Phóng sự - Ký sự

Tuổi 20 Trường Sa - Kỳ 1: Lính trẻ nơi đầu sóng

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
32 năm trước, ngày 14-3-1988, máu 64 người lính hải quân đã nhuộm đỏ Trường Sa. Và 32 năm qua, bao thế hệ tuổi trẻ không ngại gian khổ, tình nguyện ra quần đảo sóng gió, bão tố khắc nghiệt để cống hiến một phần thanh xuân cho Tổ quốc...
Chiến sĩ Dương Văn Thời chào cột mốc chủ quyền trước khi ra tàu vào đất liền - Ảnh: MY LĂNG
Chiến sĩ Dương Văn Thời chào cột mốc chủ quyền trước khi ra tàu vào đất liền - Ảnh: MY LĂNG
Lần nào ra Trường Sa, tôi cũng thấy những gương mặt trẻ đen sạm sóng gió. Và ấn tượng nhất là những người lính tuổi đôi mươi ánh mắt cương nghị dõi ra khơi xa, bồng súng đứng gác bên cột mốc chủ quyền dưới cái nắng gay gắt của Trường Sa.
Chào cột mốc trước khi rời đảo
Buổi sáng ngày thứ hai trên đảo Nam Yết, tiếng loa thông báo ra tàu vang lên. Mọi người bịn rịn chia tay. Một chiến sĩ tách khỏi đám đông, chạy về phía cột mốc chủ quyền. Anh chàng đứng nghiêm giơ tay chào cột mốc rất lâu, dễ chừng hơn một phút.
"Ngày cuối mình còn ở trên đảo. Đã hoàn thành nhiệm vụ rồi thì xin phép chào cột mốc để về đất liền như chào mảnh đất thiêng liêng xa xôi của Tổ quốc vậy đó", binh nhất Dương Văn Thời, quê Quảng Ngãi, xúc động giải thích.
Thời bảo cột mốc là hình ảnh gắn bó với người lính. Hằng ngày mỗi chiến sĩ đi đâu, làm gì cũng ngang qua cột mốc. Sáng thứ hai nào cũng đứng trước cột mốc chào cờ. "Lúc đứng chào cột mốc để về, mình xúc động lắm. Cảm giác rất thiêng liêng khi đứng trước cột mốc chủ quyền của hòn đảo mà ông cha ta ngày xưa đổ biết bao công sức, máu xương gìn giữ", chàng chiến sĩ 21 tuổi này xúc động tâm sự.
Thời cho biết nhóm của bạn có bốn người đều rủ nhau chào cột mốc chủ quyền trước khi về bờ. "Có một bạn chiến sĩ mới ra thấy tụi mình chào cũng ra chào cột mốc. Tụi mình đều chụp hình lại để làm kỷ niệm", Thời nói.
Ngồi trên xuồng ra tàu lớn, đường về nhà ngày một gần hơn nhưng Thời và các bạn chợt im bặt, cứ ngoái lại phía sau nhìn đảo. 
"Tự nhiên thấy nhớ đảo quá. Ngoài này rèn luyện vất vả lắm nhưng vui, tình cảm. Cứ giờ nghỉ là tụi mình đi tìm nhau, ngồi đàn hát. Đang huấn luyện mà trời mưa phải chui vào chỗ nấp, anh em kể nhau nghe cuộc sống ngoài đời. Qua một cơn mưa, hiểu nhau nhiều hơn", Thời kể.
Thời tiếc nuối nói vào bờ sẽ không được ngắm biển đẹp như ngoài đảo nữa. Anh khoe: "Biển ở đây được bảo tồn kỹ, thường xuyên được tụi mình dọn vệ sinh nên sạch lắm, đẹp hơn biển trong bờ. San hô ngoài này đẹp không tưởng tượng được luôn".
Anh chàng cho hay nhà mình cách biển chỉ vài phút. Ra đây thấy biển, Thời thấy giống như ở nhà mình vậy. "Mỗi lần đi gác ngó bốn bên đều là biển, mình nghĩ đây cũng là nhà mình rồi", Thời nói.
Nụ cười của những chiến sĩ trẻ trên đảo Song Tử Tây - Ảnh: MY LĂNG
Nụ cười của những chiến sĩ trẻ trên đảo Song Tử Tây - Ảnh: MY LĂNG
Nắng gió chẳng chai sạn tâm hồn
Trên chuyến tàu từ đất liền ra quần đảo Trường Sa, khi chuyển hàng vào đảo Nam Yết, tôi chú ý đến món quà đặc biệt. Đó là một cây đàn được bọc gói cẩn thận, bên ngoài đề chữ: "Bố Vũ Đức Thắng gửi đàn ghita. Người nhận: con trai Vũ Mạnh Hải Long, bộ phận hậu cần đảo Nam Yết".
Nhận cây đàn đã vượt mấy trăm hải lý ra đảo với mình, chiến sĩ Vũ Mạnh Hải Long vui lắm. Anh chàng ôm chặt cây đàn, cười tủm tỉm mãi. Long 20 tuổi, ra đảo từ tháng 7-2019. "Mình thích học đàn nên nhờ bố gửi ra, lúc rảnh thì học đánh đàn, đàn hát với anh em cho vui", Long bảo.
Nắng gió nơi quần đảo khắc nghiệt này khiến làn da ai cũng đen sạm. Thế nhưng sự khắc nghiệt của thiên nhiên vẫn chẳng thể làm những người lính trẻ chai sạn tâm hồn. Cực thế nào cũng phải có cây đàn ghita đàn hát cùng nhau cho trôi đi những mệt mỏi, những khoảng lặng trong tâm hồn khi chiều xuống, đêm buông nhớ nhà, nhớ người yêu, nhớ đất liền...
Buổi tối ngày đầu tiên lên đảo. Khi đi ngang khu nhà ăn của chiến sĩ tối om thì thấy ánh sáng nhỏ hắt ra từ cái bếp nhỏ, tôi nhận ra anh chàng binh nhất Trần Tuấn Anh, 19 tuổi, quê Vũng Tàu. Anh chàng mới lên đảo ngày đầu tiên đã bắt tay vào nhiệm vụ ngay.
Thấy Tuấn Anh ôm cây đàn ghita ngẫu hứng gảy và ngồi canh nồi bánh chưng bên ụ chiến đấu, tôi hỏi sao ngồi một mình. Tuấn Anh bảo chiến sĩ mỗi người một nhiệm vụ. Tuấn Anh học đàn từ lúc đi tân binh. Khi lên tàu ra đảo, anh chàng được một đồng đội đi đảo Sơn Ca dạy tiếp. "Cây đàn như người bạn của mình. Khi nào nhớ nhà hoặc ngồi với đồng đội thì đàn hát cho vui", Tuấn Anh nói.
Nếu chọn lại, mình vẫn đi Trường Sa
Là con một nhưng từ lúc còn là tân binh, binh nhất Nguyễn Thạch Toàn (21 tuổi, Q.Gò Vấp, TP.HCM, đóng quân trên đảo Song Tử Tây) âm thầm viết đơn tình nguyện xin ra quần đảo Trường Sa. Khi được chọn đi, anh mới báo tin cho gia đình hay.
Cậu con trai một được cưng như trứng phải thuyết phục mẹ để bà yên lòng. Hỏi sao quyết tâm ra Trường Sa, Toàn bảo: "Mình muốn tuổi trẻ mình thật ý nghĩa khi được trải nghiệm ở Trường Sa và cống hiến cho Tổ quốc. Mình đi để làm gương cho những em nhỏ chỗ mình".
Một năm rèn luyện trên đảo, Nguyễn Thạch Toàn giờ là chiến sĩ tiên tiến của lữ đoàn 146 vì hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ. Cả đảo Song Tử Tây chỉ có ba chiến sĩ đạt danh hiệu này. Những ngày mới lên đảo, không quen nắng Trường Sa, Toàn cũng như nhiều chiến sĩ trẻ khác bị cháy da, da lột hết lớp này tới lớp khác. 
"Người ta nói nắng ngoài này như vành đai núi lửa mà. Lột hoài tới lúc quen, chỉ đen thêm chứ không bị lột nữa", Toàn cười bảo.
Ngày nắng như thiêu đốt, đêm xuống thì lạnh, nhất là những bữa đi gác đêm, ngồi gác gió thổi lạnh co ro. Chưa kể ở ngoài đảo không chỉ có thời tiết khắc nghiệt mà đến cả các loài côn trùng cắn đốt cũng đáng sợ. Kiến đốt mà thành sẹo, mưng mủ. Muỗi đốt nhẹ thôi cũng làm mủ. "Ở đảo vết thương nhỏ cũng từ từ lở loét, đọng mủ. Tụi mình ai cũng bị", Toàn nói.
Toàn bảo sau một thời gian rèn luyện, thử thách, người lính nào cũng quen với những vất vả, khắc nghiệt ngoài đảo. Cậu công tử bột ngày nào giờ đã chững chạc, biết nghĩ cho người khác nhiều hơn. "Xưa ở nhà kén ăn, mẹ còng lưng ra nấu mình còn chê. Ra đảo có gì ăn đó. Ở nhà có người làm hết cho mình. Ra đây biết tự nấu ăn, tự giặt đồ, quét nhà, lau nhà. Ra đây mới biết thương ba mẹ đã chịu cực vì mình nhiều quá", Toàn chia sẻ.
"Nếu chọn lại mình vẫn tiếp tục chọn Trường Sa vì mình là người Khánh Hòa, muốn góp một phần công sức bảo vệ biển đảo quê hương mình", binh nhất Nguyễn Hoài Nam, 24 tuổi, khẳng định.
Tốt nghiệp đại học, đã đi làm, được gọi nhập ngũ, Nam vui vẻ gác lại công việc, ra đảo làm nhiệm vụ của thanh niên với đất nước. Hoài Nam bảo ra đảo anh cảm nhận rõ hơn bộ áo yếm hải quân mình đang mang. "Nó thấm đượm màu của biển đảo Tổ quốc. Đó là màu xanh của biển và màu trắng của sóng", Nam xúc động nói.
Lính trẻ Trường Sa giải trí thế nào? Đó là được xuống biển nhặt vỏ ốc, những nhánh san hô về làm đèn ngủ, làm cây hoa ốc và mơ về ngày vào bờ tặng... người yêu. Đó là được đi chăn bò, bắt sâu mang cho khỉ ăn. Đó là niềm vui khi nhìn những hạt mầm rau xanh mình gieo nơi đất cát san hô đã nảy mầm. Đó là những lúc nghỉ ngơi gảy đàn ghita cùng đồng đội hát nghêu ngao. Chiến sĩ trẻ nên nghịch lắm, nghĩ ra đủ trò cho vui. Có khi còn bắt ve chó thả cho kiến ăn, xếp ve chó lên que ngồi nhìn nó đua...

"Trường Sa là cả thanh xuân của mình đó - trung sĩ Huỳnh Thanh Hoàng mỉm cười bảo - Sau này có con, mình sẽ kể con nghe chuyện hồi ba nó ra Trường Sa".

Kỳ tới: Trai Sài Gòn ở Trường Sa

Theo MY LĂNG (TTO) 

Có thể bạn quan tâm