(GLO)- Vài năm trở lại đây, đánh vào hoàn cảnh và tâm lý cả tin của người dân, nhiều đối tượng đã lừa đảo trót lọt với thủ đoạn tự xưng là cán bộ một tổ chức có lòng hảo tâm hoặc là đơn vị trung gian chuyển quà, đồng thời yêu cầu người dân muốn được hỗ trợ hoặc nhận quà tặng thì phải ứng trước một khoản tiền để làm thủ tục.
Trao đổi với P.V Báo Gia Lai, chị Lê Thị Thúy Hòa-ngụ xã Lơ Pang, huyện Mang Yang, mẹ cô học trò xương thủy tinh Đinh Hương (nhân vật trong các bài viết trên báo Gia Lai tháng 9-2014 và tháng 2-2015) cho biết: Sáng 27-2, có một người đàn ông gọi điện đến số máy của chị tự xưng là cán bộ một ngân hàng trên địa bàn TP. Pleiku. Người này thông báo: Qua các phương tiện truyền thông, ngân hàng biết đến hoàn cảnh khó khăn của gia đình nên quyết định hỗ trợ trên 200 triệu đồng.
Ảnh minh họa |
Nhưng để có chi phí làm thủ tục, đối tượng đề nghị gia đình chuyển 500.000 đồng bằng thẻ cào qua điện thoại của mình và hứa chiều cùng ngày sẽ đến trao số tiền hỗ trợ. Chị Hòa cũng được dặn đi dặn lại là không được báo cho ai biết vì đây là chuyện riêng của ngân hàng và gia đình. Thấy chị Hòa chưa chuyển tiền, đối tượng liên tục gọi điện hối thúc. Khi chị Hòa cho biết sẽ mời Công an xã và chính quyền địa phương đến cùng gia đình để chứng kiến ngân hàng trao tiền hỗ trợ thì đối tượng này mới “cụp đuôi”.
Xung quanh thủ đoạn lừa đảo này, Đại tá Phạm Văn Chẩn-Trưởng phòng Tham mưu Công an tỉnh, đánh giá: Đây là một trong những thủ đoạn lừa đảo để chiếm đoạt tài sản khá phổ biến trong vài năm trở lại đây, tuy không mới nhưng vẫn có nhiều người bị mắc lừa do cả tin (dù Công an tỉnh đã nhiều lần thông báo đến các địa phương). Thông thường, thủ đoạn của kẻ lừa đảo là gọi điện (hoặc qua email) thông báo cho nạn nhân biết có một người bạn hay người thân gửi một món quà hoặc một số tiền trị giá tương đối lớn. Người nhận để nhận được món quà/số tiền này thì cần gửi một khoản tiền từ vài trăm ngàn đồng đến vài triệu đồng (qua thẻ cào điện thoại) để làm thủ tục chuyển. Thậm chí, Đại tá Chẩn còn cho biết một trường hợp khá hy hữu xảy ra tại huyện Đức Cơ vào năm 2014, khi nạn nhân trình báo là đã bị lừa với thủ đoạn tương tự và số tiền anh này tự tay “dâng” cho bọn lừa đảo lên đến 200 triệu đồng!
Theo Đại tá Chẩn, thủ đoạn lừa đảo này đã diễn ra nhiều nơi không riêng tại Gia Lai mà còn ở nhiều tỉnh thành khác. Đặc biệt, các đối tượng này thường nhắm vào “con mồi” là người dân ở những vùng khó khăn, vùng thiếu thông tin. Khi người dân đến trình báo với Công an tỉnh, cơ quan chức năng đã tiến hành các biện pháp điều tra nhưng thông thường rất khó nắm bắt và xử lý vì đối tượng thường dùng sim rác, sau đó bỏ sim ngay. Đại tá Chẩn cảnh báo: “Người dân cần nâng cao cảnh giác, khi nhận được những cuộc gọi như trên thì chớ vội tin mà nên đến cơ quan chức năng trình báo để làm rõ. Nếu người dân tiếp tục giữ liên lạc bằng điện thoại với đối tượng thì cơ quan chức năng sẽ từ đó lần ra manh mối để điều tra vụ việc”.
Phương Duyên