Tây Sơn Thượng đạo là vùng đất có vị trí chiến lược quan trọng. Vì thế, Nguyễn Nhạc đã chọn nơi đây làm nơi tụ nghĩa hưng binh. Năm 1771, tại Tây Sơn, Nguyễn Nhạc đã tập hợp được một lực lượng khá đông đảo và có thanh thế.
Theo ghi chép của sách “Đại Nam chính biên liệt truyện” do sử quán nhà Nguyễn soạn vào cuối thế kỷ XIX (thường gọi tắt là “Liệt truyện”), Nguyễn Nhạc “dựng đồn trại ở miền thượng đạo ấp Tây Sơn”, được nhiều người theo, “đi đến đâu thì hò hét ứng tiếp cho nhau thế lực ngày càng hăng mạnh, quan địa phương không thể kiềm chế được” (phần “Ngụy Tây truyện”, bản dịch của Viện Sử học, Nhà xuất bản Thuận Hóa, 1993). Giáo sĩ người Tây Ban Nha tên Diego de Jumilla, một nhân chứng đương thời cho biết quân Tây Sơn khi ấy là “kẻ cướp hiền lành” lấy của nhà giàu chia cho nhà nghèo.
Nghĩa quân Tây Sơn từ buổi đầu cho đến sau đó gồm nhiều thành phần, ngoài nông dân nghèo khó, còn có các trí thức, quan lại, phú nông, thổ hào, thương nhân, thảo khấu, hải tặc, thuật sĩ giang hồ… người Kinh, Thượng, Hoa, Chăm, Tây dương… Bản thân Nguyễn Nhạc là quan chức thu thuế (danh xưng Biện Nhạc), rồi buôn bán trầu giữa miền xuôi với miền núi (danh xưng Hai Trầu).
Tất cả được anh em Tây Sơn chiêu mộ cùng chung chí hướng: đánh đổ các thế lực, triều đại cũ thối nát, xây dựng một vương triều mới. Chính phương thức xây dựng lực lượng đặc biệt không câu nệ xuất thân này đã tạo nên sức mạnh to lớn cho quân Tây Sơn.
Khu di tích lịch sử Nền nhà-Hồ nước ông Nhạc được đầu tư xây dựng Nhà bia tưởng niệm, kè đá hồ nước và cổng khang trang, bề thế. Ảnh: Ngọc Minh |
Với tư cách là những người thuộc triều đại đối địch với nhà Tây Sơn, các sử gia nhà Nguyễn đã xếp những người tham gia phong trào Tây Sơn vào hạng “vong mạng, vô lại”. Nhận xét này bị một số sử gia hiện đại như Nguyễn Phương phê phán: “Chúng ta không nên lấy làm lạ khi nghe những danh từ đầy tính cách thóa mạ đó, bởi vì nhà Nguyễn đã liệt Tây Sơn vào hạng ngụy. Chỉ nên ghi nhận như thế không được đúng” (“Việt Nam thời bành trướng: Tây Sơn”, Khai Trí xuất bản, 1967).
Cho đến nay, có thể nói sách “Nhà Tây Sơn” (xuất bản lần đầu năm 1988) của danh sĩ Quách Tấn (1910-1992) là tài liệu có lượng thông tin phong phú dày dặn nhất, tập hợp được cả sử liệu và truyền thuyết dân gian liên quan đến nhà Tây Sơn. Quách Tấn cũng thấy rõ vai trò của Nguyễn Nhạc: “Ông Nhạc cho khẩn hoang nhiều diện tích rộng lớn tại An Khê”, “những đồng bào mộ đi khai khẩn, phần đông trở thành nghĩa quân”, “đất Tây Sơn trở thành một nước nhỏ. Mọi tổ chức được thực hiện trong im lặng. Lòng dân địa phương lại hướng hoàn toàn về Nguyễn Nhạc” (Nhà xuất bản Thanh niên, 2016).
Năm 1773, Nguyễn Nhạc từ Tây Sơn thượng kéo xuống Kiên Thành xưng là “Đệ nhất trại chủ” cai quản huyện Phù Ly, Bồng Sơn mật ước với nữ chúa Chiêm Thành là Thị Hỏa lập trại ở Thạch Thành “để làm chỗ nương tựa viện trợ” và chiêu tập được nhiều tướng lĩnh khác đánh chiếm Quy Nhơn “dựng hiệu cờ Tây Sơn, chia đặt Trung, Tiền, Tả, Hữu, Hậu 5 đồn” (Liệt truyện).
Nhưng các vị trí quan trọng khác của quân Tây Sơn lúc này chưa phải là Nguyễn Huệ, Nguyễn Lữ, mà là thổ hào Nguyễn Thung làm “Đệ nhị trại chủ” cai quản huyện Tuy Viễn và phú hào Huyền Khê làm “Đệ tam trại chủ” phụ trách quân lương, “chiến đấu để vâng mệnh trời và theo lệnh Thượng Sư”.
Sử gia Nguyễn Phương đã khá tinh ý khi nhận xét: “Một ghi nhận sau hết ở đây, là bấy giờ Nguyễn Lữ và Nguyễn Huệ còn nấp dưới bóng anh cả, chưa đảm nhận chức vụ gì đáng kể, đang khi Nguyễn Thung và Huyền Khê là những nhân vật khá quan trọng của buổi đầu”.
Điều này không hẳn do bấy giờ Nguyễn Huệ và Nguyễn Lữ còn khá trẻ, 19-20 tuổi, mà có thể do Nguyễn Nhạc thấy lúc này cần phải tranh thủ sự góp sức của các lực lượng khác nên cần phân chia quyền lực ra bên ngoài để thu phục nhân tâm, tập trung sức mạnh.
Tiếp đó “Liệt truyện” cho biết Nguyễn Nhạc dẫn quân chinh chiến khắp nơi, “Quảng Ngãi trở vào Nam đến Bình Thuận đều là đất của Nhạc cả”. Năm 1776, Nguyễn Nhạc đắp thành Đồ Bàn, “tiếm xưng là Tây Sơn Vương, đúc ấn vàng”, “cho Lữ làm Thiếu phó, Huệ làm Phụ chính, còn các bọn khác đều cho làm quan chức”.
Năm 1778, Nguyễn Nhạc lên ngôi Hoàng đế, lấy niên hiệu là Thái Đức, “gọi thành Đồ Bàn là thành Hoàng Đế, lấy Lữ làm Tiết chế, Huệ làm Long Nhương tướng quân”. Năm 1780, Nguyễn Nhạc cùng Nguyễn Huệ tiến vào Nam đánh chiếm Gia Định, sau đó để tướng tá lại giữ đất, dẫn quân về Quy Nhơn.
Theo miêu tả của “Ngụy Tây truyện” thì: Chỉ từ khi vào Gia Định năm 1780 trở đi, vai trò của Nguyễn Huệ mới nổi trội. Nhất là sau khi Nguyễn Huệ tiến quân ra Bắc đánh chiếm Thăng Long thì việc phân chia quyền lực trong nội bộ anh em nhà Tây Sơn đã có sự thay đổi lớn: “Lấy từ núi Hải Vân trở ra ngoài thuộc về Huệ làm Bắc Bình vương, Gia Định thuộc về Lữ làm Đông Định vương, còn Nhạc tự xưng là Trung ương Hoàng đế”.
Theo đánh giá của sử gia Nguyễn Phương, từ cuối năm 1786 về trước (thời điểm “anh em Nhạc Huệ ở Bắc về và cắt giang sơn làm ba khu”), Nguyễn Nhạc là người toàn quyền, cầm trong tay vận mệnh của nhà Tây Sơn, có thể xem 2 chữ “Tây Sơn” bấy giờ như một quốc hiệu, dù Nguyễn Nhạc xưng đế, xây thành và không đặt tên nước.
Có lẽ bởi công lao xây dựng nền móng căn bản cho nhà Tây Sơn nên khi Nguyễn Huệ đột ngột qua đời năm 1792 khiến nhà Tây Sơn suy yếu, nhưng theo sử gia Nguyễn Phương, cái chết của Nguyễn Nhạc năm 1793 mới khiến cho nhà Tây Sơn đi đến bước sụp đổ. Bởi Vua Cảnh Thịnh kế ngôi Vua Quang Trung khi mới 10 tuổi, không đủ sức điều hành quốc gia đang đứng trước nhiều nguy cơ, biến cố.
Vua Cảnh Thịnh “phong con Nhạc là Bảo làm Hiếu công, cắt cho một huyện Phù Ly để làm ấp ăn lộc, gọi là Tiểu triều” và câu nói khích của mẹ ông Bảo được “Liệt truyện” ghi lại cũng thêm một sự khẳng định công lao, vai trò của Nguyễn Nhạc đối với triều đại Tây Sơn: “Khai thác cõi đất đều là công cha mày, nay chỉ ăn lộc có một huyện, nếu sống mà chịu nhục chẳng thà là chết còn hơn”. Đây cũng là câu nói báo hiệu kết thúc một triều đại.
Di tích Kho tiền ông Nhạc (làng Hlang, xã Yang Nam, huyện Kông Chro). Ảnh: Anh Minh |
Tập sách “The Tây Sơn Uprising” (Cuộc nổi dậy của nhà Tây Sơn, xuất bản năm 2006, được dịch ra tiếng Việt năm 2019) của Giáo sư người Mỹ George Dutton gần đây mặc dù còn một số nhận định lệch lạc về phong trào Tây Sơn, nhưng khi viết về chính sách xây dựng lực lượng của Nguyễn Nhạc cũng cho thấy tầm quan trọng của Tây Sơn vương: “Thật vậy, cũng nguồn tư liệu trên viết rằng trong những yếu tố khác nhau, chính nỗi sợ hãi đối với người lãnh đạo Tây Sơn là Nguyễn Nhạc đã dẫn đến những thắng lợi ban đầu của quân Tây Sơn” (mục “Việc khai thác: bắt lính và khổ dịch”).
Như vậy, trong số các tài liệu ghi chép về phong trào Tây Sơn, đã có nhiều ý kiến, cả xưa và nay, trong và ngoài nước, công nhận vai trò gầy dựng, sáng lập, tiên phong của Nguyễn Nhạc đối với vương triều Tây Sơn. Ở đây chúng tôi không phát hiện, không lật lại lịch sử, mà chỉ muốn tái khẳng định lại những điều đó. Dấu tích và tên tuổi của Nguyễn Nhạc tại An Khê sau mấy thế kỷ vẫn dày đậm trong ký ức dân gian địa phương với các địa danh: Hòn đá ông Nhạc, Hồ nước ông Nhạc, Nền nhà ông Nhạc, Kho tiền ông Nhạc, núi Hoàng Đế, Hòn Nhược, Lũy ông Nhạc, Yă Đố…
Vai trò to lớn của Nguyễn Huệ đối với nhà Tây Sơn cũng như đối với lịch sử Việt Nam đương nhiên không thể phủ nhận, nhất là công lao giữ nước, đánh đuổi quân xâm lược của Vua Quang Trung. Tuy nhiên, không vì thế mà chúng ta thiếu khách quan và công bằng trong việc đánh giá vai trò giữ đất, sáng lập vương triều Tây Sơn của Nguyễn Nhạc tại Tây Sơn thượng, nhất là khi nơi đây trở thành quần thể di tích quốc gia đặc biệt. Chính những nét riêng biệt này tạo nên giá trị và sự đặc sắc, thu hút người dân và du khách đến với Tây Sơn Thượng đạo.