Từ 1-1-2021 cứ mỗi năm tăng thêm sáu tháng cho đến khi nam đủ 62 tuổi, nữ đủ 60 tuổi.
Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội vừa công bố dự thảo lần hai Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Lao động 2012. Trong đó, đáng chú ý dự thảo lần này là việc Bộ LĐ-TB&XH đề xuất mốc tăng tuổi nghỉ hưu.
Nếu theo phương án 2, tuổi nghỉ hưu sẽ tăng từ năm 2018 và theo từng nhóm đối tượng. |
Hai phương án
Bộ tiếp tục đưa ra hai phương án. Theo đó, phương án 1, tuổi nghỉ hưu giữ như hiện hành, nam là 60 tuổi và nữ là 55 tuổi.
Phương án 2, tuổi nghỉ hưu của người lao động trong điều kiện bình thường là nam đủ 60 tuổi, nữ đủ 55 tuổi. Từ 1-1-2021 cứ mỗi năm tăng thêm sáu tháng cho đến khi nam đủ 62 tuổi, nữ đủ 60 tuổi.
Nếu người lao động bị suy giảm khả năng lao động; làm công việc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm; làm công việc, nghề nghiệp đặc thù có thể nghỉ hưu ở tuổi thấp hơn so với quy định.
Người lao động có trình độ chuyên môn kỹ thuật cao, người lao động làm công tác quản lý và một số trường hợp đặc biệt khác có thể nghỉ hưu ở tuổi cao hơn nhưng không quá năm năm so với quy định.
Theo Bộ LĐ-TB&XH tăng tuổi nghỉ hưu là một nội dung lớn đã từng được đặt ra nhiều lần trong quá trình soạn thảo luật nhưng chưa được Quốc hội thông qua. Lần sửa đổi này, tiếp tục có nhiều ý kiến đề nghị tăng tuổi nghỉ hưu vì nhiều lý do như tuổi thọ bình quân của người Việt Nam những năm gần đây đã tăng nhiều so với giai đoạn trước đây và khoảng cách giữa tuổi thọ bình quân với tuổi nghỉ hưu bình quân là rất dài.
Thực tiễn nhiều người nghỉ hưu vẫn tiếp tục tham gia lao động, có nhu cầu làm việc thêm và họ vẫn có đủ sức khỏe tham gia lao động tiếp.
Một lý do nữa là dân số Việt Nam đang chuyển từ thời kỳ dân số vàng sang giai đoạn già hóa. Đặc biệt, nếu cứ giữ tuổi nghỉ hưu như hiện tại thì quỹ hưu trí, tử tuất không đảm bảo trong dài hạn...
Giữ nguyên thời gian nghỉ “kẹt” và cho con bú
Cũng tại dự thảo Bộ luật Lao động (sửa đổi) lần hai, Bộ LĐ-TB&XH đã giữ nguyên thời gian nghỉ ngơi cho lao động nữ trong thời gian hành kinh và cho con bú.
Cụ thể, Điều 116 quy định lao động nữ trong thời gian hành kinh được nghỉ mỗi ngày 30 phút. Trong thời gian nuôi con dưới 12 tháng tuổi, lao động nữ được nghỉ mỗi ngày 60 phút. Thời gian nghỉ lao động nữ vẫn được hưởng đủ tiền lương theo hợp đồng lao động.
Dự thảo cũng giữ nguyên những quy định bảo vệ thai sản với lao đông nữ, quy định người sử dụng lao động phải điều chỉnh công việc đối với người lao động mang thai hoặc nuôi con dưới 12 tháng tuổi.
Người sử dụng lao động không được sa thải hoặc đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động đối với lao động nữ vì lý do kết hôn, mang thai, nghỉ thai sản, nuôi con dưới 12 tháng tuổi. Nếu người sử dụng lao động đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động đối với người lao động đang trong thời gian mang thai, nghỉ thai sản hoặc nuôi con nhỏ dưới 12 tháng tuổi thì người sử dụng lao động có nghĩa vụ chứng minh rằng hành động của họ không liên quan tới việc người lao động mang thai, nghỉ thai sản hoặc đang nuôi con nhỏ.
Lao động nữ mang thai nếu có xác nhận của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có thẩm quyền chứng nhận nếu tiếp tục làm việc sẽ ảnh hưởng xấu tới thai nhi có quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động hoặc tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động.
Thời hạn mà lao động nữ phải báo trước cho người sử dụng lao động tùy thuộc vào thời hạn do cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có thẩm quyền chỉ định. Trong thời gian mang thai, nghỉ hưởng chế độ khi sinh con theo quy định của pháp luật về bảo hiểm xã hội, nuôi con nhỏ dưới 12 tháng tuổi, lao động nữ không bị xử lý kỷ luật lao động.
Theo phapluat