Tương lai giáo dục nhìn từ điểm trúng tuyển Sư phạm

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Rất nhiều trường Đại học đã xác lập kỷ lục điểm chuẩn tuyển sinh năm học 2017 thì hàng loạt trường Đại học Sư phạm (ĐHSP) có lịch sử hình thành và phát triển từ rất lâu đời chỉ đưa ra mức điểm chuẩn tương đương điểm sàn đã khiến nhiều người âu lo về tương lai giáo dục khi những sinh viên trúng tuyển đợt này chỉ 4 năm sau sẽ trở thành giáo viên.

Điểm chuẩn trúng tuyển vào ĐHSP Huế. Ảnh: Bùi Oanh
Điểm chuẩn trúng tuyển vào ĐHSP Huế.

Bộ Giáo dục-Đào tạo (GD-ĐT) đã chính thức có thông tin về tình hình xét tuyển sinh chính quy đại học, cao đẳng sư phạm (đợt I, năm 2017). Theo đó, từ công bố của các trường có thể thấy mức điểm trúng tuyển ở nhiều trường, đặc biệt là các trường Y Dược, Công an, Quân đội cao kỷ lục, tăng từ 1-3,5 điểm so với mùa tuyển sinh năm 2016. Thế nhưng, tại trường ĐHSP thuộc ĐH Thái Nguyên, trong số 14 ngành đào tạo sư phạm thì có 6 ngành lấy điểm bằng điểm sàn của Bộ GD-ĐT là 15,5 điểm. Đó là các ngành: Sư phạm toán, tin học, vật lý, hóa học, sinh học, âm nhạc. Một số ngành khác lấy nhỉnh hơn ở mức 16,5 điểm như sư phạm lịch sử, ngữ văn. Tương tự, tại ĐH Vinh, 6 ngành đào tạo sư phạm thì trừ ngành sư phạm tiểu học có mức điểm 22, tất cả các chuyên ngành còn lại đều lấy bằng điểm sàn của Bộ GD-ĐT.  Trường ĐH Hồng Đức cũng có mức điểm chuẩn đầu vào không khả quan hơn. Cụ thể 11 ngành sư phạm của trường này đều lấy mức điểm 15,5. Chưa dừng lại, Trường ĐHSP Hà Nội là trường đứng đấu về đào tạo sinh viên sư phạm của cả nước cũng có không ít ngành lấy mức điểm đầu vào khiêm tốn dưới 17,5 điểm như: Công tác xã hội, công nghệ thông tin, toán học, chính trị học, văn học, Việt Nam học... ĐH Sư phạm TP. Hồ Chí Minh cũng có nhiều ngành lấy điểm “cận sàn” như: Vật lý học, ngôn ngữ Pháp, ngôn ngữ Nga...

Tại Huế, sau khi điểm chuẩn trúng tuyển đợt I vào các ngành đào tạo của trường ĐHSP Huế năm học 2017 được công bố thì nhiều người đã không tránh khỏi giật mình. Đây còn là ngôi trường được xem là “cái nôi” cung cấp nguồn giáo viên cho các trường phổ thông tại các tỉnh, thành miền Trung- Tây Nguyên với lịch sử 60 năm hình thành và phát triển. Theo đó, điểm trúng tuyển vào ngành Toán với mã tổ hợp môn xét tuyển A00 và A01 chỉ lấy 16 điểm; Các ngành sư phạm Tin học, Vật lý, Hóa học và Sinh học lấy 12,75 điểm (nhân hệ số 2 môn chính và áp dụng theo cách tính xét tuyển của Bộ GD-ĐT-PV).


 

Thí sinh nộp hồ sơ xét tuyển vào Đại học Huế. Ảnh: Bùi Oanh
Thí sinh nộp hồ sơ xét tuyển vào Đại học Huế. Ảnh: Bùi Oanh

Thầy giáo Lê Bá Bảo đang dạy môn Toán tại Trường THPT Đặng Huy Trứ (Thừa Thiên-Huế) nhìn nhận, điểm đầu vào các ngành Toán - Lý - Hóa của Trường ĐHSP Huế năm 2017 thấp hơn điểm đầu vào năm 2016 từ 6 đến 10 điểm. “Không muốn hình dung ra là 4 năm nữa (những sinh viên trúng tuyển vào ĐHSP Huế tốt nghiệp ra trường-P.V), ai đó đảm bảo quý thầy cô này vững vàng để giúp học sinh thân yêu đây nữa!”, thầy Bảo nói. Tương tự, thầy giáo Nguyễn Văn Chinh (Trường THPT Hà Trung) cho rằng, trúng tuyển ngành Toán với điểm Toán chưa đạt 5 điểm tại kỳ thi đại trà mà sau này đi làm giáo viên dạy Toán cấp 3 thì hậu quả sẽ khôn lường. “Giáo dục là quốc sách hàng đầu. Song muốn đậu đại học nhưng không có ngành nào đậu ngoài sư phạm. Như vậy thì tạo ra một lứa giáo viên mới hỏi chất lượng như thế nào? Sản phẩm các học sinh tiếp theo của những giáo viên này sẽ ra sao?”, thầy Chinh cho biết thêm, xây dựng nền giáo dục tiên tiến thì quan trọng nhất là có được cái gốc-từ năng lực những người thầy quả là nan giải khi học sinh có lực học khá, giỏi, xuất sắc thường không chịu làm thầy.

Trong khi đó, thầy Văn Đức Trung (giảng viên Khoa Toán ĐHSP Huế) lo ngại: "Việc học sinh khá giỏi chuyển hướng sang Y, Dược và các ngành đảm bảo về đầu ra cũng là nguyên nhân. Chúng tôi đang lo ngại chất lượng các lớp Toán với điểm chuẩn đầu vào thế này?". Về nguyên nhân, đa số các em cho rằng nghề giáo cần phải nghiêm túc, gương mẫu, nên không hợp với tính cách. Số khác lại cho rằng, nghề giáo vất vả, gò bó, không được tự do mà thu nhập lại thấp. Cá biệt lắm mới có những em chọn theo học vì yêu thích, hoặc có cha mẹ đang là giáo viên nên khuyên con nối nghiệp. Cùng chung quan điểm, nhiều giáo viên khác tại Huế còn cho rằng, sứ mệnh đổi mới đào tạo sinh viên sư phạm ở các trường sư phạm và bồi dưỡng nâng chuẩn giáo viên phổ thông đang trở thành yêu cầu cấp thiết, không thể chậm trễ. Đến bao giờ Bộ GD-ĐT mới chú trọng chất lượng thay vì chạy theo số lượng và đào tạo quá dư thừa như hiện nay?

Đến năm 2020, dự kiến Việt Nam sẽ thừa khoảng 70.100 sinh viên sư phạm tốt nghiệp (41.000 giáo viên đối với cấp Tiểu học, 12.200 đối với cấp THCS và 16.900 đối với THPT). Điều này có nghĩa là họ sẽ khó có cơ hội làm nghề dạy học. Đó là thông tin được đưa ra tại Hội thảo khoa học Quốc gia đào tạo giáo viên tại các trường đại học đa ngành, đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục hiện nay vừa được tổ chức tại Hà Nội khiến dư luận không khỏi giật mình và đặt câu hỏi: Vì sao sinh viên sư phạm có việc làm ít, mà “đầu vào” lại vẫn tuyển ồ ạt như vậy? Thầy giáo Lê Bá Bảo nhìn nhận, khắc phục tình trạng thừa nhân lực ngành sư phạm, không còn cách nào khác là quy hoạch lại các trường sư phạm nằm trong tổng thể quy hoạch chung mạng lưới các cơ sở giáo dục đào tạo. Trong đó, chỉ giữ lại một số cơ sở đào tạo sư phạm đảm bảo chất lượng và phù hợp nhu cầu đào tạo. “Đất nước muốn đào tạo được nguồn nhân lực chất lượng cao thì phải có những thầy giỏi. Cần phải có chính sách thu hút học sinh giỏi “đầu quân” vào các trường sư phạm. Còn như hiện nay, việc cào bằng đầu tư miễn học phí cho tất cả sinh viên sẽ không hút được người giỏi, cũng không tạo động lực nâng chất lượng đào tạo của các trường sư phạm. Bên cạnh đó, cần tập trung quy hoạch lại hệ thống trường đào tạo sư phạm, tạo cơ chế để tăng cơ hội việc làm đối với sinh viên sư phạm khi tốt nghiệp”-thầy Bảo chia sẻ.

    Bùi Oanh

Có thể bạn quan tâm