quét lâm tặc và nạn phá rừng tại 4 huyện Chư Prông, Đức Cơ, Đak Đoa và Chư Pưh, 4 Đoàn kiểm tra liên ngành của tỉnh đã thu được những kết quả bước đầu về cuộc truy quét quy mô lần này.

Đó là các Đoàn đã phát hiện được 97 vụ vi phạm Luật bảo vệ và Phát triển rừng, tập trung chủ yếu là tình trạng buôn bán, vận chuyển lâm sản trái phép 43 vụ, cất giấu lâm sản trái phép 30 vụ, 21 vụ phá rừng… Cơ quan chức năng đã tạm giữ 251m3 gỗ vắng chủ, tịch thu 5 xe ô tô, 20 xe máy cùng nhiều tang vật vi phạm khác. Trong đó, nổi bật là huyện Chư Prông với tình trạng xẻ gỗ trụ tiêu, việc trà trộn gỗ không rõ nguồn gốc vào gỗ khai hoang; tình trạng buôn bán và phá rừng làm rẫy của dân di cư tự do…

Bên cạnh đó, tất cả các huyện trong tỉnh đều đã thành lập Đoàn kiểm tra liên ngành của huyện truy quét lâm tặc. Nhờ đó, công tác quản lí bảo vệ rừng đã mang lại hiệu quả tức thời tại một số huyện như: Kông Chro, Ia Pa, Mang Yang…
 

Ảnh: Nguyễn Diệp
Ảnh: Nguyễn Diệp

- Thưa ông, kết quả này đã phản ảnh đúng thực tế?

Ông Nguyễn Nhĩ: Để có được những con số thực tế nói trên là cả một vấn đề lớn, đó là sự tập trung và phối hợp tốt giữa các cấp, ngành của tỉnh trong việc truy quét lần này. Đặc biệt, tại huyện Chư Prông một trong những địa phương có diện tích rừng nằm trong Dự án chuyển đổi rừng nghèo sang trồng cao su rất nhiều (với 11 dự án), đặc biệt, tình trạng dân di cư tự do từ các tỉnh phía Bắc vào đây rất nhiều khiến công tác quản lý bảo vệ rừng gặp nhiều khó khăn.

- Vừa qua, một số phương tiện thông tin nói đến việc tồn dư 8.400 m3  gỗ không rõ nguồn gốc tại huyện Chư Prông, và ông đánh giá việc truy quét lâm tặc lần này như thế nào?

Ông Nguyễn Nhĩ: Như tôi đã nói việc chuyển đổi rừng nghèo sang trồng cao su tại huyện Chư Prông từ năm 2008, đến nay đã tạm dừng, việc các phương tiện truyền thông cho rằng địa phương này còn 8.400m3  gỗ không rõ nguồn gốc là chưa đúng, bởi số gỗ này nằm trong diện khai thác rừng chuyển đổi đã có chủ. Tuy nhiên, do UBND tỉnh đã có Quyết định số 736/UBND-NL yêu cầu đóng búa vận chuyển ra ngoài trước ngày 22- 4 nên các đơn vị không kịp chuyển gỗ ra ngoài vì vậy mới dẫn đến việc tồn đọng trên. Hiện tại các cơ quan thanh, kiểm tra đang điều tra lại số gỗ này, nhưng tôi khẳng định không có chuyện tồn đọng con số lên đến 8.400 m3  như vậy. Con số này thấp hơn rất nhiều khoảng 4.000 m3 (kể cả gỗ lớn, nhỏ và ster củi) nhưng tất cả đều có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng. Trừ 39 lóng trà trộn của Công ty TNHH MTV Cao su Chư Pah đang tiếp tục điều tra làm rõ nguồn gốc.

 

Ảnh: Nguyễn Diệp
Ảnh: Nguyễn Diệp

Có thể khẳng định, đợt truy quét lần này có một ý nghĩa hết sức to lớn, ngăn chặn tình trạng phá rừng làm nương rẫy, tình trạng buôn bán, vận chuyển lâm sản trái phép… để trả lại màu xanh cho rừng. Hiệu quả tức thời là ngăn chặn từng bước nạn phá rừng và buôn bán, vận chuyển như hiện nay. Ngoài 4 Đoàn liên ngành của tỉnh đang tích cực hoạt động, các huyện khác cũng tổ chức truy quét đã mang lại những thành công bước đầu. Chính những kết quả này sẽ là động lực giúp các ngành chức năng tiếp tục truy quét tận gốc các đối tượng lâm tặc để mang lại kết quả cao nhất là trả lại màu xanh cho rừng.

- Xin Cảm ơn ông về cuộc trao đổi này!

Nguyễn Diệp (thực hiện)
 

Có thể bạn quan tâm