Và nhớ đến vị Tư lệnh kiêm Chính ủy tài đức của Công an nhân dân vũ trang (nay là BĐBP) Phạm Kiệt trong những ngày đầu tham gia cách mạng đã bị giam cầm ở nhà lao Buôn Mê Thuột. Vùng đất này có vẻ đẹp tự nhiên khoáng đạt như tâm hồn và văn hóa của các dân tộc bản địa, cấu tạo địa hình xen kẽ giữa sông suối, ao hồ, thác ghềnh với thung lũng, núi đồi cùng đại ngàn bao dung như lòng mẹ Tây Nguyên.
Là tỉnh biên giới trọng điểm, Đắk Lắk có đường biên giới dài 73km, đi qua 4 xã biên giới thuộc 2 huyện Ea Súp và Buôn Đôn tiếp giáp với huyện Cô Nhéc, tỉnh Mondulkiri (Cam phuchia), nơi sinh sống của gần 6.000 hộ dân. Lịch sử của vùng đất cao nguyên này chính thức được ghi nhận trong sử sách từ giữa thế kỷ XII với sự kiện đồng bào miền Trung Tây Nguyên vùng lên đấu tranh chống lại sự xâm lược của đế chế Chiêm Thành. Tới năm 1470, khi Chiêm Thành xâm lấn biên giới phía Nam của nước Đại Việt, bị quan quân nhà Lê đánh bại, vùng cư trú của các dân tộc Tây Nguyên được vua Lê hoạch địch rõ ranh giới với đồng bằng và có những chính sách hài hòa, kết nối quan hệ giữa người Kinh và người Thượng. Sau này, các vị quan cai quản địa hạt Nam Trung Bộ đã cho di dân lên miền núi, tiến cử các vị tù, tộc trưởng ở địa phương để triều đình tấn phong vương tước, lập thành trấn Man gồm 4 nguyên, 5 đạo và về quân sự. Từ đây, nhà Nguyễn lập ra một số đồn lính, tiến hành tuần tra, canh phòng biên giới và ngăn chặn sự xâm lược của quân Xiêm.
Trong giai đoạn thực dân Pháp đô hộ, Đắk Lắk được chúng chia làm 5 quận, áp đặt chế độ trực trị, thực hiện chính sách "chia để trị". Đồng bào các dân tộc nơi đây tráng chí quật cường đã liên tục nổi dậy khởi nghĩa và đấu tranh vũ trang như cuộc khởi nghĩa của Ama Jhao, cuộc đấu tranh của N’Trang Gưh, cuộc khởi nghĩa của Oi H’Mai và tiêu biểu nhất là cuộc nổi dậy của đồng bào M’nông do N’Trang Lơng lãnh đạo, kéo dài suốt 23 năm, như tiếng chiêng hiệu triệu toàn dân Tây Nguyên đứng lên giành lại độc lập, tự do, giành lại quyền sống cho đồng bào các dân tộc bản xứ. Trong cao trào của Cách mạng tháng 8, ngày 24/8/1945, sau cuộc khởi nghĩa ở đồn điền CADA, cuộc tổng khởi nghĩa giành chính quyền nổ ra thắng lợi ở Buôn Ma Thuột, chính quyền về tay nhân dân. Khi quân Pháp quay lại xâm lược lần 2, cùng cả nước, quân dân Đắk Lắk đã trường kỳ, gian khổ đấu tranh suốt 9 năm và cuối cùng đã giành được thắng lợi.
Nhưng ngay sau đó, Hiệp định Genève một lần nữa đã đẩy đồng bào các dân tộc Tây Nguyên bước vào cuộc chiến chống lại đế quốc Mỹ và bè lũ tay sai. Gần 25 năm bị chiếm đóng, Đắk Lắk luôn được Mỹ-ngụy lựa chọn là địa bàn chiến lược trọng yếu để bình định và coi đây là một trong những bàn đạp để “Bắc tiến”. Song, khí thế của một vùng đất với những chủ nhân cương cường đã không cho chúng toại nguyện, quân dân nơi đây dưới sự lãnh đạo của Đảng đã đập tan mọi âm mưu, thủ đoạn của chúng, nhất tề diệt ác, phá kềm, phá ấp giành dân và đánh bại chương trình bình định cấp tốc của Mỹ-ngụy. Mùa Xuân năm 1975, mùa con ong đi làm mật tháng 3, chiến thắng Buôn Ma Thuột đã làm nức lòng quân dân ba miền, mở đầu cho chuỗi thắng lợi vang dội của cuộc Tổng tiến công và nổi dậy giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.
Và cũng từ tháng 3/1975, thực hiện ý kiến chỉ đạo của Bộ Tư lệnh Công an nhân dân vũ trang, hơn 160 cán bộ, chiến sĩ từ địa đầu Lạng Sơn đã hành quân vào Đắk Lắk để thực hiện nhiệm vụ tiếp quản khu vực biên giới vừa giải phóng. Tháng 6/1975, Tỉnh ủy Đắk Lắk đã tiếp nhận và ra quyết định thành lập Đảng bộ Công an nhân dân vũ trang Đắk Lắk (nay là BĐBP Đắk Lắk), đặt dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo của Bộ Tư lệnh Công an nhân dân vũ trang và Tỉnh ủy Đắk Lắk, có nhiệm vụ chống địch xâm nhập từ biên giới vào nội địa và từ nội địa ra ngoài biên giới; chống địch cấu kết, móc nối, gây rối, gây bạo loạn ở khu vực biên giới; chống bọn phản động FULRO, truy quét tàn quân ngụy quân, ngụy quyền và bọn phản động khác; xây dựng chính quyền cách mạng ở vùng mới giải phóng vững mạnh, góp phần giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn của tỉnh. Suốt chặng đường 49 năm qua, BĐBP Đắk Lắk đã luôn xứng danh người chiến sĩ “vệ binh quốc gia” trên cao nguyên nắng lửa. Đặc biệt, trong giai đoạn hội nhập hiện nay, công tác quản lý biên giới đã được các đơn vị duy trì theo đúng quy định của các hiệp ước, hiệp định và thỏa thuận liên quan giữa hai nước Việt Nam - Campuchia.
Quay trở lại với những câu chuyện về cột mốc biên cương, trong 10 năm từ 2007 đến 2017, thực hiện chỉ đạo của Ban Biên giới Chính phủ hai nước Việt Nam và Campuchia, Đội phân giới cắm mốc BĐBP Đắk Lắk và lực lượng bảo vệ biên giới Campuchia đã xác định và cắm xong 7/7 vị trí mốc quốc giới (từ mốc 41 đến mốc 47) với tổng số 11 cột mốc, đưa Đắk Lắk trở thành địa phương đầu tiên ở Tây Nguyên hoàn thành việc phân giới, cắm mốc trên đất liền với nước bạn Campuchia. Ngoài ra, hai bên cũng đã cắm được 42 vị trí mốc phụ; phân giới được 38,935km đường biên giới trên sông, suối. Đồng thời, đã tiến hành quy thuộc được 43 cồn bãi, trong đó có 16 cồn bãi quy thuộc về phía Việt Nam, 27 cồn bãi quy thuộc về phía Campuchia. Kết quả này đã thể hiện ý chí và nguyện vọng của nhân dân hai nước Việt Nam - Campuchia, cũng như nhân dân các dân tộc hai bên biên giới, là tiền đề quan trọng để lực lượng bảo vệ biên giới hai nước thực hiện tốt nhiệm vụ được giao và góp phần thúc đẩy giao lưu hợp tác phát triển kinh tế - xã hội hai bên biên giới.
Đối với Đại tá Lê Xuân Đáng, nguyên Phó Chính ủy BĐBP Đắk Lắk, ông vẫn giữ gìn cẩn thận cuốn nhật ký phân giới cắm mốc mà ông viết từ năm 2006. Đại tá Lê Xuân Đáng kể: “Thời điểm đó, các thành viên Đội phân giới cắm mốc của cả ta và bạn bấy giờ đều được lựa chọn rất kỹ càng. Đó là những người có trình độ kỹ thuật cao, được đào tạo chuyên môn bài bản, giàu kinh nghiệm thực tiễn. Đội trưởng Đội phân giới cắm mốc của nước bạn là ông Has Phol Na Rứt, còn đại diện của Việt Nam là Thượng tá Nguyễn Quang Lộc, Phó Tham mưu trưởng BĐBP tỉnh. Từ việc phân định đường biên đến việc cắm được cột mốc trên thực địa cần một hành trình rất dài và công phu, từ khảo sát đơn phương, song phương đến hội đàm các cấp nhằm thống nhất ranh giới. Có những cột mốc xác định được vị trí cắm phải mất nhiều năm liền bởi nằm ở địa hình trắc trở, phức tạp, trong khi cả hai bên không muốn sai lệch dù chỉ một centimet. Và tại nhiều địa bàn, chúng ta phải đảm bảo toàn bộ hậu cần cho phía bạn nên các đồn Biên phòng của chúng ta rất vất vả. Có những thời điểm đường rừng lầy lội, để bảo đảm hậu cần kịp thời cho thêm hàng chục con người, các đơn vị phải xuất hàng dự trữ sẵn sàng chiến đấu...”.
Theo những câu chuyện huyền sử về voi Tây Nguyên, chúng tôi đến với đoạn biên giới xã Krông Na, huyện Buôn Đôn, tỉnh Đắk Lắk và xã Sô Rê Hui, huyện Cô Nhéc, tỉnh Mondulkiri để rưng rưng chào cột mốc số 45, cột mốc đầu tiên được cắm trên tuyến biên giới này. Đại tá Phạm Quang Hùng, nguyên Chỉ huy trưởng BĐBP tỉnh cho biết, đây là vị trí rất thiêng liêng đối với những chiến sĩ Biên phòng, bởi khu vực này là nơi 71 liệt sĩ của Sư đoàn 470, Đoàn 559 và Đồn Biên phòng Sêrêpôk đã ngã xuống trong cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới năm 1979. Tuy việc phân giới tại đây khá thuận lợi, song, khi hai đội vượt sông để cắm mốc 45 (1) trên đất bạn, thì bất ngờ một tổ ong túa ra tấn công. Mọi thành viên đều bị ong đốt, sưng vù mặt mũi, tay chân, một số đồng chí bị nhiễm độc nặng ngất xỉu tại chỗ, có người sốt cao li bì...
Đại tá Hùng nhớ nhất là khi tiến hành phân định ngã ba suối Ốp Phlây và Đắk Đam, nơi cắm mốc ba số 46 vì để cắm được ba mốc này thì cần phải tìm được điểm trung tuyến, nằm giữa hợp lưu hai dòng chảy. “Theo thống nhất, cán bộ của ta đã bơi ra giữa lòng suối, dùng cây tre làm cọc tiêu cho lực lượng kỹ thuật trên bờ đo đạc, xác định điểm giao nhau giữa hai dòng chảy lớn. Song do nước chảy xiết, lòng suối toàn đá nên cọc tiêu rung lắc liên hồi khiến bạn nghi ngờ ta cố ý làm sai lệch chỉ số. Lúc đó, anh Lê Xuân Đáng chủ động xuống gặp gỡ trực tiếp Đội PGCM nước bạn và nói với họ rằng, chúng ta đều hiểu quan hệ Việt Nam - Campuchia được vun đắp bằng công sức và xương máu của quân dân hai nước. Vì Campuchia, chúng tôi không tiếc máu xương, nên không lý gì mà việc cắm mốc chúng tôi lại làm sai lệch. Cả tuần sau đó, chúng tôi tìm mọi cách để xác định điểm trung tuyến mà không thành công. Cuối cùng khi hai đội sử dụng bè lớn, vừa đo dây vừa thả ròng rọc xuống lòng suối mới xong nhiệm vụ”, đại tá Hùng nhớ lại.
Tôi đã rời Đắk Lắk sau khi hoàn thành nhiệm vụ trong chương trình “Xuân Biên phòng ấm lòng dân bản” năm 2020 và nhớ mãi bước đi của chú voi Bản Đôn trong vòng chiêng xoang kết đoàn giữa sân vận động rộng lớn. Chú voi đó là con của một chú voi mẹ đã cùng nhân dân Bản Đôn đi tuần tra những năm chiến tranh biên giới ác liệt. Và hôm nay, con của nó đang cùng quân dân biên giới Đắk Lắk đón ánh mặt trời mới trên vùng biên đẹp giàu, no ấm này.