Phóng sự - Ký sự

Vắng dần vú sữa Ia Nueng

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Bên những nếp nhà yên bình của làng Ia Nueng (xã Biển Hồ, TP. Pleiku), hàng cây vú sữa cổ thụ tỏa bóng mát và trĩu quả. Tuy nhiên, loài cây vốn được coi là đặc sản ấy đang dần vắng bóng bởi thú chơi cây cảnh.


“Di sản” của làng

Tháng 3, hàng loạt cây vú sữa ở làng Ia Nueng sum suê quả. Người Jrai ở ngôi làng nằm ven “đôi mắt Pleiku” này chẳng biết loài cây ấy được trồng từ bao giờ. Ngay cả những người lớn tuổi nhất làng khi lớn lên đã thấy tán vú sữa phủ lên mái nhà tự thuở nào. Tuy đã ngoài 70 tuổi nhưng già làng Hmrik hóm hỉnh nói rằng, mình chỉ đáng tuổi con cháu so với nhiều cây vú sữa cổ thụ trong làng. Từ bé, ông đã tung tăng nô đùa dưới những tán cây và mang máng câu chuyện về nguồn gốc cây vú sữa. “Mình chỉ nghe cha mẹ kể, có một người tên là Kliu lấy về rất nhiều giống cây vú sữa phát cho dân làng, mỗi nhà trồng 1-2 cây để làm bóng mát và có quả ăn. Không ngờ cây bén rễ đến tận bây giờ”-già Hmrik hồi tưởng.

Một cây vú sữa cổ thụ ở làng Ia Nueng. Ảnh: Lê Văn Ngọc
Một cây vú sữa cổ thụ ở làng Ia Nueng. Ảnh: Lê Văn Ngọc

Vừa mời chúng tôi thưởng thức một trái vú sữa nếp ngọt lịm, già Hmrik vừa tự hào bảo rằng không ở đâu vú sữa nhiều trái mà lại ngọt thơm như ở Ia Nueng. Phải chăng, cây vú sữa trồng ở vùng đất này được “uống” nguồn nước của Biển Hồ nên mới đặc biệt như vậy? Vú sữa Ia Nueng dường như không bị bào mòn, già cỗi bởi thời gian mà thậm chí càng lâu năm, cây càng xòe tán to đẹp và cho quả ngọt hơn.
 
Rảo bước trên những con đường bê tông dọc ngang trong làng không khó để bắt gặp những cây vú sữa cổ thụ hàng trăm năm tuổi. Với người làng, loài cây này được coi như “di sản”. Nằm ở khu vực ven đô, ngôi làng trải qua bao bể dâu của thời cuộc, những mái nhà cũ ngả màu rồi thay bằng những ngôi nhà mới khang trang óng ánh nước sơn, nhưng cây vú sữa thì vẫn bám trụ ở đó, đều đặn ra quả vào tháng 3 Tây Nguyên.

Những năm gần đây, đời sống dân làng khó khăn vì giá cà phê, hồ tiêu xuống thấp. Vì vậy, cây vú sữa bỗng trở thành nguồn thu nhập chính giúp người dân vượt qua lúc khó khăn. Không chỉ bán lẻ cho người dân tại địa phương, vú sữa Ia Nueng còn theo các chuyến xe ngược xuôi Nam-Bắc và trở thành món quà quê dân dã đậm đà hương vị. Bà Ksor H’Nhiên bày tỏ: “Mấy năm gần đây, vú sữa được mùa. Khách du lịch đến tham quan Biển Hồ nhân tiện ghé vào làng mua vú sữa. Vú sữa Ia Nueng vừa sạch, vừa ngon. Cây nào sai thì được vài tạ quả. Nếu bán với giá 25-30 ngàn đồng/kg thì cũng có thu nhập kha khá”.

Vú sữa được bày bán tại Khu du lịch Biển Hồ. Ảnh: Lê Văn Ngọc
Vú sữa được bày bán tại Khu du lịch Biển Hồ. Ảnh: Lê Văn Ngọc

Không chỉ bổ sung cho “nồi cơm” của nhiều gia đình, cây vú sữa ở Ia Nueng còn trở thành một trong những “nguyên liệu” cho câu chuyện du lịch trải nghiệm khi ngành “công nghiệp không khói” đang phát triển mạnh mẽ. Già làng Hmrik hồ hởi: “Khách du lịch có dịp bước vào làng thì mê ngay cây vú sữa, nhất là vào mùa quả chín. Người ta thích được tận tay hái những quả chín từ trên cây xuống rồi thưởng thức ngay dưới gốc cây. Thậm chí, có đoàn làm phim ca nhạc còn tìm đến quay ở những gốc cây vú sữa cổ thụ có tán đẹp. Họ nói rằng cây vú sữa ở đây đẹp quá, hiếm thấy ở nơi nào”.

Quả vú sữa từ lâu mang lại thu nhập ổn định cho người dân làng Ia Nueng. Ảnh: Lê Văn Ngọc
Quả vú sữa từ lâu mang lại thu nhập ổn định cho người dân làng Ia Nueng. Ảnh: Lê Văn Ngọc

Nguy cơ “chảy máu”

Thời gian gần đây, khi thú chơi cây cảnh nở rộ, nhiều người dân coi cây vú sữa như bảo vật. Tuy nhiên, cũng có một số người dân sẵn sàng bán cây với giá cao để thu về món tiền lớn. Một người môi giới cây cảnh tại làng Ia Nueng cho biết: “Nhiều vùng không trồng được cây vú sữa hoặc trồng nhưng ra ít quả và dáng thế không đẹp. Cây vú sữa làng Ia Nueng tán đẹp, gốc to, tuổi thọ cao nên giới chơi cây cảnh rất chuộng”.
 
Cũng theo người môi giới này, mỗi cây vú sữa được bán với giá 15-50 triệu đồng, tùy theo thẩm mỹ của người mua. Thậm chí có những cây bán với giá hơn 80 triệu đồng. Một số người dân trong làng vì cần tiền xây dựng nhà ở hoặc vì hoàn cảnh khó khăn đã buộc lòng phải bán cây vú sữa trong vườn. Hiện nay, chỉ cần người dân gật đầu thì thương lái sẽ đến thương lượng và cho người đến đào cây vận chuyển đi nơi khác.

Ở nhiều nơi trong làng trước kia rợp bóng vú sữa với tiếng ve kêu râm ran, lũ trẻ vô tư chơi đùa thì hiện tại chỉ còn những khoảng trống huơ trống hoác. Ngay cả những người đã trót bán cây vú sữa cũng mang nỗi lòng man mác. Trò chuyện cùng tôi, một người dân trong làng buồn bã: “Vì nợ nần nên mình đã phải bán 1 cây với giá  25 triệu đồng. Giờ cây bán rồi, hiên nhà trống vắng. Mình cũng trồng lại mấy cây nhưng không biết đến bao giờ mới được như cây cũ”.

Mang nỗi niềm trăn trở, già Hmrik chia sẻ: “Nhiều người vì thấy cây vú sữa được giá nên bán, thật đáng tiếc. Khi họp làng, mình cũng thường nói với bà con rằng cây vú sữa gắn bó với mình cả đời người, cho mình trái ngọt, mang lại thu nhập tốt, con cái có cơm ăn, có bút vở đến trường, cho ta bóng mát. Vì vậy, bà con không được bán cây nữa. Đa số bà con cũng đồng tình vì muốn có chút gì đó để tự hào, khoe với các ngôi làng khác, để du khách có chốn tham quan. Tuy nhiên, vì khó khăn, túng bấn nên thi thoảng lại có người lặng lẽ đào bán cây đi”.

*

Hoàng hôn xuống, nắng vàng xuyên qua từng kẽ lá của tán cây vú sữa cổ thụ làng Ia Nueng khiến chúng tôi không khỏi bâng khuâng. Liệu rằng, những tán cây ấy có bị xoay chuyển bởi câu chuyện “kim tiền” hay người Jrai ở Ia Nueng sẽ nặng lòng bảo tồn, bởi vú sữa nơi đây đã không chỉ đơn thuần là một loài cây.

LÊ VĂN NGỌC

 

Có thể bạn quan tâm