Phóng sự - Ký sự

"Từ trong ký ức": Nhớ mãi Chiến trường K

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Sau này, thấy không ít người viết hay kể về Chiến trường K đầy thơ mộng, tôi nghĩ họ tô vẽ thêm cho thú vị. Với tôi, đó là những tháng ngày ác liệt và dữ dội nhất, một phần thanh xuân của tôi đã gắn chặt với nơi này...
Mười chín tuổi, tôi nhập ngũ. Đám bạn lính cùng lên đường với tôi thời đó có đứa chưa tròn 18 tuổi, chưa một lần yêu.
Chiến trường vẫy gọi
Đầu năm 1980, đất nước còn nghèo lắm, ngày 2 bữa cơm độn 7 phần là sắn, khoai còn không đủ no. Thằng con trai như tôi, cao lêu nghêu hơn 1,7 m, ốm trơ xương chỉ 47 kg - vừa đủ ký nhập ngũ thời đó. Chúng tôi biết nhập ngũ là ra trận, đi vào Chiến trường K lành ít dữ nhiều.
Khi lệnh gọi nhập ngũ được gửi về nhà, không khí gia đình trầm hẳn, trong bữa cơm không ai nói với ai lời nào. Mẹ tôi bỏ cơm. Cha tôi thì không nói gì, chỉ hơi trầm tư và hút nhiều thuốc…
Còn 3 ngày nữa là đến ngày lên đường, tôi nhớ khoảng cuối tháng giêng năm 1980, lúc này ở quê tôi là những tháng ngày giáp hạt, đói vàng võ. Gạo trong nhà đã hết mà lúa ngoài đồng còn chưa chín. Mẹ tôi chọn khoảnh lúa tốt nhất, mới vừa ưng ửng, cắt một bó mang về đạp, phơi khô xong xay giã rồi nấu một bữa cơm trắng để tiễn tôi đi lúc tờ mờ sáng. Có lẽ đây là bữa cơm mà tôi nhớ suốt đời.
Khi xe nhận quân đến sân của UBND xã ở đầu làng, mấy đứa em chạy về hớn hở báo tin. Mẹ tôi lặng thinh, bà lững thững theo tôi ra đến đầu ngõ rồi dừng lại. Có lẽ đi nữa mẹ sợ không cầm được nước mắt, mẹ sợ làm tôi bận lòng.
Còn cha, ông theo tôi ra đến tận đầu làng. Lúc từ biệt, vỗ vai tôi, ông nói: "Mày giữ sức khỏe, vào lính học khôn nghen con". Lúc này sống mũi tôi đà cay cay, tôi chỉ nói được một câu: "Dạ! Cha về đi". Xe chuyển bánh, bóng cha nhỏ dần rồi khuất sau bóng cây ven đường...
Hơn nửa ngày, xe đưa chúng tôi đến căn cứ Chu Lai, tỉnh Quảng Nam - nơi huấn luyện tân binh của Quân khu 5.

Tác giả (bìa phải) cùng đồng đội ở Chiến trường Campuchia năm 1980. (Ảnh do tác giả cung cấp)
Tác giả (bìa phải) cùng đồng đội ở Chiến trường Campuchia năm 1980. (Ảnh do tác giả cung cấp)
Thời gian như không còn ý nghĩa
Xong 3 tháng quân trường, chúng tôi vào chiến trận. Xe đưa chúng tôi qua biên giới, tại cửa khẩu Lệ Thanh, huyện Đắk Cơ, tỉnh Gia Lai. Bên kia biên giới là cửa khẩu Oyadav của Campuchia.
Tôi được biên chế vào Trung đội 2, Tiểu đoàn Trinh sát 32 - Quân khu 5. Tiếp theo là 20 ngày huấn luyện nghiệp vụ và chiến thuật trinh sát rồi từ đây vào chiến trận. Chúng tôi không có thời gian để suy nghĩ, không nhớ nhà, không còn biết buồn hay sợ sệt gì nữa, trong đầu chỉ muốn xung trận...
Trận đánh đầu tiên - dọc tuyến đường đất đỏ 126, con đường huyết mạch để chi viện và vận chuyển nhu yếu phẩm của quân ta từ dọc biên giới Lào đến tỉnh biên giới Preah Vihear của Campuchia - phải nói là ác liệt, vì trục đường này luôn bị tàn quân Pol Pot tập kích. Trận đánh sinh tử nhất là trận T23 - trận quyết định để quét sạch tàn quân Pol Pot trên trục đường 126 này.
Cuối cùng, chúng tôi cũng dẹp được tàn quân Pol Pot nhưng thiệt hại nặng do lính mới chưa thạo địa hình, chưa quen chiến trận. Bạn tôi - Phạm Văn Thành, quê tỉnh Quảng Ngãi - bị thương nặng trong trận này. Tôi chỉ kịp ký quyết định làm phẫu thuật và để bạn ở lại tuyến sau rồi tiếp tục hành quân. (Sau này giải ngũ, may mắn Thành còn sống).
Chiến trận ngày một ác liệt, hết trận này đến trận khác, chúng tôi quen dần với địa hình, địa vật nơi này, bản lĩnh và thiện chiến hơn. Vậy mà đến khi giải phóng được đường 126 thì số quân ra trận với tôi ngày đầu đã hy sinh gần một nửa, số còn lại bị thương cũng nhiều, đơn vị phải bổ sung quân nhiều lần.
Mùa mưa năm 1980, chúng tôi đánh ở tỉnh Stung Treng, cách Phnom Penh khoảng 300 km, sát biên giới Lào. Chiến trận giằng co nhiều tháng liền, lương khô khó nuốt và mưa rừng cứ ám ảnh. Hai bên vây ráp, quần nhau cả tháng. Quân phục trên người bị gai, cỏ cào xước rách tả tơi. Có lúc lương khô đã cạn, đạn dược gần hết mà đường tiếp viện bị địch mai phục cắt đứt, chỉ huy ra lệnh để dành đạn, khi phát hiện mục tiêu khoảng 20 m mới được bắn...
Cứ như thế, tháng ngày trôi qua, hết trận này đến trận khác, lương khô, cơm vắt, ngủ rừng… và đồng đội bao lớp đã hy sinh. Càng khổ cực chúng tôi càng căm thù Pol Pot, xung trận càng cương quyết hơn. Thời gian với chúng tôi dường như không còn ý nghĩa. Tôi không nhớ là mình đã trải qua bao nhiêu trận đánh, không còn phân biệt mùa trong năm, chỉ biết hai mùa nắng - mưa và quanh mình là súng đạn, mùi thuốc súng và khói lửa chiến tranh.
Vui nhất là khi Tết đến. Cuối năm, chiều biên giới xa xôi, chúng tôi ăn bữa cơm đầy đủ theo chế độ nhưng không có rượu. Đồng đội có đứa lén mang bộ đồ lính còn lành lặn của mình ra dân đổi rượu. Đêm cuối năm, chúng tôi ra dân uống rượu, hát ca và bập bẹ tỏ tình bằng tiếng người bản xứ, dù biết có thể sẽ bị kỷ luật. Nhưng thôi, mai xung trận, đời lính... biết đâu ngày trở lại.

Tác giả Trần Xuân Lên
Tác giả Trần Xuân Lên
Ác liệt, cam go
Preah Vihear là một tỉnh biên giới nằm sát Thái Lan, nơi từng chứng kiến bao cuộc giao tranh ác liệt. Chúng tôi đến để đánh dẹp tàn quân Pol Pot ẩn nấp ở đây.
Cuộc chiến cam go chứ không như chúng tôi nghĩ là sẽ đánh nhanh thắng gọn. Hai bên giằng co kéo dài mấy năm trời, hao binh tổn sức. Có những đồng đội vừa được tiếp viện cho đơn vị tôi chưa kịp nhớ tên đã hy sinh, có chiến hữu dạn dày trận mạc cũng nằm lại miền biên giới hoang lạnh.
Ác liệt nhất ở Preah Vihear là trận đánh Đồi 147. Gần nửa năm, từ mùa khô qua đến mùa mưa mà vẫn chưa giải phóng được Đồi 147 này. Đồng đội bị thương và hy sinh không biết bao nhiêu mà kể...
Đánh trận mãi cũng mệt mỏi, hao mòn dù tôi không còn sợ chết. Tôi cũng không còn nhớ nhà, nhớ quê hay nhớ người thân nữa. Nhiều lúc tôi ước sao mình không còn phải nhìn thấy cảnh tang thương, chết chóc. Thế nhưng, trước mặt quân thù còn đó, sau lưng là đồng đội đặt niềm tin vào người đi đầu. Là trinh sát, tôi đi đầu dẫn đường, mở lối dò gỡ bom mìn mà nản chí thì đồng đội sẽ ra sao? Thế là lòng căm phẫn Pol Pot sôi lên, tôi quyết chiến đấu với chúng đến cùng.
Sau này, khi đọc báo hay xem tivi, thấy không ít người viết hay kể về Chiến trường K đầy thơ mộng, tôi nghĩ họ tô vẽ thêm cho thú vị. Với tôi, đó là những tháng ngày ác liệt và dữ dội nhất. Một phần tuổi thanh xuân của tôi đã gắn chặt với nơi này. Đồng đội tôi, có người để lại một phần cơ thể, có người mãi mãi nằm lại đó…
Rồi mùa xuân về...
Tháng 4-1984, đơn vị tôi được lệnh rút về tuyến sau, một tháng sau thì giải ngũ. Khi cùng đồng đội cầm quyết định giải ngũ trên tay, tôi mới dám tin là mình còn sống.
Lúc này, hình ảnh cha mẹ, người thân hiện ra mồn một. Chúng tôi nhớ nhà, nhớ cha mẹ, nhớ quê… Nghịch lý một điều là lúc giải ngũ, có người mới... sợ chết. Bởi lẽ, nhiều đồng đội của tôi khi cất quyết định xuất ngũ trong balô rồi mà trên đường về biên giới lại bị trúng mìn Pol Pot gài và hy sinh, thật đau xót!
Khi tôi về đến đầu làng, hàng xóm, người thân ra đón rất đông. Từ xa, tôi đã nhìn thấy cha mẹ. Khi tôi đi tới, cha tôi ngờ ngợ chăm chú nhìn. Có lẽ vì sau 5 năm, tôi đã khác nhiều, đen trũi và dáng người cao lớn, hơn 70 kg so với 47 kg hồi nhập ngũ.
Rồi cha tôi chạy đến ôm chầm tôi và reo lên "Lên, Lên!". Tôi vờ né ra và nói: "Con đâu phải là con của chú". Cha tôi tiu nghỉu rồi tuyệt vọng: "Trời ơi! Không lẽ thằng Lên chết rồi...". Lúc này tôi mới quay lại ôm lấy cha, nghẹn ngào: "Con, Lên đây". Cha mẹ tôi òa khóc. Lần đầu tiên tôi thấy cha mình khóc. Thì ra, khi con người ta hạnh phúc và đau khổ đều có thể khóc và khóc cũng móm mém giống nhau.
Giờ đây, chiến tranh đã lùi xa hơn 40 năm. Bạn chiến đấu với tôi còn sống không nhiều, cha mẹ tôi giờ cũng thành người thiên cổ nhưng ký ức chiến trường vẫn còn mãi trong tôi. 
TRẦN XUÂN LÊN (NLĐO)

Có thể bạn quan tâm