Văn hóa

Cổ học tinh hoa

Tượng mồ trong tâm thức người Jrai

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Không gian, kiến trúc nhà mồ là nơi ghi dấu đậm nét nhất các giá trị văn hóa truyền thống của người Jrai ở Gia Lai. Qua hệ thống tượng mồ, nhân sinh quan của người Jrai được biểu đạt một cách phong phú, đa dạng dưới nhiều cấp độ khác nhau.
Nói đến tượng mồ, chúng ta không thể không nhắc đến lễ bỏ mả (pơ thi), là thời gian và không gian để tượng mồ biểu đạt những giá trị nhân sinh. Lễ bỏ mả luôn thu hút đông đảo mọi người tham dự, được xem là lễ hội mang đậm nét văn hóa dân gian, có quy mô lớn nhất, hấp dẫn nhất của người Jrai. Mang đậm triết lý nhân văn sâu sắc, lễ bỏ mả ghi dấu sự đoạn giao giữa người sống với người chết, thể hiện tình cảm thiêng liêng, giản dị của những người đang sống đối với những linh hồn ở thế giới bên kia, hàm chứa khát vọng nhân sinh muôn thuở của con người.
Người Jrai quan niệm rằng, chết không phải là hết mà về với “thế giới bên kia”, về với “ông bà, tổ tiên”. Chết chỉ là sự thay đổi trạng thái sống để rồi sẽ đầu thai thành kiếp khác. Con người chuyển từ trạng thái vật chất sang trạng thái siêu hình và sau một thời gian lại chuyển từ trạng thái siêu hình sang vật chất. Chính vì vậy, trong hệ thống tượng mồ có những lớp tượng thể hiện sự sinh-diệt như một vòng tròn bất tận. Theo nhà nghiên cứu Ngô Văn Doanh, lớp tượng đầu tiên tại khu nhà mồ biểu hiện ý niệm sinh thành, “là nhóm cổ nhất, gồm những tượng thể hiện sự tái sinh hay sự sinh thành ra cuộc đời mới”. Lớp tượng này bao gồm các loại: tượng người đàn bà khỏa thân khoe ngực trần, tượng nam nữ khoe sinh thực khí, tượng nam nữ giao hoan, tượng người đàn bà mang thai, tượng hài nhi, tượng người ôm mặt, chống cằm... Với biểu cảm khoáng đạt, tượng mồ biểu hiện cho chu kỳ sinh trưởng của vòng đời người, cuộc đời con người như một vòng tròn sinh-diệt tiếp biến. Không biết người đẽo tượng đã vô tình hay cố ý khi tạo ra những tác phẩm sinh động, chứa đựng hàm ý sâu sắc, phản ánh hiện thực cuộc sống cũng như những giá trị về mặt tâm linh. Nhưng dù vô tình hay cố ý thì chúng ta có thể thấy rằng, để làm được những bức tượng này, trong tâm thức của nghệ nhân luôn biểu hiện sự vận động không ngừng về tư duy, cảm quan về cuộc sống. Sự sinh sôi, nảy nở, sự già nua, lụi tàn như một vòng tròn bất tận, nó dường như biểu hiện cho mọi sự vật, hiện tượng hay cả quan niệm nhân sinh “có sinh, có diệt”. Nhưng sự sinh-diệt ở đây được nhìn nhận theo “tính mở” mang chiều hướng phát triển, tức là cái cũ mất đi, cái mới sinh ra sẽ thay thế và phát triển hơn.
Tượng nhà mồ của người Jrai. Ảnh: Đức Thụy
Con người là một thực thể trong tồn tại của xã hội, đời sống con người luôn đặt trong sự vận động nhất định. Lớp tượng kế tiếp bài trí tại khu nhà mồ là sự vận động của con người trong từng hoạt động cụ thể. Đó là lớp tượng miêu tả đời sống sinh hoạt trần thế. Lớp tượng này bao gồm: người mẹ địu con, cô gái giã gạo, chàng thanh niên đánh cồng chiêng, ông già hút thuốc… Nhìn một cách tổng thể thì đây là lớp tượng phong phú và đa dạng nhất, thể hiện gần như mọi hoạt động của con người trong đời sống hàng ngày. Hoạt động đó được các nghệ nhân tả thực một cách chi tiết, cặn kẽ và sinh động. Hay nói cách khác, thế giới con người được nghệ nhân biểu hiện một cách cụ thể và sinh động qua tượng mồ. Sự lung linh huyền diệu của lớp tượng này cũng chính là sự đa dạng về sắc màu trong đời sống của người Jrai. Vì vậy, khi chúng ta đứng trước không gian nhà mồ, dường như không thấy cái u ám, sợ sệt của khu vực mộ địa mà thay vào đó là cảm nhận về sự sống vừa cụ thể, vừa trừu tượng với những gam màu sống động trong sinh hoạt của cộng đồng cư dân nơi đây.
Cùng với những quan niệm về sinh-diệt, các hoạt động của con người, tượng mồ của người Jrai còn biểu đạt cho sự vật, muông thú, chim chóc trong tự nhiên cũng như trong cuộc sống. Lớp tượng này bao gồm: quả bầu, nồi đồng, chim, thú, ngà voi… Mặc dù chỉ mang tính chất điểm xuyết cho ngôi nhà mồ nhưng sự đa dạng về loại hình và phong cách thể hiện đã biểu đạt được quan niệm của con người về vạn vật, môi trường tự nhiên, xã hội và sự tương hỗ trong cuộc sống.
Với ngôn ngữ tạo hình vừa trừu tượng, vừa tả thực, tượng mồ cùng không gian, kiến trúc nhà mồ đã tạo nên một bức tranh sinh động, đa sắc màu trong đời sống. Tượng mồ nhìn bề ngoài trông thật đơn giản, dân dã, tưởng như không có gì quý nhưng lại hàm chứa những giá trị đáng chú ý, biểu hiện phong phú tâm hồn và nhân sinh quan sâu sắc của người Jrai. Theo phong tục của người Jrai thì tượng mồ làm ra để phục vụ cho lễ bỏ mả. Sau lễ bỏ mả, ngôi nhà mồ cùng toàn bộ hệ thống tượng mồ cũng bỏ luôn và mất dần theo năm tháng. Tuy nhiên, với những giá trị mang triết lý nhân sinh, tượng mồ vẫn tiếp biến trong ý thức hệ của con người nơi đây. Việc các bức tượng biến mất chỉ là sự mất đi của những thực thể đơn thuần, còn những giá trị cốt lõi mà nó mang lại thì dường như trường tồn bất biến như chính sức sống của người Jrai.
XUÂN TOẢN

Có thể bạn quan tâm