Không thể phủ nhận tiện ích của điện thoại, nhất là điện thoại di động, trong cuộc sống ngày nay. Điện thoại giúp cho công việc dễ dàng, nhanh chóng, trôi chảy; giúp cho quan hệ con người gần lại nhau hơn; điện thoại đã chinh phục hoàn toàn khoảng cách địa lý…
Tuy nhiên việc sử dụng điện thoại tùy tiện nảy sinh nhiều điều phức tạp, gây ra nhiều điều khó chịu, thậm chí phiền toái cho những người xung quanh, nhất là nơi sinh hoạt công cộng.
Chắc nhiều người đã không ít lần đang làm việc hoặc đang đi dạo phố bỗng nghe một giọng oang oang như cãi nhau, đánh nhau làm mọi người phải chú ý nhưng khi nhìn lại thì ra một người trên đường đã gọi điện thoại cho ai đó. Đành rằng chưa có luật cấm gọi điện thoại làm mất trật tự nơi công cộng nhưng xem ra cách gọi điện thoại vừa nêu đã làm ảnh hưởng đến những người xung quanh.
Ảnh minh họa |
Phổ biến nhất là vừa lái xe vừa gọi điện. Lái xe máy gọi. Lái ô tô cũng gọi. Mặc dù đã có lệnh cấm, phạt về hành vi này nhưng hiện tượng vừa lái xe vừa gọi điện thoại vẫn diễn ra tràn lan. Nguy hiểm nhất là tài xế xe khách vừa điều khiển xe vừa gọi điện thoại. Cuối tuần qua, người viết bài này có chuyến đi công tác miền Trung, chứng kiến bác tài vừa tán tỉnh qua điện thoại vừa lái xe trong đêm, trong lúc đó xe đi qua những đoạn đường hẹp, nhiều xe ngược chiều. Ngồi bên cạnh bác tài mà tim tôi muốn nhảy ra ngoài.
Vừa họp vừa gọi, nghe điện thoại hoặc vừa học vừa nghe, nhắn tin điện thoại cũng là hiện tượng làm nhức nhối trong cơ quan và trường học hiện nay. Trong nhiều cuộc họp, người chủ trì phải dừng lại nhiều lần để nhắc những thành viên tham gia tắt điện thoại để tập trung vào nội dung cuộc họp. Thỉnh thoảng trên truyền hình, chúng ta cũng bắt gặp một vị đại biểu nào đó vừa họp vừa rút điện thoại ra nghe hoặc gọi, nhắn tin. Chuyện sinh viên, học sinh, nhất là học viên học từ xa, tại chức, vừa học vừa gọi, nghe, nhắn tin trở thành căn bệnh khó chữa. Nhiều trường học đã nghiêm cấm sinh viên, học sinh mở máy điện thoại khi đang học trên lớp nhưng chưa ngăn chặn được tình trạng này. Không ít thầy cô vừa giảng bài vừa phải nhắc học viên tắt điện thoại. Có trường hợp học sinh còn “nhá” máy để chọc ghẹo thầy cô đang giảng bài.
Còn nhiều nữa các trường hợp nghe, gọi điện thoại rất phản cảm và gây khó chịu cho những người xung quanh nơi công cộng. Đã có nhiều bài báo lên tiếng cảnh báo về hiện tượng này song tình hình vẫn chưa được cải thiện. Một số nhà quản lý doanh nghiệp đã đưa việc sử dụng điện thoại như một kỹ năng giao tiếp cần có, bắt buộc cán bộ, nhân viên phải học, thực hành và ứng dụng vào trong công việc. Ngay cả sách giáo khoa lớp 2 cũng dạy cách nghe, gọi điện thoại để hình thành kỹ năng và nhân cách cho trẻ. Có lẽ, các cơ quan, trường học nên có những quy chế, quy định cụ thể và tăng cường giáo dục cho học sinh, sinh viên văn hóa ứng xử, trong đó có ý thức sử dụng điện thoại nơi công cộng. Xã hội sẽ văn minh hơn khi có hành vi ứng xử đẹp, ứng xử văn hóa, trong đó có văn hóa sử dụng điện thoại.
Nguyễn Tiến Dũng