Kinh tế

Nông nghiệp

Ứng dụng khoa học công nghệ nâng cao hiệu quả sản xuất nông nghiệp

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Những năm qua, việc ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ vào sản xuất được Trung tâm Khuyến nông tỉnh Gia Lai chú trọng triển khai. Qua đó, nhiều mô hình mang lại hiệu quả kinh tế thiết thực, được nông dân áp dụng vào sản xuất đại trà, góp phần nâng cao năng suất và giá trị trên một đơn vị diện tích.

Chuyển giao tiến bộ kỹ thuật

Tại các huyện, thị xã phía Đông, từ năm 2018, Trung tâm Khuyến nông tỉnh đã triển khai Dự án phát triển thị trường công nghệ tưới tiết kiệm nước trên diện tích rau màu. Sau gần 3 năm thực hiện, hàng ngàn hộ dân đã tiếp cận với công nghệ này và đưa vào sản xuất rau màu mang lại hiệu quả kinh tế cao.

Mô hình trồng rau ứng dụng công nghệ cao tại phường Hoa Lư (TP. Pleiku) mang lại hiệu quả vượt trội. Ảnh: Đức Thụy


Ban đầu, ông Đinh Văn Nhoắc (làng Jro Ktu Đak Yang, xã Yang Bắc, huyện Đak Pơ) chỉ tham gia lắp đặt hệ thống tưới nước tiết kiệm cho 1,5 sào rau màu của gia đình. Nhận thấy hiệu quả của mô hình, đến nay, ông đã đầu tư lắp đặt hệ thống này cho 5 sào rau màu. Ông phấn khởi nói: “Từ khi tôi áp dụng công nghệ tưới tiết kiệm nước thì năng suất, hiệu quả kinh tế tăng đáng kể. Công nghệ này không những tiết kiệm được nguồn nước tưới mà còn giảm lượng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, nhất là công chăm sóc”.

Ông Phan Văn Hoàn-Giám đốc Hợp tác xã (HTX) sản xuất kinh doanh và dịch vụ nông nghiệp Tâm Thành (xã Ia Hrung, huyện Ia Grai) cho hay: Trước đây, người dân sản xuất cà phê nhỏ lẻ, theo phương thức truyền thống nên năng suất, chất lượng không cao. Năm 2016, 157 thành viên của HTX được Trung tâm Khuyến nông tỉnh tập huấn chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất cà phê theo tiêu chuẩn 4C. Cùng với đó, HTX liên kết sản xuất 320 ha cà phê với các doanh nghiệp bao tiêu sản phẩm giá cao nên thu nhập của các thành viên từng bước được nâng lên. Mỗi năm, HTX cung cấp khoảng 1.000 tấn cà phê sạch theo tiêu chuẩn 4C cho các doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh.

Nhiều mô hình sản xuất cà phê sạch đang được nhân rộng. Ảnh: Nguyễn Quang


Khi tham gia mô hình liên kết sản xuất hồ tiêu an toàn, ông Nguyễn Văn Tỷ (thôn 1, xã Hải Yang, huyện Đak Đoa) được tập huấn kỹ thuật sản xuất hồ tiêu theo hướng VietGAP. Nhờ đó, vườn hồ tiêu sinh trưởng, phát triển tốt, ít bị sâu bệnh, cho năng suất ổn định.

Theo Trung tâm Khuyến nông tỉnh, giai đoạn 2010-2020, đơn vị phối hợp với các địa phương triển khai xây dựng các mô hình điểm chuyển giao tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất. Từ đó, nhiều mô hình đã được người dân áp vào sản xuất đại trà mang lại hiệu quả kinh tế cao. Bên cạnh trồng trọt, các mô hình nuôi trồng thủy sản, chăn nuôi cũng được triển khai ở nhiều địa phương.

Hướng đến phát triển bền vững

Bà Trương Thị Thiên Lý-Phó Giám đốc Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Đak Pơ-cho hay: Những năm qua, huyện luôn quan tâm đầu tư xây dựng các mô hình ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất. Đặc biệt, Dự án phát triển thị trường công nghệ tưới tiết kiệm nước đã phát huy hiệu quả rất tốt. Đến nay, Dự án đã xây dựng 235 mô hình hỗ trợ cho các hộ nghèo và cận nghèo áp dụng phù hợp với từng loại cây trồng. Bên cạnh đó, những hộ nghèo và cận nghèo được tập huấn kỹ thuật chuyển đổi cây trồng góp phần nâng cao thu nhập, giảm nghèo bền vững.

Nhiều mô hình chăn nuôi theo hướng công nghiệp được nông dân áp dụng. Ảnh: Đức Thụy
Giai đoạn 2010-2020, Trung tâm Khuyến nông tỉnh đã xây dựng hơn 58 mô hình khuyến nông trong các lĩnh vực: trồng trọt và bảo vệ thực vật, chăn nuôi, thủy sản, lâm nghiệp, cây dược liệu, cơ giới hóa, tưới nước tiên tiến tiết kiệm cho cây trồng và ứng dụng hầm biogas trong chăn nuôi… với tổng kinh phí hơn 30 tỷ đồng.

“Thời gian tới, chúng tôi tiếp tục tuyên truyền, vận động người dân đẩy mạnh ứng dụng các tiến bộ của khoa học kỹ thuật vào sản xuất nhằm nâng cao hiệu quả kinh tế trên một đơn vị diện tích. Đặc biệt, chúng tôi chú trọng nhân rộng mô hình có hiệu quả, phù hợp với điều kiện phát triển của địa phương. Đồng thời, tranh thủ nguồn vốn sự nghiệp để tiếp tục xây dựng mô hình ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất điểm tại các vùng khó khăn, nhất là vùng dân tộc thiểu số”-Phó Giám đốc Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Đak Pơ cho biết.

Mô hình trồng dưa lưới trong nhà màng của Hợp tác xã Nông nghiệp Tú An 1 (thị xã An Khê). Ảnh: Nguyễn Diệp



Trao đổi với P.V, ông Trịnh Quốc Việt-Giám đốc Trung tâm Khuyến nông tỉnh-thông tin: Sau khi tham gia các lớp tập huấn, người dân đã từng bước thay đổi quy trình sản xuất nông nghiệp theo các tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP, Organic, 4C, UTZ hay sản xuất ứng dụng công nghệ cao. Đến cuối năm 2020, toàn tỉnh đã có hơn 186 ngàn ha cây trồng sản xuất theo tiêu chuẩn có chứng nhận; có hơn 28 ngàn ha cây trồng được áp dụng hệ thống tưới nước tiết kiệm... Hầu hết sản phẩm nông nghiệp được các doanh nghiệp, HTX, hộ dân ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất để có sản phẩm OCOP; nhiều giống cây trồng, vật nuôi mới được đưa vào sản xuất thay dần các giống cũ có năng suất và chất lượng thấp.

Giám đốc Trung tâm Khuyến nông tỉnh thông tin thêm, UBND tỉnh vừa phê duyệt Chương trình khuyến nông giai đoạn 2021-2025. Trong đó, tập trung các chương trình lớn như sản xuất rau chất lượng cao; trồng cây ăn quả chất lượng cao phục vụ chế biến và xuất khẩu; phát triển cây dược liệu; chuyển đổi cây trồng trên các vùng thường xuyên bị hạn; cơ giới hóa trong sản xuất; phát triển thịt bò chất lượng cao; xây dựng mô hình cộng đồng làm du lịch sinh thái nông nghiệp; các loại vật nuôi bản địa đặc sản, nuôi cá lồng bè… Đây sẽ là cơ hội chuyển giao ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất mang lại hiệu quả kinh tế cao cho nông dân, từng bước hướng đến nền sản xuất nông nghiệp bền vững.

 

 NGUYỄN DIỆP - NGUYỄN QUANG

Có thể bạn quan tâm