Tuyên truyền Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh Gia Lai

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Ngày 27-10, Sở Thông tin và Truyền thông ban hành Kế hoạch số 119/KH-STTTT về tuyên truyền Chương trình mục tiêu quốc gia (MTQG) xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh Gia Lai giai đoạn 2021-2025.
Mục đích của Kế hoạch là thông tin, tuyên truyền nâng cao nhận thức của cán bộ, đảng viên và toàn thể nhân dân trên địa bàn tỉnh về mục đích, ý nghĩa, tầm quan trọng của Chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới mới giai đoạn 2021-2025, góp phần chuyển đổi tư duy, nâng cao nhận thức và cải thiện năng lực cho cán bộ, đảng viên và cộng đồng dân cư trong xây dựng nông thôn mới; huy động sự tham gia của các tổ chức, đoàn thể và các doanh nghiệp, tạo sự đồng lòng cùng chung sức xây dựng nông thôn. Phát huy những kết quả đạt được, bài học kinh nghiệm, cách làm hay, sáng tạo, những điển hình tiên tiến trong xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh.
Qua đó, kêu gọi, huy động sự vào cuộc tích cực của các cấp, các ngành, các cơ quan, tổ chức, cá nhân cùng chung tay xây dựng nông thôn mới với nhiều hình thức, cách tiếp cận, tạo ra sự đồng thuận của cả hệ thống chính trị và các tầng lớp nhân dân. Phát huy vai trò chủ thể của người dân trong việc chủ động, tích cực tham gia Chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới với phương châm “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra và dân thụ hưởng”.
Đường giao thông nông thôn được bê tông hóa. Ảnh: Gia Hưng
Đường giao thông nông thôn được bê tông hóa. Ảnh: Gia Hưng
Đẩy mạnh công tác tuyên truyền các sản phẩm đặc trưng của địa phương, nhất là các sản phẩm đạt sao OCOP của tỉnh đến người dân trong và ngoài tỉnh để phát triển thị trường, góp phần phát triển kinh tế nông thôn của địa phương.
Kế hoạch đặt ra yêu cầu là hoạt động thông tin, tuyên truyền phải bám sát đường lối, chủ trương, định hướng của Đảng, chính sách của Nhà nước về công tác xây dựng nông thôn mới và nội dung Chương trình MTQG với các hình thức đa dạng, thiết thực, hiệu quả, phù hợp và huy động được nhiều lực lượng tham gia tuyên truyền.
Công tác thông tin, tuyên truyền cần được triển khai thường xuyên, kịp thời, chính xác, có trọng tâm, trọng điểm; nội dung, hình thức truyền thông phù hợp với phong tục, tập quán của địa phương, đáp ứng nhu cầu của cộng đồng xã hội. Đa dạng hóa hình thức, phương tiện truyền thông, thực hiện chuyển đổi số trong thông tin cơ sở theo yêu cầu của Chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2022-2025.
Bên cạnh đó, truyền thông các hoạt động của Chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025 phải lồng ghép với Chương trình MTQG Phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi (ĐBDTTS và MN) giai đoạn 2021-2030, giai đoạn I: từ năm 2021 đến năm 2025 và Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025.
Về nội dung và hình thức, tập trung tuyên truyền về những mục tiêu, nhiệm vụ trọng tâm của Chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025 và các chương trình chuyên đề cụ thể hóa Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Gia Lai lần thứ XVI nhiệm kỳ 2020-2025
Phổ biến logo, biểu trưng, thông điệp, khẩu hiệu của Chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới và Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP) đến toàn thể cán bộ, Nhân dân trên địa bàn tỉnh biết, nhận diện và sử dụng đúng, hiệu quả trong các hoạt động truyền thông
Tuyên truyền những cách làm hay, sáng tạo, vượt khó mang lại hiệu quả cao, có giải pháp hiệu quả trong huy động nguồn lực ngoài ngân sách vào xây dựng nông thôn mới; phương pháp, cách làm để duy trì và nâng cao chất lượng các tiêu chí nông thôn mới; những tập thể, cá nhân, nhà khoa học, doanh nhân... có nhiều đóng góp trong xây dựng nông thôn mới; chia sẻ bài học kinh nghiệm từ những nhà nông thành đạt tại địa phương; cách triển khai chương trình đem lại hiệu quả cao, bền vững.
Gia Lai hiện có 42 sản phẩm đạt chứng nhận OCOP cấp tỉnh. Ảnh: Nguyễn Diệp
Sản phẩm đạt chứng nhận OCOP cấp tỉnh. Ảnh: Nguyễn Diệp
Hình thức tuyên truyền là trên các loại báo in, báo điện tử, báo nói, báo hình của các cơ quan truyền thông, báo chí; trên mạng xã hội và internet; trên các phương tiện thông tin cổ động, các bảng điện tử công cộng. Truyền thông ở cơ sở thông qua các chương trình phát thanh trên hệ thống truyền thanh-truyền hình cấp huyện và đài truyền thanh cấp xã; trang thông tin điện tử của UBND cấp huyện và trang thông tin điện tử thành phần cấp xã; thông qua các bảng tin công cộng, bảng tin điện tử nơi tụ điểm sinh hoạt văn hóa, sinh hoạt cộng đồng của người dân. Ưu tiên tuyên truyền bằng tiếng nói, chữ viết của đồng bào dân tộc thiểu số phù hợp với địa bàn dân cư.
Sở Thông tin và Truyền thông thực hiện việc hướng dẫn, chỉ đạo các cơ quan thông tấn, báo chí trên địa bàn tỉnh và hệ thống thông tin cơ sở thông tin, tuyên truyền về Chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới và Chương trình OCOP bằng nhiều hình thức, với nội dung phong phú, phù hợp; Theo dõi, kiểm tra việc triển khai tuyên truyền của các cơ quan báo chí địa phương, trung ương, ngành và các tỉnh thành khác đặt văn phòng đại diện, cử phóng viên thường trú trên địa bàn tỉnh, Trung tâm Văn hóa, Thông tin và Thể thao các huyện, thị xã, thành phố thuộc tỉnh.
Sở Thông tin và Truyền thông đề nghị UBND huyện, thị xã, thành phố chỉ đạo các đơn vị trực thuộc đẩy mạnh thông tin, tuyên truyền về Chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới và Chương trình OCOP trên trang thông tin điện tử cấp huyện và trang thông tin điện tử thành phần cấp xã; trên hệ thống thông tin cơ sở tại địa phương; chú trọng phát huy hệ thống loa truyền thanh cơ sở ở khu dân cư với ngôn ngữ phù hợp, thời gian hợp lý để truyền tải được đến đông đảo nhân dân tại địa phương. 
Trong đó, 100% các huyện, thị xã, thành phố thường xuyên cập nhật thông tin, kết quả, tiếp nhận và giải đáp kịp thời những phản hồi về xây dựng nông thôn mới và Chương trình OCOP trên trang thông tin điện tử của địa phương. 100% các địa phương, cơ sở sử dụng đúng, hiệu quả logo nông thôn mới và logo OCOP trong các hoạt động truyền thông. Trên 80% các xã (có đài truyền thanh cơ sở) có ít nhất 1 chương trình phát thanh/tuần về xây dựng nông thôn mới trên đài truyền thanh xã.
Trên cơ sở Kế hoạch này, chỉ đạo Trung tâm Văn hóa, Thông tin và Thể thao nghiên cứu, xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện và bố trí thời lượng phù hợp các nội dung liên quan đến Chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới. Thực hiện thu, phát sóng đầy đủ các chương trình của các Đài Trung ương và Đài Phát thanh-Truyền hình Gia Lai liên quan đến Chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới và Chương trình OCOP trên sóng phát thanh địa phương.
Cơ quan báo chí địa phương chủ động nghiên cứu xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện nội dung nêu trên cho cả giai đoạn 2021-2025. Trong đó, nghiên cứu tăng cường số lượng, nâng cao chất lượng tin bài, phóng sự liên quan đến công tác triển khai và kết quả thực hiện Chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới và Chương trình OCOP tại địa phương; Lồng ghép truyền thông với Chương trình MTQG Phát triển kinh tế-xã hội vùng ĐBDTTS và MN giai đoạn 2021-2030, giai đoạn I: từ năm 2021 đến năm 2025 và Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025 và các chương trình, đề án đang được thực hiện trên địa bàn tỉnh Gia Lai.
LỆ HẰNG

Có thể bạn quan tâm