Chính trị

Quốc phòng - An ninh

Gia Lai

Truy xét chưa thuyết phục

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Cuối buổi chiều ngày thứ 2 và cả ngày thứ 3 (23 và 24-4) xét xử vụ án tiêu cực trong đấu thầu thuốc tại Sở Y tế, đại diện Viện kiểm sát nhân dân (VKSND) tỉnh giữ quyền công tố và luật sư tham gia xét hỏi các bị cáo. Nhiều tình huống đặt ra cho thấy đại diện VKSND tỉnh khi xét hỏi chưa thuyết phục và chưa làm rõ hành vi đồng phạm giữa các bị cáo.

“Tập huấn xét thầu 5 ngày là… hơi bị nhiều”

Kiểm sát viên (KSV) Doãn Thị Chúc thẩm vấn bị cáo Đoàn Cường: “Theo bị cáo, tiêu chí xuất xứ có quan trọng không?”. “Thưa Hội đồng xét xử (HĐXX), đây là tiêu chí quan trọng. Bởi vậy, bảng điểm kỹ thuật có quy định bắt buộc tiêu chí xuất xứ”-bị cáo Cường trả lời. “Việc bị cáo xây dựng danh mục thuốc mời thầu theo 3 khối nước sản xuất mục đích là để làm gì?”-KSV Chúc hỏi.

 

Ảnh: Lê Văn Nhung

“Mục đích là để chọn 3 biệt dược của một generic, ngoài ra không còn mục đích gì khác”-bị cáo Cường trả lời. Lúc này bà Chúc cắt ngang: “Là một dược sĩ am hiểu về thuốc và chủ công trong vấn đề xây dựng danh mục mời thầu, tham khảo giá mà bị cáo nói vậy là không trung thực. Bởi vì 3 khu vực như thế thì thuốc châu Âu phải đắt hơn châu Á và Việt Nam.

Tại phiên tòa, bị cáo thắc mắc thiệt hại chỗ nào thì tôi giải thích cho bị cáo Cường và HĐXX cũng như các bị cáo khác hiểu như thế này: Giá trúng thầu trừ cho giá thực tế thì chênh lệch đó là giá thiệt hại. Bị cáo rành hơn tôi về chuyện này vì bị cáo làm nghiệp vụ. Việc giám định của cơ quan chuyên môn là có 7 mặt hàng sai phạm về xuất xứ. Tôi nghĩ không ai khác, bị cáo phải hiểu vấn đề này!”. Đến đây, KSV Chúc chuyển sang nội dung khác: “Bị cáo Cường có qua lớp nghiệp vụ đấu thầu nào không?”. “Dạ, có tập huấn 3-5 ngày về nghiệp vụ đấu thầu”.

“Là một dược sĩ mà được tập huấn đến 5 ngày nghiệp vụ đấu thầu là… hơi bị nhiều rồi đấy!”. Lúc này bị cáo Cường mong HĐXX hiểu rõ hơn: “Để chọn 3 biệt dược cho một tên generic (gốc) thì phải phân ra làm 3 khu vực nước sản xuất. Nếu thuốc sản xuất tại Việt Nam thì bản thân bị cáo chọn một loại trúng thầu được đăng tải trên website Cục Quản lý Dược với giá cao nhất làm đại diện cho giá của Việt Nam.

Tương tự với khối nước sản xuất châu Âu và châu Á chọn biệt dược cùng tên generic có giá trúng thầu cao nhất của Cục Quản lý Dược. Khối thuốc sản xuất châu Âu này là cả những thuốc được sản xuất ở châu Á, trừ Việt Nam ra. Cho nên việc khảo sát mặt bằng chung cho mỗi khu vực sản xuất là vô cùng khó, bản thân bị cáo không làm được và hiện tại Bộ Y tế cũng chưa làm được. Từ đó, làm sai khu vực nước sản xuất thì bản thân bị cáo thừa nhận và có thiệt hại. Song, để hiểu thiệt hại như thế nào đây. Có hợp pháp và phù hợp hay không bản thân bị cáo cũng chưa nhận ra được mong hội đồng xem xét”.

Trong khi đó, KSV Trần Công Hùng hỏi bị cáo Nguyễn Công Nhân: “Theo bị cáo, mục đích đấu thầu là gì?”. “Mục đích đấu thầu là chọn giá phù hợp, thuốc chất lượng”-bị cáo Nhân trả lời ngay. “Vậy, tại sao bị cáo lại tước đi quyền của một tổ trưởng tham gia xét thầu, kiểm tra kết quả để dẫn đến sai phạm?”-ông Hùng chất vấn. “Không phải tôi tước quyền tổ trưởng mà còn nhiều nhiệm vụ khác như giải quyết công việc cơ quan, đi họp… Tôi không tham gia trực tiếp xét thầu vì tin tưởng anh em.

 

Ảnh: Lê Văn Nhung

Việc sai này là cố ý hay nhầm lẫn thì cơ quan điều tra cần làm rõ”-bị cáo Nhân thẳng thắn. Đồng thời bị cáo Nhân tự vấn: “ Trong quá trình làm việc tôi đều có  nguyên tắc, nếu phát hiện sai thì chấn chỉnh ngay chứ đâu để ngày hôm nay ra đứng trước vành móng ngựa. Cho nên nhầm lẫn nào cho phép, nhầm lẫn nào không cho phép thì Tòa phải xem xét”. Đến lúc này đại diện VKS Hùng áp đặt: “Không tham gia, anh cũng phải chịu trách nhiệm!”.

Mang dữ liệu về nhà là theo chỉ đạo của Giám đốc

Cũng trong phần xét hỏi làm rõ động cơ mục đích cũng như tính chất đồng phạm của từng bị cáo, bị cáo Phan Minh Hiếu trả lời với HĐXX: “Bị cáo thừa nhận là có sai nhưng trung thực trong quá trình tham gia tổ xét thầu và không có thông đồng với nhà thầu”. Bị cáo Hiếu còn cho biết, mình bị nghi ngờ khi mang máy tính có dữ liệu thầu và chép dữ liệu thầu vào USB đem về nhà nhằm đánh tráo.

Luật sư Nguyễn Mai Hiệp-Đoàn Luật sư Đak Lak hỏi: “Bị cáo suy nghĩ gì về đồng đội của mình giờ cũng là bị cáo?”. Hiếu trả lời: “Bị cáo làm đúng chức trách là chép dữ liệu vào USB theo chỉ đạo của Giám đốc Phùng Xuân Quýnh còn máy tính có dữ liệu là máy của vợ bị cáo. Dữ liệu này không có sửa chữa. Việc các bị cáo khác đổ lỗi cho bị cáo là mâu thuẫn vì thực tế có xét thầu qua loa, đại khái”…

Cũng liên quan đến thiệt hại ngân sách mà các bị cáo gây ra để làm cơ sở truy tố và lượng hình, Luật sư Lê Hồng Nguyên-Đoàn Luật sư TP. Hồ Chí Minh khi hỏi đại diện Bảo hiểm xã hội (BHXH) tỉnh: “Trong 3 năm (2008-2010), BHXH tỉnh đã thanh toán (tiền) cho các cơ sở khám-chữa bệnh chưa?”. “Dạ, rồi!”-ông Đoàn Ngô-Phó Giám đốc BHXH tỉnh trả lời. “Vậy, cơ quan BHXH tỉnh có cảm thấy mất tiền không?”-Luật sư Nguyên hỏi. Lúc này ông Ngô không thể trả lời được mà chỉ nói loanh quanh tiền bảo hiểm được hình thành từ 3 nguồn (người tự mua bảo hiểm; người mua bảo hiểm thông qua các cơ quan công sở, đoàn thể và đối tượng lao động trong các doanh nghiệp).

Đồng thời, ông Ngô cho biết việc này phụ thuộc phán quyết của Tòa. Còn bị cáo Phùng Xuân Quýnh mong muốn: “Thiệt hại 3 năm (2008-2010) cần phải xem lại. Hơn nữa, Sở Kế hoạch và Đầu tư là đơn vị thẩm định cuối cùng và trực tiếp trình UBND tỉnh để công bố giá thầu”.

Hôm nay (25-4) Tòa tiếp tục xét xử và tuyên án.

Lê Văn Nhung

Có thể bạn quan tâm