Phóng sự - Ký sự

Tuổi thơ nhọc nhằn: 'Siêu nhí' đi biển

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Khi các bạn cùng tuổi hồn nhiên cắp sách đến trường, 9 tuổi Võ Ngọc Trường đã theo cha lênh đênh trên biển với mỗi chuyến đi ngót cả tháng trời.
 
Trường chỉ tay về hướng ra khơi hôm nay. ẢNH: QUANG VIÊN
Trường chỉ tay về hướng ra khơi hôm nay. ẢNH: QUANG VIÊN
Tôi tìm đến làng chài ở P.Hưng Long, TP.Phan Thiết, Bình Thuận. Giữa trưa tháng 5, bên bến cảng, dưới cái nắng oi nồng vị biển, nhiều dân chài lấy rượu bia giải mỏi, tìm vui sau một chuyến đi biển. Hỏi ở đây có trẻ em nào đi biển mưu sinh không, một người trong bàn nhậu vỗ đùi nói: “Có. Nhỏ Trường đó. Thằng bé nhỏ xíu luôn. Nhà ở P.Phú Hài lận. Không biết bữa nay nó đi biển vô chưa”. Tôi liền đến nhà Trường, rất may mắn, cậu bé đang chuẩn bị hành trang để đi biển.
Chú lính chì biển cả
Gặp Trường, đúng như những người dân chài nói: “Thằng bé nhỏ xíu luôn”. Năm nay Trường 12 tuổi, nhỏ như cái kẹo, nhưng lại giống “ông cụ non”. Gương mặt cậu rắn rỏi trông rất lì, nước da sạm nắng đen nhánh đặc trưng của dân chài và đặc biệt là mái tóc vàng hoe. Tôi hỏi: “Cháu nhuộm tóc à?”. Trường lắc đầu: “Không. Phơi nắng miết làm cháy tóc”.
Cha truyền con nối
Biết chuyện học có thể thay đổi cuộc đời, nhưng dân làm biển hầu hết không có tiền cho con ăn học tới nơi tới chốn nên con cái thường bỏ học giữa chừng. Con trai nghỉ học thì đi biển thôi chứ biết làm nghề gì. Nghề đi biển ở làng chài này là cha truyền con nối rồi. Tui sẽ huấn luyện cho thằng Trường làm nghề biển. Đến mười lăm, mười sáu tuổi nó có thể trở thành lao động chính trên ghe. Nó sẽ thay tôi kiếm tiền nuôi gia đình.   
Anh Võ Văn Tùng (cha Võ Ngọc Trường) 
Tôi ví Trường là “chú lính chì” biển cả, ông Nguyễn Văn Phương, hàng xóm của Trường, đắc ý cười khà khà: “Đúng y chang. Nhìn mặt thằng nhỏ thì biết. Hơn 10 tuổi mà ổng đi biển như đi chơi. Cừ hết biết luôn”.
Hôm nay “chú lính chì” cừ khôi nhất của làng chài Phan Thiết chuẩn bị lên tàu để lênh đênh trên biển cả tháng trời đánh bắt bạch tuộc. Trường chỉ vào đống vỏ ốc voi để ở hiên nhà, thuyết minh cho tôi cách bắt bạch tuộc. “Những con ốc này sẽ được cột dây thành giàn bẫy rồi thả xuống biển. Bạch tuộc sẽ chui vào đó ở rồi mình kéo lên ghe bắt thôi”. Theo Trường, bạch tuộc cũng biết chọn “nhà đẹp” nên vỏ ốc phải được cắt đít, cà miệng cho đẹp để dụ chúng.
Trước khi ra cảng đi biển, đúng “phong cách” ngư dân, Ngọc Trường bới một tô cơm to, ăn ào ào, uống ừng ực, rồi nhanh chóng xếp hành trang vào chiếc túi vải, trong đó chỉ có vài bộ đồ, áo mưa và chăn. “Mọi thứ có chủ ghe lo rồi. Chỉ mang theo chừng này đồ dùng cho mình để đi làm khoảng một tháng thì về”, Trường thổ lộ. Dường như biết được cậu chủ nhỏ sắp đi xa lâu ngày, chú chó bạn thân thiết của Trường cứ chồm lên cổ cậu bé kêu ư ử không muốn rời. “Thôi. Thả ra. Tao đi chớ mày”, Trường vỗ vào má chú chó nói. Chú chó sủa ăng ẳng, rồi lui vào một góc nằm buồn thiu khi cậu chủ khoác chiếc túi leo lên xe cho người nhà chở ra bến tàu.
Theo Trường ra bến cảng, tới nơi, tôi còn lần khần tìm cách leo từ hàng lan can bảo vệ bờ kè để xuống cái xuồng như chiếc lá tre nhằm ra ghe, thì Trường đã nhảy phóc lên đó từ lâu. Xuồng cập bến, thoắt cái cậu bé cũng tót lên ghe rồi. Nhìn trên ghe chưa có người nào, tôi hỏi sao chưa thấy ai cả, Trường trả lời: “Cháu ra trước, đốt lò nấu nước pha trà,
cà phê. Chút xíu nữa cha với mấy người khác mới ra”. Thì ra, đó là công việc đầu tiên của cậu bé trong hành trình đi biển. Trên một chuyến đi biển, Trường còn làm được rất nhiều việc. Nhờ đó, cậu kiếm được khá nhiều tiền mà có thể những ngư dân lớn tuổi cũng phải nể phục.
 
Trường chuẩn bị vỏ ốc voi để thay thế ốc bị hư trên giàn ốc bẫy bạch tuộc. ẢNH: QUANG VIÊN
Trường chuẩn bị vỏ ốc voi để thay thế ốc bị hư trên giàn ốc bẫy bạch tuộc. ẢNH: QUANG VIÊN
Thằng nhỏ tài lanh
Anh Võ Văn Tùng, cha của Trường, cho biết: “Nhà nghèo quá nên nó học tới lớp 3 phải nghỉ. Tui đi biển, bà xã đi làm thuê, để con ở nhà sợ hư nên cho nó đi biển luôn”. Dân đi biển gọi người lái tàu là tài công, nhưng ở làng chài nổi tiếng này, Ngọc Trường được mọi người đặt cho biệt danh thân thương “thằng nhỏ tài lanh”, vì cậu lanh thiệt.
Trường theo cha đi biển không phải để chơi mà trở thành một dân chài thực thụ. Cha con anh Tùng làm công trên một chiếc ghe nhỏ gồm 5 người. Từ tháng mười đến tháng giêng, ghe làm nghề lưới ghẹ, từ bờ phải chạy tầm 6 tiếng mới đến nơi đánh bắt. Mùa này, ghe đi thả vỏ ốc voi để đánh bắt bạch tuộc gần bờ hơn. Nhưng mỗi chuyến đi như vậy, Trường phải lênh đênh trên biển ngót cả tháng trời.
Với nghề bẫy bạch tuộc, trên ghe cậu bé được giao nhiệm vụ nấu cơm, bắt những con bạch tuộc đã chui vào vỏ ốc vừa kéo lên ghe cho vào thùng. “Nó không chỉ nấu cơm ngon mà làm chuyện gì cũng lanh. Thấy dây neo chưa thẳng nó nhảy xuống sửa liền”, anh Tùng chia sẻ. Đặc biệt, Trường trở thành người cảnh giới cho hàng chục ghe đánh bắt bạch tuộc khi có tàu giã cào xâm nhập vào địa phận đang bỏ giàn ốc voi dụ bạch tuộc. “Cháu thức để báo động cho khoảng 40 ghe bắt bạch tuộc. Khi có tàu giã xuất hiện gần, cháu la lên cho mọi người trong ghe mình biết và dùng bộ đàm báo cho những ghe xung quanh”, Trường nói.
 
Trường nhanh nhẹn bước xuống xuồng ra ghe. ẢNH: QUANG VIÊN
Trường nhanh nhẹn bước xuống xuồng ra ghe. ẢNH: QUANG VIÊN
Để hoàn thành nhiệm vụ cảnh giới vừa cho ghe nhà và cho những ghe khác, Trường phải tuân thủ rất nghiêm giờ giấc.
6 giờ sáng thức dậy pha trà cho các lao động trên ghe, rồi tiếp tục công việc thu gom bạch tuộc, cảnh giới cho đến 10 giờ tối thì đi ngủ. 2 giờ sáng dậy nấu cơm xong thì đi ngủ tiếp đến 6 giờ sáng. Trong ghe, sau một lèo đi biển, Trường được trả bằng nửa công người lớn. Nhưng thu nhập cố định một chuyến đi biển của Trường nhờ nhiệm vụ cảnh giới có khi hơn cả lao động chính. “Cháu được các ghe cho từ 100.000 đến 200.000 đồng một lèo”, Trường tiết lộ. “Số tiền đó cháu làm gì?”, tôi hỏi. Trường cho biết: “Cháu đưa hết cho mẹ. Khi nào cần thì xin thôi”.
Người ta ví nghề đi biển “hồn treo cột buồm”, nhưng khi tôi hỏi có sợ sóng to, gió lớn không thì cậu bé có gương mặt lầm lì này thản nhiên trả lời: “Lần đầu tiên đi cũng hơi sợ, chừ đi miết quen rồi”. Anh Tùng kể, có những chuyến đi biển, gặp bão cấp 7 cấp 8, nhưng chưa đánh bắt được nên liều mạng neo lại chờ bão đi qua để tiếp tục làm. Tuy vậy, “chú lính chì” vẫn can trường bám biển cùng cha. “Dân làm biển khổ lắm. Đi một chuyến phí tổn khá nhiều mà khi vô ghe không thì lấy gì ăn”, anh Tùng thổ lộ. Trường còn kể thêm, trong quá trình đi biển, cũng có khi bị cảm sốt giữa biển. Nhưng cậu uống thuốc cho đỡ để tiếp tục chuyến biển.
“Chưa bao giờ cháu mệt, cháu bệnh mà bắt chủ ghe về giữa chừng”, Trường tâm sự. Tôi cũng xuất thân là dân biển. Tuổi đôi mươi từng có một số lần đi biển đánh cá gần bờ. Chỉ một lần lênh đênh trên biển bị trận bão nhẹ đã tởn tới giờ. Vì thế, câu chuyện của “chú lính chì” này càng khiến tôi cảm phục.
(còn tiếp)
Theo Quang Viên (TNO)

Có thể bạn quan tâm