Văn hóa

Văn học - Nghệ thuật

Văn hóa đọc là động lực phát triển

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Nhà triết học, nhà thơ Voltaire từng ví von: “Những gì sách dạy chúng ta cũng giống như lửa. Chúng ta lấy nó từ nhà hàng xóm, thắp nó trong nhà ta, đem nó truyền cho người khác và nó trở thành tài sản của tất cả mọi người”. Với sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ, ngọn lửa ấy đang được thắp lên bằng nhiều cách khác nhau, lan tỏa giá trị của sách và văn hóa đọc.

Hẳn những người mê sách không ai không lưu giữ trong tâm trí mùi thơm giấy mới và tiếng lật sách đầy cảm hứng mỗi khi đọc sách giấy. Những con chữ im lặng mà như đang chuyện trò. Chúng thúc đẩy sự tò mò về thế giới xung quanh, giúp thay đổi cái nhìn, phát triển và hoàn thiện bản thân, bồi đắp vẻ đẹp tâm hồn từ sự chuyển hóa sâu sắc trong nhận thức, suy nghĩ, tâm hồn. Với nhiều người, được ngồi ở một góc yên tĩnh để đọc sách là thú vui không gì tuyệt hơn lúc thư nhàn. Một số người lớn tuổi mê sách vẫn giữ thói quen đến thư viện mượn sách như hàng bao nhiêu năm nay.

 Đông đảo độc giả đến với gian hàng sách giảm giá của Nhà sách Vạn Trí (95 Lê Lợi, TP. Pleiku) nhân Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam năm 2021. Ảnh: Phương Duyên
Đông đảo độc giả đến với gian hàng sách giảm giá của Nhà sách Vạn Trí (95 Lê Lợi, TP. Pleiku) nhân Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam năm 2021. Ảnh: Phương Duyên


Như đã thành ý niệm ăn sâu, nói đến văn hóa đọc, người ta sẽ nghĩ ngay đến sách giấy. Nhưng trong điều kiện công nghệ phát triển như vũ bão, bây giờ, văn hóa đọc lan tỏa theo những cách thức mới mẻ, đa dạng với sự góp mặt của ebook (sách điện tử) và audio book (sách nói).  

Sách điện tử, “phiên bản điện tử của một cuốn sách in” là sách được xuất bản và phát hành cho các thiết bị kỹ thuật số, bao gồm văn bản, hình ảnh, có thể đọc được trên máy đọc sách chuyên dụng hoặc trên laptop, máy tính bảng, điện thoại thông minh... Với sự hỗ trợ của internet, đặc biệt là mạng 4G như hiện nay, sách điện tử trở nên tiện dụng mọi nơi mọi lúc, với đủ mọi dòng sách, đủ các chủ đề.

Cùng với đó, sách nói-khởi nguồn là loại sách chuyên biệt dành cho người khiếm thị-cũng trở thành xu hướng trong giới trẻ. Được chuyển nội dung sang dạng âm thanh thông qua giọng đọc của con người, sự tiện lợi như có thể “đọc” trong khi dọn dẹp nhà cửa, nấu ăn, nghỉ ngơi…, sách nói ngày càng được đón nhận nhiều hơn. Có thể tìm thấy kho sách nói khổng lồ trên nhiều trang mạng trực tuyến như: Kho sách nói, Queen Voice, Gác sách, AudioBookGood, Hẻm Radio… “Phát hiện” ra sách nói trong một lần chờ ở sân bay mà quên mang theo mấy cuốn sách, một người bạn của tôi rất hào hứng khi nghe đọc sách hộ thông qua giọng đọc vô cùng truyền cảm, hấp dẫn. Chưa kể, nhiều sách nói còn chèn tiếng động, âm nhạc, biến loại hình này trở nên hết sức thú vị.

Phải nhìn nhận rằng trên hành trình lan tỏa giá trị của sách và văn hóa đọc, chúng ta đã tiến những bước dài. Năm 2014, Thủ tướng ra quyết định lấy ngày 21-4 hàng năm làm Ngày Sách Việt Nam. Năm 2017, Chính phủ phê duyệt Đề án phát triển văn hóa đọc trong cộng đồng. 2 năm sau đó, Quốc hội công nhận ngày 21-4 là Ngày Sách và Văn hóa đọc (Điều 30 Luật Thư viện 2019). Tháng 2-2021, Thủ tướng tiếp tục phê duyệt chương trình “Chuyển đổi số ngành thư viện đến năm 2025, định hướng đến năm 2030”. Các ngành, địa phương hưởng ứng nhiệt tình với nhiều hoạt động liên quan như: Ngày hội Văn hóa đọc, Hội sách, cuộc thi Đại sứ Văn hóa đọc, Cộng tác viên tuyên truyền giới thiệu sách… Với những động thái tích cực ấy, văn hóa đọc có sự phát triển mạnh mẽ. Theo số liệu thống kê của Bộ Văn hóa-Thể thao và Du lịch, nếu năm 2013, bình quân mỗi người Việt chỉ đọc 0,8 cuốn sách/năm thì đến năm 2018 là 4 cuốn/năm. Một con số đáng mừng!

Mới đây, Sở Thông tin và Truyền thông vừa dự thảo (lần 1) kế hoạch tổ chức Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam trên địa bàn tỉnh. Trước khi trình UBND tỉnh, Sở đề nghị các cơ quan, đơn vị, địa phương phối hợp, tham gia góp ý dự thảo. Theo đó, cùng với tổ chức lễ phát động điểm Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam tỉnh Gia Lai vào ngày 21-4, nhiều hoạt động khác sẽ được triển khai như: tặng sách cho các trường học khó khăn, vùng sâu, vùng xa; trưng bày, triển lãm, giới thiệu sách; tổ chức hưởng ứng Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam tại các cơ sở phát hành xuất bản phẩm… Thực tế nhiều năm qua, các đơn vị tổ chức vẫn nặng về quảng bá sách giấy nên thiếu sự nhanh nhạy trong việc giới thiệu sách nói và sách điện tử (trừ nỗ lực của Thư viện tỉnh trong chuyển đổi số một vài năm trở lại đây). Vì vậy, không phủ nhận chỗ đứng lâu bền của sách giấy trong lòng độc giả, song với xu thế mới, phù hợp cần được quan tâm hơn nữa vì nhiệm vụ phát triển văn hóa đọc thời gian tới, giúp sách lan tỏa đến mọi đối tượng, tầng lớp.

Văn hóa được xem là yếu tố giữ vai trò nền tảng và là động lực đi tới trong phát triển xã hội. Đẩy mạnh văn hóa đọc dù với phương thức nào cũng chính là hành vi kiến tạo văn hóa trong đời sống, thúc đẩy quá trình học tập suốt đời. Do vậy, phát triển đa dạng văn hóa đọc là nhiệm vụ của các cấp, các ngành và sự chủ động đầy ý thức đối với mỗi cá nhân.

 

 PHƯƠNG DUYÊN

Có thể bạn quan tâm