Vấn nạn tự tử trong đồng bào dân tộc thiểu số gây nhiều hệ lụy

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Vấn nạn tự tử trong cộng đồng dân tộc thiểu số (DTTS) đã và đang trở thành một hiện tượng xã hội, để lại những hệ lụy, tác động tiêu cực đến đời sống xã hội, làm ảnh hưởng đến các giá trị văn hóa truyền thống.
Nước mắt người ở lại
Đã hơn 2 tháng kể từ ngày chồng tự tử nhưng nỗi đau trong lòng chị Đinh Thị A Lơh (làng Kbông, xã Lơ Ku, huyện Kbang) vẫn chưa nguôi ngoai. Gạt dòng nước mắt lăn dài trên khuôn mặt, chị A Lơh cho hay: “Cuối tháng 4 vừa rồi, sau khi uống rượu suốt một ngày một đêm, chồng mình đã lấy chai thuốc diệt cỏ ra uống. Ngay khi phát hiện, mình đưa anh ấy đi cấp cứu nhưng không kịp. Trước đó vài ngày, mình có nhắc chồng không nên uống rượu thâu đêm suốt sáng nữa mà đi làm để còn lo cho con trai mới lấy vợ”. 
Vợ chồng chị A Lơh có 7 người con, trong đó, người con đầu mới cưới vợ. Đứa bé nhất mới 7 tháng tuổi, bị suy dinh dưỡng. “Ruộng rẫy ít, vợ chồng mình phải đi làm thuê lấy tiền nuôi các con nhưng bữa được, bữa không. Giờ mình không biết phải làm sao”-chị A Lơh lo lắng cho tương lai bấp bênh của gia đình.
Tương tự, 3 năm nay, chị Đinh Thị Hlơl (làng Hơn, xã Ya Ma, huyện Kông Chro) mang trong lòng nỗi đau mất chồng, một mình vất vả nuôi đàn con thơ. Chị Hlơl và anh Đinh Hlươm lấy nhau năm 2002. Ra ở riêng, cuộc sống vốn khó khăn lại càng thêm khốn khó khi vợ chồng chị liên tù tì sinh 6 đứa con. Những lúc nói chuyện, thỉnh thoảng anh Hlươm hay so bì, nói mình không bằng chúng bằng bạn. Nghe vậy, chị mừng vì chồng biết suy nghĩ, tưởng anh sẽ cố gắng làm lụng nuôi con. Nào ngờ, anh lại chọn cái chết để giải thoát.
“Tôi đang ở rẫy thì hay tin chồng uống rượu say rồi vắt dây lên cột nhà treo cổ tự tử. Sau cái chết của chồng, ngôi nhà đó bỏ không, mấy mẹ con tôi đi ở nhờ bà con trong xóm. Đầu năm 2018, xã và bà con dân làng dựng cho mấy mẹ con căn nhà tôn rộng hơn 30 m2 để ở”-chị Hlơl nói.
Sau khi cha chết, em Đinh Thị Tial (SN 2003, con đầu của vợ chồng chị Hlơl) phải nghỉ học ở nhà đi làm phụ giúp mẹ. Tial tâm sự: “Mặc dù hay uống rượu nhưng ba rất thương chúng em. Những lúc rảnh, ba chở chúng em đi học. Giá mà ba đừng chết”.
3 năm sau khi chồng tìm đến cái chết, chị Đinh Thị Hlơl (làng Hơn, xã Ya Ma, huyện Kông Chro) và các con vẫn chưa nguôi ngoai. Ảnh: N.M
3 năm sau khi chồng tìm đến cái chết, chị Đinh Thị Hlơl (làng Hơn, xã Ya Ma, huyện Kông Chro) và các con vẫn chưa nguôi ngoai nỗi đau. Ảnh: Ngọc Minh
Theo thống kê của Ban Dân vận Huyện ủy Kbang, có trên 80% số vụ tự tử liên quan đến người đã sử dụng rượu bia hoặc mâu thuẫn không thể giải quyết. Mặt khác, đặc điểm tính cách, tâm lý của người DTTS là bộc trực, trọng tình nghĩa nhưng cũng rất tự ti, mặc cảm, thường sống khép kín. Khi gặp bế tắc trong cuộc sống, nhiều người chọn cách tự kết liễu đời mình.
Ông Vũ Văn Hải-Trưởng ban Dân vận Huyện ủy, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam huyện Kbang-cho rằng: Thực tế cho thấy, vấn nạn tự tử trong cộng đồng DTTS đã và đang trở thành một hiện tượng xã hội, để lại những hệ lụy, tác động tiêu cực đến đời sống xã hội, làm ảnh hưởng đến các giá trị văn hóa truyền thống của đồng bào DTTS. Vấn nạn tự tử khiến nhiều gia đình rơi vào cảnh mất người thân, thiếu lao động, gặp khó khăn về kinh tế.
Làm gì để đẩy lùi vấn nạn tự tử?
Theo thống kê của Ban Dân vận Huyện ủy Kbang, từ năm 2016 đến tháng 5-2020, trên địa bàn huyện xảy ra 196 vụ tự tử, làm chết 170 người. Các vụ tự tử này xảy ra ở 13/14 xã, thị trấn, nhiều nhất là xã Krong với 50 vụ, làm chết 42 người. 
Ông Lê Văn Quang-Chủ tịch UBND xã Đak Rong-cho hay: Trước vấn nạn tự tử diễn biến phức tạp, xã chỉ đạo các tổ hòa giải nắm bắt kịp thời những mâu thuẫn khi mới phát sinh để tuyên truyền, vận động; tích cực tuyên truyền nâng cao nhận thức để người dân không uống rượu nhiều, vừa ảnh hưởng đến sức khỏe, vừa ảnh hưởng đến tư tưởng, tâm lý; thực hiện các giải pháp quản lý kinh doanh rượu bia; thành lập và duy trì hoạt động của đội ngũ tuyên truyền viên nhằm tuyên truyền kịp thời đến nhân dân. Bên cạnh đó, xã tập trung hỗ trợ nhân dân phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo, nâng cao chất lượng cuộc sống; tuyên truyền bài trừ các hủ tục để nâng cao nhận thức của người dân, góp phần giảm thiểu vấn nạn tự tử.
Đại diện Ủy ban Mặt trận Tổ quốc xã Lơ Ku, huyện Kbang đến thăm hỏi, động viên mẹ con chị Đinh Thị A Lơh. Ảnh:Ngọc Minh
Đại diện Ủy ban MTTQ Việt Nam xã Lơ Ku (huyện Kbang) đến thăm hỏi, động viên mẹ con chị Đinh Thị A Lơh. Ảnh:Ngọc Minh
Huyện Kông Chro từng là địa phương có số vụ tự tử cao nhất tỉnh. Chỉ trong vòng 3 năm (2010-2013), trên địa bàn huyện có 327 vụ tự tử. Ông Đỗ Hà Quang-Phó Trưởng ban Tuyên giáo Huyện ủy Kông Chro-cho biết: Nhằm hạn chế tình trạng người DTTS tự tử, Ban Thường vụ Huyện ủy đã chỉ đạo các ngành chức năng phối hợp với cấp ủy, chính quyền các xã, thị trấn tuyên truyền nâng cao nhận thức và rèn luyện kỹ năng sống; nâng cao năng lực quản lý, củng cố nền nếp kỷ cương, tổ chức kỷ luật theo hương ước, quy ước một cách khoa học và hiệu quả; phát huy hoạt động của Câu lạc bộ “Vì cuộc sống tươi đẹp”… Ngoài ra, huyện chú trọng xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư”, xây dựng làng văn hóa, gia đình văn hóa... Nhờ vậy, những năm gần đây, số vụ tự tử giảm rõ rệt. Riêng 6 tháng đầu năm 2020, toàn huyện xảy ra 4 vụ tự tử.
Nhằm hạn chế vấn nạn trên, Trưởng ban Dân vận Huyện ủy, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam huyện Kbang cho biết: Huyện tiếp tục duy trì và khôi phục các lễ hội truyền thống, những phong tục tập quán tốt đẹp; thực hiện tốt các chương trình kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào DTTS; huy động các nguồn lực để đẩy mạnh công tác giảm nghèo bền vững; đảm bảo an sinh xã hội, đào tạo nghề, tạo việc làm cho người lao động; phát triển văn hóa, giáo dục-đào tạo; tăng cường công tác khám-chữa bệnh vùng đồng bào DTTS. Cùng với đó, huyện rà soát, phân loại 6 nhóm người có nguy cơ dẫn đến hành vi tự tử… để có biện pháp can thiệp kịp thời.
NGỌC MINH

Có thể bạn quan tâm