Chính trị

Quốc phòng - An ninh

Gia Lai

Ủy ban nhân dân tỉnh Gia Lai triển khai nhiệm vụ năm 2023

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Sáng 5-1, UBND tỉnh Gia Lai tổ chức hội nghị tổng kết công tác năm 2022 và triển khai nhiệm vụ, kế hoạch năm 2023. Hội nghị diễn ra dưới hình thức trực tiếp kết nối trực tuyến đến 17 điểm cầu tại các địa phương trong tỉnh.

Chủ trì hội nghị tại điểm cầu UBND tỉnh có Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Trương Hải Long và các Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh: Nguyễn Thị Thanh Lịch, Nguyễn Hữu Quế. Tham dự hội nghị có đại diện lãnh đạo Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh, các sở, ban, ngành, cơ quan, đơn vị của tỉnh.

Theo báo cáo tại hội nghị, trong năm 2022, mặc dù tiếp tục chịu ảnh hưởng của dịch Covid-19 và đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức, song dưới sự chỉ đạo, điều hành quyết liệt, thống nhất của UBND tỉnh với phương châm “4 ổn định, 3 tăng cường, 2 đẩy mạnh, 1 tiết giảm, 1 kiên quyết không”, Gia Lai đã cơ bản thực hiện tốt việc phòng-chống dịch và kế hoạch phục hồi, phát triển kinh tế-xã hội; 19/21 chỉ tiêu chủ yếu mà Nghị quyết HĐND tỉnh đề ra đạt và vượt so với kế hoạch.

Quang cảnh hội nghị tại điểm cầu UBND tỉnh. Ảnh: Mộc Trà

Theo đó, tổng sản phẩm trong tỉnh (GRDP) năm 2022 tăng 9,27% so với năm 2021; cơ cấu kinh tế chuyển dịch phù hợp. GRDP bình quân đầu người đạt 60,45 triệu đồng. Giá trị sản xuất nông-lâm nghiệp, thủy sản ước đạt 33.823,3 tỷ đồng (tăng 6,67%so với năm 2021). Trong năm, toàn tỉnh gieo trồng 562.759 ha cây trồng các loại (tăng 2,77%); chuyển đổi 614,45 ha đất lúa và 2.330 ha cây trồng kém hiệu quả sang trồng các loại cây có giá trị kinh tế, thích ứng với điều kiện biến đổi khí hậu, phù hợp với nhu cầu của thị trường. Chăn nuôi gia súc, gia cầm phát triển mạnh theo hướng trang trại, ứng dụng tiến bộ kỹ thuật về giống, thức ăn, quy trình nuôi dưỡng. Đến nay, toàn tỉnh có 200 dự án chăn nuôi được các nhà đầu tư quan tâm với tổng vốn đầu tư 33.983,39 tỷ đồng.

Công tác trồng rừng được quan tâm với 8.252,75 ha (đạt 103,2% kế hoạch). Các nhiệm vụ quản lý, bảo tồn, phát triển hệ sinh thái, nghiên cứu khoa học và hợp tác quốc tế đối với Khu dự trữ sinh quyển thế giới Cao Nguyên Kon Hà Nừng tiếp tục được triển khai.

Thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới, đến nay, tỉnh có 3 đơn vị cấp huyện, 91 xã, 118 thôn, làng đạt chuẩn nông thôn mới (104 thôn, làng là đồng bào dân tộc thiểu số); bình quân đạt 16,06 tiêu chí nông thôn mới/xã. Toàn tỉnh có 214 sản phẩm OCOP được công nhận (25 sản phẩm 4 sao và 189 sản phẩm 3 sao).

Cùng với đó, sản xuất công nghiệp tiếp tục phục hồi, phát triển; chỉ số sản xuất công nghiệp ước tăng 18,1% so với năm 2021. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ ước đạt 89.643 tỷ đồng (tăng 19,05%). Kim ngạch xuất khẩu ước đạt 660 triệu USD (tăng 8,2%);kim ngạch nhập khẩu ước đạt 140 triệu USD (tăng 40%). Tổng vốn đầu tư phát triển trên địa bàn ước đạt 40.000 tỷ đồng(đạt 100% kế hoạch); công tác quản lý đầu tư xây dựng cơ bản được tỉnh chỉ đạo quyết liệt. Tổng thu ngân sách trên địa bàn tỉnh ước đạt 5.604 tỷ đồng (đạt 103,5% dự toán Trung ương giao, đạt 96,2% dự toán HĐND tỉnh giao, bằng 71,2% so với năm 2021).

Trong năm, toàn tỉnh có 960 doanh nghiệp và 48 hợp tác xã thành lập mới, nâng tổng số doanh nghiệp, hợp tác xã đang hoạt động trên địa bàn tỉnh lên 8.595 doanh nghiệp và 388 hợp tác xãCông tác kêu gọi, xúc tiến đầu tư được đẩy mạnh; du lịch tiếp tục khởi sắc.Các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp, người dân được triển khai kịp thời, đúng đối tượng. Dịch bệnh Covid-19 cơ bản được kiểm soát. 

Ngoài ra, các lĩnh vực văn hóa-xã hội cũng có sự chuyển biến mạnh mẽ. Tỉnh đã tổ chức thành công Tuần lễ các sự kiện chào mừng 90 năm Ngày thành lập tỉnh, Lễ kỷ niệm 230 năm ngày giỗ Hoàng đế Quang Trung và Lễ đón nhận Bằng xếp hạng di tích quốc gia đặc biệt Tây Sơn Thượng đạo… Tình hình an ninh chính trị, an ninh biên giới, trật tự an toàn xã hội được đảm bảo. 

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, tình hình kinh tế-xã hội năm 2022 vẫn còn những tồn tại, hạn chế. Cụ thể, có 2 chỉ tiêu chính (thu ngân sách và tỷ lệ người dân tham gia bảo hiểm y tế) và 2 chỉ tiêu phụ (số huyện đạt chuẩn nông thôn mới và số giường bệnh/vạn dân) không đạt Nghị quyết HĐND tỉnh đề ra; giải ngân vốn xây dựng cơ bản chậm; số lượng dự án được chấp thuận chủ trương đầu tư đạt thấp; hoạt động sản xuất, kinh doanh vẫn gặp khó khăn; dịch bệnh trên cây trồng, vật nuôi vẫn còn tiềm ẩn nhiều rủi ro; chi phí đầu vào cho trồng trọt, thức ăn chăn nuôi tăng cao; tình trạng vi phạm Luật Lâm nghiệp, khai thác khoáng sản trái phép còn xảy ra; dịch sốt xuất huyết diễn biến phức tạp; sự phối hợp giữa các ngành, các địa phương có lúc, có nơi chưa chặt chẽ, hiệu quả chưa cao; trật tự an toàn xã hội, tai nạn giao thông còn xảy ra nhiều…

Chủ tịch UBND tỉnh Trương Hải Long phát biểu khai mạc hội nghị. Ảnh: Mộc Trà

Phát biểu khai mạc hội nghị, Chủ tịch UBND tỉnh Trương Hải Long nhấn mạnh: Năm 2023 có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, là năm bản lề thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội 5 năm 2021-2025. Đây cũng là năm tỉnh vừa phải tập trung xử lý hiệu quả các nhiệm vụ thường xuyên ngày càng nhiều, đòi hỏi ngày càng cao; giải quyết những vấn đề khó khăn, bất cập, tồn đọng, vừa phải kịp thời ứng phó những vấn đề mới phát sinh; tập trung triển khai các kế hoạch, biện pháp khắc phục các vi phạm, khuyết điểm mà cơ quan thanh tra, kiểm tra đã kết luận. Vì vậy, hội nghị tổng kết hôm nay có ý nghĩa quan trọng đối với công tác chỉ đạo, điều hành của UBND tỉnh và các sở, ngành, địa phương trong triển khai kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội năm 2023.

Với tinh thần dân chủ, thẳng thắn, trách nhiệm cao, Chủ tịch UBND tỉnh đề nghị các đại biểu dự hội nghị tập trung nghiên cứu, đóng góp ý kiến vào dự thảo báo cáo, các định hướng, nhiệm vụ để tập trung triển khai hoàn thành các chỉ tiêu, nhiệm vụ theo Nghị quyết của Tỉnh uỷ, Nghị quyết của HĐND tỉnh đã đề ra.

Báo Gia Lai điện tử sẽ tiếp tục thông tin diễn biến hội nghị kịp thời đến bạn đọc. 

MỘC TRÀ

Có thể bạn quan tâm