Chính trị

Tin tức

Xây dựng Đảng

Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Gia Lai: 90 năm xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- 90 năm qua, Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Gia Lai tích cực xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân, triển khai hiệu quả các cuộc vận động, phong trào thi đua, tham gia xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền, tăng cường hoạt động giám sát, phản biện xã hội, góp phần quan trọng vào xây dựng cuộc sống ấm no, hạnh phúc của nhân dân.
 

Tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân

Ông Hồ Văn Điềm-Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh-cho biết: Những năm qua, Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh đã phối hợp chặt chẽ với các cơ quan Đảng, Nhà nước, thống nhất hành động với các tổ chức thành viên đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động, tập hợp mọi tầng lớp nhân dân bằng nhiều hình thức đa dạng từ tỉnh đến cơ sở, khu dân cư, từng nhóm người, tạo sự đồng thuận trong nhân dân. Qua đó, giúp nhân dân nhận thức rõ hơn về lợi ích của sức mạnh khối đại đoàn kết, quyền lợi gắn liền với nghĩa vụ của cá nhân phù hợp với lợi ích của cộng đồng, địa phương.


 

Đồng chí Hồ Văn Niên (bìa phải)-Ủy viên dự khuyết Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh tặng quà cho bà con làng Tul Đoa, xã Đak Sơ Mei, huyện Đak Đoa tại Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc. Ảnh: Đức Thụy

Bên cạnh đó, Mặt trận đã phối hợp với Đoàn đại biểu Quốc hội, Thường trực HĐND các cấp tổ chức hội nghị tiếp xúc cử tri của đại biểu dân cử; tham gia đóng góp ý kiến vào dự thảo Nghị định quy định về chính sách đối với lao động nữ, dự thảo Đề án cuộc vận động toàn dân tham gia phòng-chống tham nhũng, dự thảo về phương áp sắp xếp nhà ở cũ thuộc sở hữu nhà nước trên địa bàn tỉnh... Công tác phối hợp giữa Mặt trận với các cơ quan nhà nước cùng cấp ngày càng chặt chẽ và hiệu quả, tạo điều kiện thuận lợi để Mặt trận triển khai các nhiệm vụ.

“Qua đó, Mặt trận các cấp đã thể hiện rõ vai trò, trách nhiệm trong việc đại diện, bảo vệ lợi ích chính đáng của nhân dân, góp phần tăng cường lòng tin của nhân dân với Đảng, nhà nước”-Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh nhấn mạnh.

Từ năm 2015 đến nay, Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh đã triển khai hiệu quả các phong trào thi đua yêu nước và các cuộc vận động, nhất là cuộc vận động “Làm thay đổi nếp nghĩ, cách làm trong đồng bào dân tộc thiểu số để từng bước vươn lên thoát nghèo bền vững”. Mặt trận các cấp đã vận động nhân dân tham gia đóng góp 336,5 tỷ đồng, hiến tặng hơn 112.000 m2 đất, đóng góp hơn 26.200 ngày công lao động để xây dựng nông thôn mới; vận động ủng hộ xây dựng quỹ “Vì người nghèo” trên 41 tỷ đồng; xây dựng mới 172 căn “Nhà tình nghĩa”; vận động xã hội hóa hỗ trợ xây mới, sửa chữa 1.248 nhà ở cho gia đình người có công cách mạng còn khó khăn về nhà ở, trao tặng 70 sổ tiết kiệm... với tổng kinh phí trên 70 tỷ đồng, góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo của tỉnh dự kiến đến cuối năm 2020 xuống còn 4,5%...

Những đóng góp của mặt trận các cấp thời gian qua đã góp phần cùng Đảng bộ và nhân dân các dân tộc trong tỉnh thực hiện hiệu quả khối đại đoàn kết toàn dân, thực hiện thắng lợi nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội, đảm bảo quốc phòng-an ninh, xây dựng Đảng và hệ thống chính trị vững mạnh.

Phát huy vai trò giám sát, phản biện

Bên cạnh đó, Mặt trận các cấp triển khai có hiệu quả hoạt động giám sát, phản biện xã hội. Ông Nguyễn Hồng Thái-Trưởng ban Dân chủ pháp luật (Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh) cho hay: Công tác giám sát, phản biện xã hội của Mặt trận đã trở thành hoạt động thường xuyên, trọng tâm, có tác động tích cực đến sự phát triển kinh tế-xã hội và đảm bảo quốc phòng-an ninh của tỉnh. Đây là phương thức hiệu quả phát huy quyền làm chủ của nhân dân, góp phần xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền các cấp trong tỉnh vững mạnh.

Ông Hồ Văn Điềm-Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh tặng quà cho các gia đình khó khăn của làng Kon Măh (xã Hà Tây, huyện Chư Păh). Ảnh: Phương Linh


Hàng năm, Mặt trận cấp tỉnh đã chủ trì, phối hợp với các tổ chức thành viên, cơ quan, ban, ngành giám sát 40 nội dung với gần 300 cuộc giám sát chuyên đề và đột xuất. “Qua giám sát đã phát hiện nhiều nội dung, vụ việc và những hạn chế của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức. Nhiều ý kiến, kiến nghị sau giám sát được chính quyền các cấp tiếp thu, phản hồi, giải quyết có tình có lý và kịp thời, góp phần bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của nhân dân; hạn chế tình trạng khiếu nại, tố cáo; củng cố niềm tin, tạo sự đồng thuận trong nhân dân...”-ông Nguyễn Hồng Thái cho hay.

Cùng với hoạt động giám sát, việc tổ chức hoạt động phản biện xã hội được Mặt trận các cấp quan tâm thực hiện. Về nội dung này, ông Nguyễn Thanh Bình-Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam TP. Pleiku-thông tin: 5 năm qua, Mặt trận thành phố đã tổ chức 25 hội nghị phản biện xã hội. Các ý kiến phản biện, góp ý của MTTQ thành phố được các cơ quan soạn thảo đánh giá cao, trở thành cơ sở khoa học và thực tiễn để các cơ quan tiếp thu, nghiên cứu và ứng dụng trong các đề án phát triển kinh tế-xã hội phục vụ đời sống nhân dân thành phố.

Trao đổi với P.V, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh cho biết thêm: Thông qua quá trình tham gia giám sát, phản biện, người dân đã thực hiện quyền làm chủ của mình. Bên cạnh đó, hoạt động của Ban Thanh tra Nhân dân; Ban Giám sát đầu tư công ở xã, phường, thị trấn đã góp phần hạn chế những tiêu cực ở cơ sở liên quan đến công tác quản lý nhà nước trên các lĩnh vực như: đất đai, giao thông, thu-chi các nguồn quỹ vận động trong dân, thực hiện chế độ, chính sách đối với các đối tượng được hưởng ưu đãi của Nhà nước…

 ĐINH YẾN

Có thể bạn quan tâm