Từ chủ trương đến thực tế (Bài 3)

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Bài 3: Người lao động và cần câu bền vững

(GLO)- Với sự nỗ lực của tỉnh, chính quyền địa phương và các doanh nghiệp, đến nay, diện tích đất đã trồng cao su theo dự án là hơn 27.000 ha. Phần lớn cao su đều bám rễ thuận lợi, xanh tốt và chẳng bao lâu nữa sẽ đồng loạt bước vào giai đoạn khai thác. Khi dòng nhựa trắng “tràn về” cũng là lúc mở ra một viễn cảnh tươi sáng, ấm no hơn cho người dân trong vùng.

Cây bắp, cây mì hay lúa cạn, từ lâu vốn là nguồn thu nhập chính của bà con các vùng nông thôn nghèo của tỉnh. Cuộc sống khó khăn, ít ai lo nghĩ được chuyện cho con cháu mình đi học, hay mua sắm các vật dụng tiện ích phục vụ cho gia đình. Từ khi dự án chuyển đổi rừng nghèo sang trồng cao su được triển khai đến nay, đời sống của bà con trong vùng đã có nhiều khởi sắc.

 

Khu nhà ở của Công ty Quang Đức xây dựng cho công nhân. Ảnh: Nguyễn Giác
Khu nhà ở của Công ty Quang Đức xây dựng cho công nhân. Ảnh: Nguyễn Giác

Không cần chờ có người vận động, tuyên truyền như trước nữa, giờ đây, đồng bào  dân tộc thiểu số (DTTS) tại các địa phương đều có mong muốn và hăng hái vào làm việc tại các doanh nghiệp cao su. Bởi lẽ họ đã thấy được cái lợi mà loại cây đa mục tiêu này mang lại. Anh em, bạn bè, hàng xóm của họ khi trở thành công nhân cao su đều có công việc và nguồn thu nhập ổn định, mua được đất, xây được nhà, sắm ti vi, bàn ghế… Một số gia đình đã thoát được nghèo hoặc trở nên khá giả.

Ông Ngô Đức Huế-Phó Giám đốc, kiêm Chủ tịch Công đoàn Nông trường Cao su Hòa Phú (Công ty TNHH Một thành viên Cao su Chư Pah), chia sẻ: “Lúc đầu, chúng tôi cũng gặp nhiều khó khăn trong việc vận động bà con DTTS vào làm tại Nông trường, nhưng giờ thì hầu như ai cũng đòi theo việc chứ không muốn bỏ giữa chừng. Với những lao động đã lớn tuổi đến lúc nghỉ thì họ lại có nguyện vọng cho người thân vào làm thế chỗ của mình. Hơn nữa, ai làm giỏi thì được Công ty khen thưởng, cho đi du lịch trong và ngoài nước, nên công nhân rất phấn khởi, thi đua nhau làm việc”.

 

Lớp học tại Nông trường Ia Puch1 do Công ty Quang Đức đầu tư xây dựng. Ảnh: Nguyễn Giác
Lớp học tại Nông trường Ia Puch do Công ty Quang Đức đầu tư xây dựng. Ảnh: Nguyễn Giác

Còn ông Nguyễn Đình Vấn-Giám đốc Nông trường Ia Puch 1 (Công ty TNHH Kinh doanh Hàng xuất khẩu Quang Đức) thì bày tỏ: “Điều chúng tôi cần nhất hiện nay là tuyển thêm nhiều tay nghề mới. Trước đây, dù vận động thế nào người dân cũng không muốn làm và cho rằng đi cạo mủ cao su phải dậy sớm, làm nhiều nhưng thực tế khi công nhân được tuyển dụng thì họ lại vui và không muốn nhường lại công việc cho ai”.

Là một trong những công nhân siêng năng, chịu khó học hỏi của Nông trường Ia Puch 1, anh Kpuih Chu (SN 1981, làng Goòng, xã Ia Puch, huyện Chư Prông), hào hứng nói: “Mình đã đăng ký và được Công ty Quang Đức tuyển làm công nhân ngay từ năm 2008. Trước mình chăm sóc vườn cây kiến thiết, giờ là cạo mủ. Thu nhập gia đình cũng ngày một khá hơn”.

Lúc đầu, anh Chu cũng lo lắm vì trước giờ chỉ biết cầm cây cuốc để làm rẫy, làm ruộng, lấy cái ná săn con chuột, con cheo để cải thiện bữa ăn gia đình chứ nào đâu biết cầm dao cạo nông cạo sâu trên cây. Rồi mấy tháng qua, với sự nỗ lực của bản thân cùng sự giúp đỡ tận tình của cán bộ Nông trường, tay nghề của anh Chu nhanh chóng được nâng lên. Anh dần quen việc, dẻo tay, những đường cạo vì thế cũng thẳng, đẹp, cho nhiều mủ.

Vợ Kpuih Chu-chị Rơ Mah Blê, Chi hội Trưởng phụ nữ xã Ia Puch- cũng được chồng mình truyền dạy tay nghề. Giờ đây, chị đã làm thành thạo công việc cạo, gom mủ cao su để phụ chồng hoàn thành chỉ tiêu nhận khoán. Ngoài ra, gia đình anh Kpuih Chu còn có thêm 5 ha mì, mỗi vụ cho thu nhập 60 triệu đồng. Phát huy vai trò của mình, chị Blê thường xuyên, tích cực vận động, tuyên truyền để người dân hiểu về lợi ích của việc làm công nhân cao su, giúp nhiều bà con đăng ký vào làm và hiện tại công việc lẫn thu nhập đều ổn định.

 

Người dân tập cách cạo mủ tại nông trường Ia Puch. Ảnh: Nguyễn Giác
Người dân tập cách cạo mủ tại nông trường Ia Puch. Ảnh: Nguyễn Giác

Tương tự, với gia đình chị Ksor H’Miên (làng Goong, xã Ia Puch) thì sau 5 năm làm công nhân, mỗi tháng hai vợ chồng có được 10-12 triệu đồng nhờ nhận chăm sóc và cạo mủ. “Tôi tính với số tiền dành dụm được sẽ cho con ăn học ở huyện, nó có cái chữ rồi sau này về làm cho Công ty, giúp bà con ở xã hiểu lợi ích lâu dài từ việc làm công nhân cao su”- chị H’Miên vui vẻ tâm sự.

Hơn 3 năm gắn bó với Đội 20, Công ty TNHH một thành viên 72 (Binh đoàn 15), vợ chồng chị Denh và anh Rơ Mah Tum (làng Ó, xã Ia Dom, huyện Đức Cơ) cũng đã có cuộc sống khá giả hơn. Trước đây, cả nhà 4 miệng ăn đều phải trông chờ vào mấy bao lúa rẫy, chẳng đủ ăn. Hiện, anh Tum đang là Tổ trưởng tổ 5, phụ trách số lao động người DTTS của làng Ó. Với 6 ha cao su nhận chăm sóc, anh thu nhập bình quân hơn 5 triệu đồng/tháng. Còn chị Denh thì trở thành cô giữ trẻ của Đội, lương mỗi tháng cũng hơn 4 triệu đồng.

Không những giúp bà con địa phương có thu nhập ổn định, nhà cửa khang trang, việc thực hiện chế độ chính sách đối với công nhân người DTTS được các doanh nghiệp hết sức chú trọng. “Ngoài phần quy định của Nhà nước, Công ty còn chi bổ sung để cải thiện điều kiện lao động được tốt hơn như chi bổ sung bảo hộ lao động, bồi dưỡng bằng hiện vật, tiền ăn giữa ca… Cùng với việc nâng cao đời sống vật chất, Công ty chú trọng đến việc nâng cao trình độ văn hóa, trình độ tay nghề cho công nhân người DTTS. Không dừng lại ở đó, Công ty còn triển khai nhiều mô hình đan xen như trồng cây rừng, cà phê, chăn nuôi bò; đồng thời hỗ trợ về vốn, thành lập làng công nhân, xây dựng nhà kiên cố, xây dựng trường, trạm y tế… để giúp đồng bào phát triển thêm kinh tế gia đình”- Tổng Giám đốc Công ty TNHH một thành viên Cao su Chư Pah Lê Đức Tánh, cho hay.

Xoay quanh câu hỏi “Liệu người lao động DTTS có thực sự thoát nghèo bền vững?”, Giám đốc Sở Lao động-Thương binh và Xã hội Trần Thị Hoài Thanh, nhận định: “Khi dự án đi vào khai thác, việc làm của người lao động tại chỗ được giải quyết với thu nhập ổn định. Khi ấy, nhu cầu cuộc sống cũng tăng lên, kéo theo sự phát triển của các loại hình kinh tế thương mại, dịch vụ… góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội địa phương, xóa đói giảm nghèo. Do vậy, tôi tin tưởng, chắc chắn rằng trong thời gian đến, người dân trong vùng dự án sẽ thật sự thoát nghèo”.

M.Dưỡng-N.Giác-H.Thi

Có thể bạn quan tâm