(GLO)- Họ-những người đồng đội xưa một thời vào sinh ra tử, run run ôm hôn nhau trong niềm xúc động nghẹn ngào. Trong họ, ký ức về một thời chiến đấu hào hùng đang tự hào sống dậy. Chứng kiến cuộc hội ngộ ấy, thế hệ con cháu có mặt trong buổi hội ngộ này đã có những người khẽ lấy vạt áo lau nhanh giọt nước mắt... Đó là những hình ảnh xúc động trong buổi “Gặp mặt cán bộ ở lại và thân nhân gia đình các đồng chí hoạt động Cách mạng trên địa bàn tỉnh Gia Lai thời kỳ 1954-1960.
Cuộc hội ngộ ấm tình đồng đội
Tại buổi họp mặt ngày 18-12-2012, gần 20 đồng chí là cán bộ ở lại hoạt động Cách mạng trên địa bàn tỉnh Gia Lai thời kỳ 1954-1960 đã có cuộc gặp gỡ đầm ấm, thân tình. Nay tóc họ đã bạc, tuổi đã cao nhưng ngày gặp lại nhau vẫn còn rạo rực lắm những tươi trẻ ngày xanh. Những cái bắt tay thật chặt, những cái ôm nồng ấm và có cả những giọt nước mắt nghẹn ngào… Để rồi sau đó, ký ức hào hùng của một thời bom đạn lại hiện về vẹn nguyên làm rung động biết bao trái tim của những người đã từng mặc áo lính.
Cán bộ ở lại hoạt động Cách mạng trên địa bàn tỉnh Gia Lai thời kỳ1954-1960 hội ngộ dưới Tượng đài Bác Hồ. Ảnh: Trần Dung |
"Cách đây 58 năm, sau Hiệp định Giơneve (20-7-1954), toàn tỉnh Gia Lai biên chế thành hai lực lượng: Một, đại bộ phận tập kết ra Bắc và một bộ phận các cán bộ trung kiên và nhiều kinh nghiệm ở chiến trường được bố trí ở lại miền Nam làm nòng cốt lãnh đạo nhân dân chuẩn bị cho cuộc kháng chiến trường kỳ chống Mỹ xâm lược. Bộ phận cán bộ ở lại tỉnh Gia Lai năm ấy là 134 người, trong đó có 3 người sống và hoạt động hợp pháp. Cán bộ ở lại tỉnh Đak Lak sau này giao qua cho Gia Lai là 37 người. “Hồi đó, những người được Tỉnh ủy chọn lựa bố trí ở lại cảm thấy vinh dự và tự hào nhiều lắm với nhiệm vụ mới được giao. Có nhiều đồng chí quê ở Quảng Nam, Phú Yên, Sài Gòn, Khánh Hòa… không kịp về thăm gia đình đã phải quay lại chiến trường để bám dân, theo dõi địch”. Ông Trịnh Văn Cư (Phường Đoàn Kết-Thị Xã Ayun Pa-Gia Lai) bồi hồi nhớ lại.
Mang ba lô trở lại chiến trường, các cán bộ lại tiếp tục “nếm mật nằm gai”, cùng đồng bào các dân tộc đoàn kết chống kẻ thù chung. Chiến đấu trong môi trường đầy cam go và thử thách, nhiều người đã bị địch bắt, tra tấn và đánh dập dã man nhưng vẫn kiên định lập trường và khí tiết cách mạng. Mặc dù trong điều kiện khó khăn nhưng cán bộ ta vẫn hết lòng quan tâm đến đời sống nhân dân, cùng nhân dân đấu tranh chống áp bức, cùng nhân dân lao động sản xuất, xóa bỏ các hủ tục lạc hậu, dạy tiếng phổ thông và chăm lo phát triển cơ sở. “Hoạt động trong điều kiện khắc nghiệt, hàng ngày phải đối mặt với kẻ thù vô cùng xảo quyệt và tàn ác, nguồn an ủi lớn nhất của chúng tôi là sự đùm bọc, nuôi dưỡng của nhân dân và tình đồng chí, đồng đội. Hồi đó, cán bộ phải cải trang, đóng khố, mang gùi… để có thể dễ dàng hoạt động. Một số anh em, đồng chí của chúng tôi đã anh dũng hi sinh máu xương của mình trong những ngày tháng ấy”. Những tiếng nấc ngẹn ngào, những giọt nước mắt lăn dài trên gương mặt nhăn nheo của ông Ngô Thành (Nguyên Phó Bí thư Tỉnh ủy-một trong số những cán bộ ở lại miền Nam trong thời kỳ 1954-1960) khi nhắc đến sự hi sinh của đồng đội đã làm cho không khí của buổi gặp mặt như lắng xuống, tất cả đều rưng rưng. Khoảng lặng thiêng liêng ấy như phút mặc niệm dành cho người đã khuất.
Những cái bắt tay thật chặt, những cái ôm nồng ấm và có cả những giọt nước mắt nghẹn ngào. Ảnh: Trần Dung |
Những người chiến sĩ trung kiên ấy chưa từng một lần khuất phục trước những thủ đoạn tàn ác của kẻ thù, vậy nhưng hôm nay, họ lại bật khóc khi gặp lại nhau trong niềm tự hào của những người cán bộ ở lại năm xưa. Đôi mắt nhòe lệ, ông Nguyễn Đàn (Cán bộ tiền khởi nghĩa, Trưởng ban Định canh, định cư kinh tế mới Gia Lai-Kon Tum) xúc động nói : “Lâu lắm rồi chúng tôi mới được tụ họp như thế này, nên ai nấy đều rất xúc động và thấy ấm lòng lắm. Gần cuối cuộc đời chúng tôi lại được ngồi gần bên nhau, được nắm tay nhau ôn lại những ngày tháng gian khổ nhưng rất đỗi tự hào”.
Trong số 15 cán bộ ngoài tỉnh ở lại hoạt động Cách mạng trên địa bàn tỉnh Gia Lai thời kỳ 1954-1960 nay còn sống, ông Phạm Hồng đã đưa đại gia đình của mình từ Quận 7-TP. Hồ Chí Minh về Gia Lai để tham dự buổi gặp mặt. Cùng con cháu của mình hát vang khúc ca “Ca ngợi anh hùng Núp”, gương mặt ông rạng ngời hạnh phúc. “Tôi vẫn luôn có một ước nguyện cháy bỏng cuối cuộc đời mình là nếu sau này tôi mất đi, vẫn mong mỏi được hóa thân mình vào mảnh đất Kông Chro-nơi chiến trường xưa. Có như vậy tôi mới có thể ở lại mãi mãi với mảnh đất và những con người tôi yêu thương”.
Tự hào con cháu cách mạng
Trong không khí xúc động, đầm ấm của buổi gặp mặt thân tình, hơn 50 thân nhân là thế hệ con cháu của những cán bộ ở lại đã ngồi nghe lại truyền thống vẻ vang của cha anh mình trong tâm thế biết ơn, tự hào. Tại đây, ông Phạm Đình Thu-Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Gia Lai đã nhấn mạnh: “Buổi gặp mặt hôm nay là dịp để các đồng chí cán bộ ở lại và thân nhân gia đình các đồng chí hoạt động Cách mạng trên địa bàn tỉnh Gia Lai thời kỳ 1954-1960 vun đắp thêm tình cảm của một thời sắt son với lý tưởng thiêng liêng và cao cả của Đảng và Cách mạng. Tôi mong mỏi các đồng chí lão thành Cách mạng tiếp tục phát huy truyền thống Cách mạng bằng hành động cụ thể nêu gương tốt cho các thế hệ đi sau. Cùng các cấp, các ngành tiếp tục thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ trong giai đoạn Cách mạng mới”.
Ông Lê Tiên trò chuyện với thân nhân của đồng đội mình. Ảnh: Trần Dung |
Trong tổng số 171 cán bộ ở lại hoạt động Cách mạng trên địa bàn tỉnh Gia Lai thời kỳ 1954-1960 thì có tới 107 người đã anh dũng hi sinh, hiến dâng máu xương của mình cho mảnh đất Gia Lai thêm hùng vĩ. Và ngày hôm nay, những người con, người cháu của họ mang trong tim mình niềm tự hào khôn tả. Ông Giang Prao Thanh (Đak Đoa-Gia Lai) tâm sự: “Lúc còn hoạt động Cách mạng, người cậu của tôi là Siu Nghích cũng đã có vợ con nhưng đến nay vẫn còn thất lạc. Tôi đang mong muốn tìm lại người vợ ấy của cậu. Tôi rất tự hào vì là con cháu của một thế hệ anh hùng như cậu của mình. Nghe lời dạy của cậu, tôi luôn nhắc nhở con cháu phải không ngừng học tập và giữ gìn truyền thống Cách mạng của gia đình”.
Không quản đường sá xa xôi, tuổi cao sức yếu, bà Amí Văn (68 tuổi)-huyện Ea H’Leo-Đak Lak đã cùng con gái sang tận Gia Lai để thay chồng tham dự buổi gặp mặt. Với bà thì người chồng Ama H’Van (83 tuổi)-cán bộ ở lại hoạt động Cách mạng trên địa bàn tỉnh Gia Lai thời kỳ 1954-1960 là niềm tin, là vị anh hùng trong lòng bà. Trong trang phục truyền thống của dân tộc mình, bà không giấu nổi niềm tự hào khi nói về ông: “Tôi tin và thương ông ấy như tin Cách mạng vậy. Tôi may mắn hơn biết bao người vợ, người mẹ khác là sau chiến tranh, chồng tôi vẫn quay trở về và sống cùng vợ con tới ngày hôm nay. Lòng ông ấy náo nức muốn gặp lại đồng đội lắm nhưng vì điều kiện sức khỏe nên không thể đi được đến đây. Tôi sẽ mang niềm tự hào hôm nay của mình về kể cho ông ấy nghe”.
Những năm tháng chiến tranh qua đi, nhưng trong kí ức của bà Nay Thúy Lộc (xã Chư Mố-Huyện Ia Pa) vẫn còn nhớ như in những ngày theo mẹ và sống trong căn cứ Cách mạng. Cô là con gái đầu của nữ cán bộ ở lại Nay H’Mek, từ khi sinh ra cô đã phải theo mẹ băng rừng, lội suối trong những ngày mẹ cô thực hiện nhiệm vụ. Cô tự hào kể: “Mẹ tôi hay kể rằng, tôi lớn lên là nhờ Cách mạng, tôi sống sót là nhờ Cách mạng. Tôi được cán bộ và người dân đùm bọc cho tới ngày mẹ tôi hoàn thành nhiệm vụ và được ra Bắc cuối năm 1958. Trong buổi gặp mặt ngày hôm nay, nhìn các cán bộ lão thành vui mừng gặp nhau, tôi lại nhớ mẹ và càng tự hào vì mình là người con của mẹ-người con của Cách mạng”.
Trần Dung