(GLO)- Sáng 23-5, Bệnh viện Đa khoa tỉnh chính thức vận hành máy chụp cộng hưởng từ MRI 1.5 TESLA thế hệ mới nhất của Mỹ tại Khoa Chẩn đoán hình ảnh. Đây được xem là một dấu mốc quan trọng trong việc áp dụng trang-thiết bị hiện đại vào khám-chữa bệnh, tạo điều kiện thuận lợi cho bệnh nhân tiếp cận dịch vụ kỹ thuật cao, đảm bảo an toàn và giảm chi phí điều trị.
Nâng cao chất lượng khám-chữa bệnh
Bệnh viện Đa khoa tỉnh là bệnh viện hạng II, tuyến điều trị cao nhất của tỉnh. Bệnh viện được biên chế 800 giường bệnh nhưng thực kê trên 1.000 giường bệnh vì lượng bệnh nhân nhập viện quá tải. Để từng bước đáp ứng nhu cầu khám-chữa bệnh ngày càng cao của người dân địa phương, những năm qua, Bệnh viện Đa khoa tỉnh chú trọng đến việc đào tạo nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ cho đội ngũ bác sĩ, điều dưỡng, kỹ thuật viên. Đến nay, trong số hơn 800 cán bộ, viên chức, nhân viên toàn bệnh viện đã có 1 tiến sĩ, 2 người đang học tiến sĩ, 15 bác sĩ chuyên khoa II, 89 bác sĩ chuyên khoa I…
Đọc kết quả chẩn đoán cộng hưởng từ MRI. Ảnh: Đ.P |
Cùng với đó, Bệnh viện đã triển khai đề án Bệnh viện vệ tinh của Bộ Y tế và các dịch vụ kỹ thuật khám-chữa bệnh chuyên khoa sâu mà trước đây tại Gia Lai chưa làm được. Trong đó, Bệnh viện ký kết với Bệnh viện Bạch Mai để triển khai Trung tâm Ung bướu; ký kết với Bệnh viện Tim Hà Nội triển khai Khoa Tim mạch-Ngoại Lồng ngực, mạch máu; ký kết với Bệnh viện Đại học Y Dược TP. Hồ Chí Minh hỗ trợ chuyên môn và chuyển giao kỹ thuật toàn diện, hướng đến mục tiêu nâng tầm Bệnh viện Đa khoa tỉnh thành bệnh viện hạng I trong thời gian tới.
Để đáp ứng mục tiêu đó, được sự quan tâm của tỉnh, Bệnh viện Đa khoa tỉnh đã đầu tư các trang-thiết bị y tế kỹ thuật cao như: máy định vị phẫu thuật, hệ thống Nevigation, hệ thống CT-Scanner 128 lát cắt, phẫu thuật nội soi dạ dày, đại tràng, dụng cụ phẫu thuật siêu âm. Đặc biệt, ngày 23-5-2017, Bệnh viện Đa khoa tỉnh chính thức đưa vào vận hành máy chụp cộng hưởng từ MRI 1.5 TESLA thế hệ mới nhất của Mỹ tại Khoa Chẩn đoán hình ảnh, giúp chẩn đoán chính xác và an toàn hơn cho người bệnh.
Ưu điểm của máy chụp cộng hưởng từ MRI
Theo Tiến sĩ, bác sĩ Võ Tấn Đức-Trưởng khoa Chẩn đoán hình ảnh (Bệnh viện Đại học Y Dược TP. Hồ Chí Minh), người dẫn đầu đoàn cán bộ đến chuyển giao kỹ thuật, hướng dẫn, kèm cặp các bác sĩ, kỹ thuật viên của Bệnh viện Đa khoa tỉnh vận hành máy chụp MRI, MRI là kỹ thuật chẩn đoán hình ảnh hiện đại, được sử dụng trong việc chẩn đoán các vấn đề sức khỏe liên quan đến các cơ quan của cơ thể, mô và xương. “Không giống như chụp X-quang, một trong những ưu điểm chính của chụp MRI là cơ thể bệnh nhân không bị phơi nhiễm bức xạ của tia X và đảm bảo an toàn cho bệnh nhân. Vì thế, bệnh nhân sẽ không lo mình bị nhiễm xạ khi thực hiện chụp MRI”-Tiến sĩ Đức cho biết.
Chuẩn bị cho bệnh nhân chụp cộng hưởng từ MRI. Ảnh: Đ.P |
So với máy CT-scanner, chụp bằng máy MRI cho hình ảnh rõ nét hơn đối với thần kinh, não, khớp, các phần mô mềm, những cơ quan trong ổ bụng… Mỗi ca chụp bằng máy MRI trung bình khoảng 20 phút. Ngược lại, máy CT-scanner sẽ có lợi thế hơn trong việc chụp các bộ phận có đóng vôi, liên quan đến xương, can xi… Mỗi ca chụp bằng máy CT-Scanner mất trung bình 5 phút chiếm ưu thế trong việc cấp cứu đòi hỏi phải xử lý nhanh, kịp thời cho bệnh nhân. “Vì thế cần thiết phải cân nhắc sử dụng đồng thời cả 2 máy MRI và CT-scanner để phát huy ưu thế của mỗi máy trong việc hỗ trợ chẩn đoán và điều trị bệnh”-Tiến sĩ Đức nói.
Để chuẩn bị cho việc vận hành máy chụp cộng hưởng từ MRI, Bệnh viện Đa khoa tỉnh đã cử các kíp bác sĩ và kỹ thuật viên vào Bệnh viện Đại học Y Dược TP. Hồ Chí Minh học tập, chuyển giao kỹ thuật. Sau đó, Bệnh viện Đại học Y Dược TP. Hồ Chí Minh cũng cử bác sĩ và kỹ thuật viên ra Gia Lai để trực tiếp hướng dẫn, chuyển giao kỹ thuật cho các bác sĩ, kỹ thuật viên ở đây trong vòng 1 tháng đầu tiên khi đưa vào sử dụng máy. Bước thứ hai là 2 bệnh viện thiết lập đường truyền chẩn đoán hình ảnh trực tuyến để Bệnh viện Đại học Y Dược TP. Hồ Chí Minh giúp hội chẩn trực tuyến cho Bệnh viện Đa khoa tỉnh ở các ca bệnh khó.
Vì thế, theo bác sĩ Chuyên khoa II Phạm Bá Mỹ-Giám đốc Bệnh viện Đa khoa tỉnh thì: “Bệnh nhân hoàn toàn yên tâm về kết quả chẩn đoán vì đội ngũ bác sĩ chẩn đoán hình ảnh, đội ngũ kỹ thuật viên đã được đào tạo bài bản, chuyên sâu tại Bệnh viện Đại học Y Dược TP. Hồ Chí Minh và có nhiều năm kinh nghiệm. Bên cạnh đó, đội ngũ bác sĩ, kỹ thuật viên của Bệnh viện Đa khoa tỉnh còn được huấn luyện bởi các chuyên gia của hãng GE-đối tác cung cấp máy MRI”.
Cùng với đó, máy chụp MRI thế hệ mới tại Khoa Chẩn đoán hình ảnh còn được trang bị các phần mềm chuyên xử lý hình ảnh thế hệ mới nhất để cho hình ảnh chất lượng cao trong thời gian ngắn nhất. Cấu trúc của máy được thiết kế tiện lợi và tạo cảm giác thoải mái, dễ chịu cho bệnh nhân khi thực hiện khảo sát hình ảnh.
Tạo thuận lợi cho người bệnh
Hiện nay, mỗi ngày Bệnh viện Đa khoa tỉnh tiếp nhận khám ngoại trú cho hơn 1.000 bệnh nhân và điều trị nội trú cho 900-1.000 bệnh nhân. Trong số đó có khoảng 440 bệnh nhân/tháng có nhu cầu chụp chẩn đoán hình ảnh bằng máy MRI. Trước đây, Bệnh viện Đa khoa tỉnh phải chuyển số bệnh nhân này đến cơ sở điều trị khác để chụp, gây phiền hà, tốn kém chi phí và chậm trễ trong việc chẩn đoán, điều trị cho người bệnh. Từ nay trở đi, bệnh nhân sẽ được chụp chẩn đoán tại chỗ, mỗi ca chụp mất 20 phút, chi phí bình quân khoảng 1,7 triệu đồng.
Bệnh nhân Đỗ Trung Hùng (ở phường Phù Đổng, TP. Pleiku) là người đầu tiên được chụp MRI tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh phấn khởi nói: “Tôi chụp MRI sọ não và đốt sống cổ ở Bệnh viện Đa khoa tỉnh rất thuận tiện, không phải đến Bệnh viện Đại học Y Dược-Hoàng Anh Gia Lai hoặc đi Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh ngồi chờ đợi đến lượt chụp như trước”.
|
Trong thời gian tới, máy MRI tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh sẽ triển khai một số chỉ định tiêu biểu như: cộng hưởng từ phần cổ, bao gồm não, tuyến yên, hốc mắt, vùng cổ (xoang, hầu, thanh quản, tuyến nước bọt, hạch); cộng hưởng từ phần ngực, bụng chậu: gan, mật, tiền liệt tuyến, chậu, phụ khoa, nam khoa; cộng hưởng từ phần cột sống (cổ, thắt lưng), tủy sống; cộng hưởng từ phần cơ khớp vai, cơ khớp tay, cẳng tay; phần cơ khớp gối, cẳng chân, cổ chân, bàn chân; cộng hưởng từ mạch máu: não, động mạch chủ bụng, ngoại vi... Đặc biệt, kết quả chụp cộng hưởng từ MRI hiện đại sẽ được công nhận ở các tuyến điều trị cao hơn khi người bệnh buộc phải chuyển tuyến mà không cần chụp lại sẽ giúp giảm đáng kể chi phí cho người dân.
Việc Bệnh viện Đa khoa tỉnh đưa vào vận hành máy chụp cộng hưởng từ MRI sẽ hỗ trợ công tác chẩn đoán sớm các bệnh lý, giúp cho người bệnh có nhiều cơ hội hồi phục; giúp người dân trong tỉnh và các vùng lân cận tiếp cận chẩn đoán kỹ thuật cao tại chỗ không cần đến các thành phố lớn. Đồng thời, Bệnh viện từng bước giải quyết 3 yêu cầu cấp thiết của ngành Y tế là giảm chi phí điều trị, tăng cường khả năng tiếp cận công nghệ mới và nâng cao chất lượng khám-chữa bệnh.
Đức Phương