Phóng sự - Ký sự

Tướng Út với phố núi Pleiku

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Đó là Trung tướng Nguyễn Thành Út-nguyên Phó Tư lệnh Chính trị Quân khu 5. Tháng 8-2006, sau khi nghỉ hưu theo chế độ, ông tự nguyện trả lại căn nhà công vụ ở TP. Đà Nẵng, không về quê hương Phú Yên mà đưa cả gia đình lên sinh sống ở Pleiku (tỉnh Gia Lai).

Từ thanh niên “nhảy núi” thành Trung tướng

Một ngày cuối năm, khi Phố núi còn la đà màn trời trắng đục, se lạnh, chúng tôi lên xe thẳng đến ngôi nhà của Trung tướng Nguyễn Thành Út (số 74 Trường Sơn, phường Yên Thế, TP. Pleiku) theo lời hẹn uống cà phê với ông.

Dù đã bước sang tuổi 82 nhưng mỗi ngày, Tướng Út (cách gọi thân mật) vẫn dành thời gian đọc báo, xem truyền hình theo dõi thời sự, vui chơi cùng con cháu. Ông còn tranh thủ cùng vợ chăm sóc vườn cây ăn quả, trồng thêm nhiều giống hoa trước nhà, kể cả những giò lan đẹp nhưng rất khó tính.

Trung tướng Nguyễn Thành Út luôn nâng niu, giữ gìn những kỷ vật có hình ảnh Bác Hồ. Ảnh: L.Q.H

Trung tướng Nguyễn Thành Út luôn nâng niu, giữ gìn những kỷ vật có hình ảnh Bác Hồ. Ảnh: L.Q.H

Nhắc nhớ chuyện cũ, Trung tướng Nguyễn Thành Út kể: Ông sinh năm 1942 tại thôn Bàn Nham, xã Hòa Xuân Đông, huyện Đông Hòa, tỉnh Phú Yên. Khi đang học đệ tứ thì phải bỏ học giữa chừng. Năm lên 18 tuổi, ông khoác ba lô “nhảy núi” theo bộ đội. Những năm chống Mỹ, ông trải qua nhiều vị trí công tác, từ làm công vụ cho Tỉnh đội trưởng đến chiến sĩ đặc công rồi lần lượt được điều về Sư đoàn 2, Quân đoàn 3, Quân đoàn 4, Quân khu 7.

“Sau khi giải phóng miền Nam, cứ tưởng hòa bình rồi được về với gia đình, quê hương nhưng tiếng súng lại vang lên trên vùng biên giới Tây Nam của Tổ quốc. Tôi lại cùng đồng đội sang tận Campuchia làm nghĩa vụ quốc tế cao cả, giúp nước bạn khỏi họa diệt chủng của Khmer đỏ. Đến năm 1990, từ Quân khu 7, tôi được Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam điều về làm Phó Chủ nhiệm Chính trị, rồi Chủ nhiệm Chính trị, Phó Tư lệnh Chính trị-Bí thư Đảng ủy Quân khu 5”-Trung tướng Nguyễn Thành Út hồi nhớ.

Nhấp ngụm trà nóng, khóe mắt ông bỗng đo đỏ, giật nhẹ. Chắc Tướng Út đang rất xúc động khi nhớ về những kỷ niệm một thời trận mạc. Rồi ông trải lòng: “Thời điểm những năm 60-70, chiến trường rất khốc liệt. Với cái tầm giác ngộ, hiểu biết của một thanh niên tuổi mới mười tám đôi mươi, nếu không phải sinh ra trong gia đình cách mạng có khi tư tưởng tôi cũng dao động vì rất nhớ nhà, nhớ người thân. Nhưng cuối cùng, tôi đã trụ vững. Trước khi trở thành tướng lĩnh trong quân đội, tôi đã từng là “một chiến sĩ lâu năm”. Đây chính là khoảng thời gian đủ để tôi thấu hiểu và dành trọn tình thương của mình cho chiến sĩ. Vì vậy, dù ở vị trí nào, người chỉ huy cấp nào, kể cả lúc đảm nhận chức Phó Tư lệnh Chính trị Quân khu 5, tôi vẫn luôn đề cao và quý trọng người chiến sĩ”.

Chọn Phố núi để quay về

Tháng 8-2006, sau khi được nghỉ hưu theo chế độ, Trung tướng Nguyễn Thành Út quyết định đưa cả gia đình lên Phố núi sinh sống. Khi biết quyết định của ông, bạn bè, người thân đã kịch liệt phản đối, thậm chí còn nói ông “gàn dở”. Họ đặt câu hỏi: “Tại sao không ở Đà Nẵng, một thành phố đáng sống? Hay trở về quê hương Phú Yên, thành phố biển trong lành, có bà con dòng họ thân thuộc với bao kỷ niệm”. Nhưng vợ ông, bà Lê Thị Hiền Linh, lại rất ủng hộ chồng với quan niệm: “Cái gì mình không thay đổi được thì phải theo quy luật của tạo hóa, của thiên nhiên, còn cái gì thay đổi được thì thay đổi”.

Một trong những điều mà Tướng Út cho rằng không thể thay đổi được là khí hậu. “Tôi đã đi một số nước trên thế giới và rất nhiều tỉnh, thành phố trong cả nước nhưng thấy không đâu bằng phố núi Pleiku. Đất đai ở đây màu mỡ, khí hậu tốt, 1 ngày có 4 mùa: sáng mùa xuân, trưa mùa hè, chiều mùa thu và tối mùa đông. Mùa hè không nóng, mùa đông không lạnh, rất tốt cho sức khỏe tuổi già”-Tướng Út nói về lý do chọn Pleiku để gắn bó những năm cuối đời.

Niềm vui thường ngày của vơ chống tướng Út. Ảnh: Lê Quang Hồi

Niềm vui thường ngày của vơ chống tướng Út. Ảnh: Lê Quang Hồi

Một lý do khác kết níu chân ông, ấy là khu vực nhà ông có nhiều gia đình cũng là bộ đội trở về sinh sống. Đặc biệt, trở lại đây sinh sống là được trở về với đại ngàn Tây Nguyên hùng vĩ, về với đồng bào các dân tộc một thời đã giúp đỡ, cưu mang “Bộ đội Cụ Hồ” nói chung, các đơn vị của Quân đoàn 3, Quân khu 5 nói riêng, trong đó có ông vượt qua gian khó để chiến thắng kẻ thù.

Đến đây, Tướng Út hạ giọng trong xúc động: “Chiến tranh đã đi qua, tôi còn sống được đến bây giờ đã là quá may mắn. Những cán bộ, chiến sĩ anh dũng xông pha giữa trận mạc chi chít bom đạn khốc liệt của kẻ thù, hoàn thành nhiệm vụ, họ lại trở về quê hương với chiếc ba lô con cóc và con búp bê làm quà tặng cho con cháu cùng với những ký ức không thể quên về bao đồng đội đã mãi mãi đi xa sau những trận đánh giữa rừng già.

Không ít người trong số đồng đội tôi bị bệnh tật dày vò do di chứng của chất độc hóa học, do những mảnh đạn bom còn nằm trong cơ thể nhưng ngày ngày vẫn phải vật lộn với cuộc sống để lo miếng cơm manh áo nuôi gia đình. Có những người mẹ đã hiến dâng chồng con mình cho đất nước và họ đã hy sinh những gì quý giá nhất của bản thân để cho thế hệ trẻ được hạnh phúc vẹn toàn. Nhiều gia đình bà con dân tộc thiểu số ở Gia Lai, Tây Nguyên đã nhịn ăn, nhịn uống để hỗ trợ gạo, muối, nước cho bộ đội huấn luyện, chiến đấu.

Thời gian trôi qua đã làm thay đổi nhiều thứ, nhưng có một thứ chắc chắn vẫn còn nguyên vẹn trong tôi, trong đồng đội tôi, đó là nghĩa tình, là ký ức về những cán bộ, chiến sĩ một thời cùng nhau sống chết, về những người dân không sợ hiểm nguy mà bao bọc, cưu mang che chở. Ngọn lửa nghĩa tình ấy đã thôi thúc tôi trở lại với Tây Nguyên, trở lại với phố núi Pleiku, với đồng đội và bà con thân thuộc”.

Có thể bạn quan tâm