Phóng sự - Ký sự

"Vàng trắng" nơi miền đất đỏ

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Họ trở dậy khi những người khác vừa đi ngủ, trong cánh rừng đêm đen sẫm, chỉ thấy loang loáng ánh đèn pin. Cho đến khi trời ửng đỏ, họ mới ngơi công việc thu hoạch “vàng trắng” miền đất đỏ.
Lấy vất vả làm kế mưu sinh
Mới hơn 1 giờ sáng, những tiếng í ới gọi nhau ở Mỹ Thạch (H. Chư Sê, Gia Lai) đã vang lên. Cả không gian vẫn đang chìm trong màn đêm đen thẫm, loáng thoáng đầu xóm cuối thôn là tiếng bước chân, tiếng thùng sắt va nhau loảng xoảng, rồi những ánh đèn loang loáng rồng rắn theo nhau đi. Họ bắt đầu vào đêm làm việc.
Nơi này, cũng như bạt ngàn những nơi khác có cao su đang thu hoạch, đều chung một lịch làm việc như vậy, họ lấy đêm làm ngày, lấy vất vả làm kế mưu sinh, lấy ánh đèn đêm thay ngọn đuốc soi đường. Từng người từng người, tất tả và cặm cụi, cần mẫn và lặng lẽ. Giữa đêm lạnh nơi sương mù giăng nhẹ trên những ngọn cây cao, đi vào rừng cao su bạt ngàn mới thấy nỗi nhọc nhằn của những công nhân thu hoạch “vàng trắng”.

Những rừng cao su ở khắp các vùng Tây Nguyên, Đông nam Bộ, miền Trung đang vào mùa cạo mủ.
Những rừng cao su ở khắp các vùng Tây Nguyên, Đông nam Bộ, miền Trung đang vào mùa cạo mủ.
Nghề cạo mủ cao su là công việc chính của hàng trăm hộ gia đình ở nơi đây và cũng là của hàng nghìn hộ gia đình khác ở khắp các vùng Tây Nguyên, Đông Nam Bộ, một số tỉnh miền Trung. Những người cạo mủ ở xứ cao nguyên này hôm nào vũng vậy, cứ lúc nửa đêm là họ lại lọ mọ dậy chuẩn bị dao cạo, đèn pin, xô đựng mủ cùng lọ dầu phòng gió lạnh để vào rừng. Anh Hoàng Quốc Tiến (45 tuổi), có thâm niên gần 20 năm cùng vợ đi vào sâu trong rừng, nơi anh được “phân lô” để cạo mủ.
Sương đêm càng dày đặc, cái lạnh của mùa mưa cao nguyên càng lúc càng tê tái.  Giữa rừng cao su bạt ngàn, tối om như mực, ngoài hai vợ chồng anh còn có hàng chục người khác. Tất cả chỉ có thể nhận ra nhau bằng ánh đèn pin của họ đang lóe sáng ở gốc cây. Hòa vào trong ánh sáng mờ ảo ấy có những tiếng nói cười khiến không khí tại khu rừng trở nên náo nhiệt hơn. Dưới ánh đèn pin lúc tỏ, lúc mờ, anh Tiến rạch từng đường lên thân cây cao su. Những nhát cạo chẳng cần ước lượng, chẳng tính toán nhưng lại chính xác như được đo bằng máy. Sau đó, khi dòng chất lỏng trắng tinh chảy xuống từ đường cạo, một chiếc bát bằng gốm được đặt ngay dưới vết cạo để hứng dòng mủ chảy xuống. Cứ như thế, vợ chồng anh cũng như hàng chục người khác đi hết cây nọ đến cây kia, hàng cây này qua hàng cây khác. Lần lượt, lần lượt, cho đến hết đêm...
Anh Tiến cho biết, bắt đầu từ tháng 3 đến tháng 12 âm lịch là vào mùa cạo mủ cao su. Tuy nhiên, thời điểm chính vụ là tháng 7-8. Trong những ngày vào vụ, các công nhân phải làm hết sức mới có thể kịp. Bình quân mỗi giờ công nhân cạo được khoảng 250 cây cao su. Có gia đình nhận khoán tới vài ha. “Nếu một mình cạo thì từ nửa đêm tới hơn 5h sáng mới xong, nếu cả gia đình làm phụ thì được nghỉ sớm hơn. Đến khoảng 7h sáng sẽ ra thu gom mủ mang xuống nhà máy”, anh Tiến cho hay.

Khi mọi người đang ngủ say thì chị Lý đã bắt đầu cho ngày làm việc mới.
Khi mọi người đang ngủ say thì chị Lý đã bắt đầu cho ngày làm việc mới.
Từng có một thời gian, giá mủ cao su xuống thấp, nhiều người lo lắng vì công việc của mình, về thu nhập cũng như hàng loạt kế sinh nhai khác. Bởi với nhiều người, thu nhập chính của họ phụ thuộc vào việc cạo mủ cao su hằng đêm cho các công ty cao su. Thêm nữa là tăng gia cho những vườn cao su của riêng mình. Năm 2019, có lẽ là năm u ám của ngành cao su cả nước, khi mủ cao su vào thời kỳ mất giá, nhiều nông trường phải cắt giảm chi phí, cắt giảm nhân công, giảm những diện tích cao su già cỗi để trồng mới hoặc trồng những loại cây khác. Thời điểm đó, hàng ngàn công nhân cao su nơm nớp lo lắng về thu nhập của mình. Có người không trụ nổi vì công việc và thu nhập bấp bênh đã tìm việc khác để nuôi sống gia đình, có người thì vẫn cần mẫn bám trụ lại với “vàng trắng” từng đêm, dù đối diện nhiều khó khăn vất vả.
Gần 10 năm theo nghề, chị Trần Thị Nhung cũng đã chứng kiến nhiều giai đoạn thăng trầm của ngành cao su. Có thời điểm giá cao su cao ngất ngưởng nhưng cũng có lúc không bù nổi giá thành sản xuất, tiền lương công nhân chỉ được quy ra gạo. Chính vì sự bấp bênh và khó khăn ấy nên nhiều công nhân không bám nổi nghề, phải bỏ vườn cây ra ngoài sinh sống. “Có nhiều người không theo được nên đã bỏ nghề. Ngày trước, trong xóm tôi có hàng chục người đi nhưng nay bỏ hết rồi, chỉ còn khoảng 5 người theo nghề”, chị Nhung bộc bạch.
Năm 2021, dẫu ảnh hưởng bởi dịch bệnh và nhiều vấn đề kinh tế - xã hội khác nhưng giá cao su xuất khẩu bình quân của Việt Nam tăng 6,8% so với cùng kỳ năm trước, đã góp phần làm tăng 10,7% kim ngạch xuất khẩu so với cùng kỳ năm 2021. Cũng theo báo cáo của ngành cao su, những tháng đầu năm 2022, xuất khẩu cao su sang Trung Quốc suy giảm mạnh cả về lượng và giá trị.
Tuy nhiên, xuất khẩu cao su của Việt Nam đã tăng mạnh ở nhiều thị trường khác: Mỹ, Hàn Quốc, Ấn Độ..., nhờ vậy khối lượng cao su xuất khẩu vẫn tăng nhẹ. Với  vị trí thứ 3 toàn cầu về giá trị xuất khẩu, cao su Việt Nam đã có mặt tại hơn 80 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới. Bên cạnh việc giá cao su xuất khẩu tăng mạnh, thành công còn đến từ việc cao su Việt Nam đang ngày càng thâm nhập sâu hơn vào nhiều thị trường quan trọng.
Đó, có lẽ là động lực không chỉ với những người lãnh đạo trong ngành, với các nông trường mà còn cả với những công nhân cao su đang ngày đêm làm việc. Và, những người bám trụ lại với đêm đen trong rừng cao su cũng được đền đáp công sức của mình khi thu nhập ngày càng cao hơn, đảm bảo được đời sống gia đình và hy vọng vào sự phát triển của ngành.

Những người cạo mủ ban đêm đối mặt với nhiều nguy hiểm.
Những người cạo mủ ban đêm đối mặt với nhiều nguy hiểm.
Nỗi niềm thấm đẫm sương đêm
Trong rừng cao su bạt ngàn và bóng đêm bủa vây, phải có một trái tim bằng thép mới có thể vơi bớt nỗi sợ bóng đêm vốn cố hữu ở mỗi người. “Mần quen rồi, có sợ chi”, một phụ nữ vừa lùi, vừa cạo mảnh vỏ cây thật mỏng, bộc bạch. Đêm thật lạnh nhưng trên khuôn mặt chị lấm tấm mồ hôi, thi thoảng chảy xuống thành giọt rơi loáng qua ánh đèn pin nhập nhoạng. Có cùng đêm với họ mới thấu hiểu sự vất vả, nhọc nhằn của những người sống về đêm như thế này.
Vừa cạo mủ, chị Nguyễn Thị Lý vừa kể chuyện về nghề sau 10 năm đi cạo mủ cao su. “Có lẽ, không nghề nào cực bằng, đêm thì đi làm, ngày thì chợp mắt được vài tiếng rồi lại phải dậy. Nhiều người bảo tôi bỏ nghề nhưng giờ mà bỏ thì không biết làm nghề gì nữa nên đành phải cố gắng thôi”, chị Lý chia sẻ. Theo chị, mỗi ngày thợ cạo mủ phải làm đúng 8 tiếng, từ 2- 9h sáng. Không chỉ mất ngủ mà trong quá trình làm việc, các công nhân còn gặp nhiều nguy hiểm khó lường.
Với những người cạo mủ ban đêm, nguy hiểm rình rập là điều khó tránh khỏi. Bình thường, khi vào rừng cạo mủ, mỗi người một hàng và tuy theo khả năng cạo, có người cạo nhanh, có người cạo chậm. Nhiều lúc mải mê cạo, ngẩng đầu lên chẳng thấy ai bên mình nữa, những người cạo chung đã đi cách xa vài chục mét. Có đêm gặp rắn, rết tấn công là chuyện thường. Một đêm cuối tháng 9 năm trước, khi đang say sưa cạo mủ, anh Tiến chợt nhận ra tiếng động kì lạ, “phì... phì...”. Anh liếc mắt nhìn qua hướng có tiếng động thì phát hiện một con rắn hổ mang lớn đang ngổm đầu dậy. Theo phản xạ tự nhiên, anh đưa con dao cạo mủ một đường, con rắn bị thương vội vã bò vào đám lá đi mất. Nhưng, từ lúc ấy, anh Tiến vừa cạo, vừa thấp thỏm lo âu. Bởi đêm còn dài và con rắn đó vẫn quanh quẩn đâu đây. Giữa màn đêm, dưới những cánh rừng cao su trải dài như bất tận ấy, cuộc sống của những người thợ vẫn luôn nguy hiểm rập rình. Để kiếm lấy đồng tiền từ đêm, đã không ít người phải mang nỗi khiếp sợ suốt đời.
Làm công nhân cạo mủ đêm nghĩa là phải chịu thức đêm, ngủ ngày, chấp nhận rủi rovà tai nạn nghề nghiệp. Dẫu biết rằng, giữa những lô cao su ấy chẳng hề thiếu những hiểm nguy nhưng họ vẫn luôn gồng mình đi trong nỗi sợ hãi của đêm.
Chị Lý chia sẻ, thông thường, cạo mủ sẽ đi giật lùi quanh thân cây nên nhiều khi vướng cành cây, bị ngã, bị thương là thường. Có những phụ nữ đêm đi cạo mủ, mấy đứa con thì đang tuổi ăn tuổi học, đêmmẹ dậy đi làm thì mấy đứa đang ngủ cả. Đến khi ngớt việc, về thì con đã đi học, tranh thủ nghỉ ngơi rồi lại tất bật với những công việc mưu sinh khác, cả nhà chỉ có thể nhìn thấy nhau vào mỗi buổi tối ngắn ngủi.

Ngoài dao cạo, xô đựng thì đèn pin là thiết bị luôn “đồng hành” cùng người thợ.
Ngoài dao cạo, xô đựng thì đèn pin là thiết bị luôn “đồng hành” cùng người thợ.
Công việc nhọc nhằn, ngủ ngày làm đêm, ngày nào đi làm về cũng mệt rã rời. Nhiều khi muốn bỏ nghề nhưng vì cuộc mưu sinh nên họ vẫn gắng làm. Và, với những nữ công nhân ấy, còn một nỗi lo lắng khác ngoài chuyện thời tiết, rắn rết, là những tên “yêu râu xanh”. Chị Lý cũng có một lần khi đang cạo mủ gần đường lớn thì bị mấy người đàn ông nhậu say về khuya tạt vào chọc ghẹo. Một thân một mình giữa rừng, chị chỉ biết vùng chạy và tri hô để những bạn cạo chạy tới hỗ trợ. Rất may, lần đó chị không hề hấn gì. Vậy nên, chỉ cần được nhìn thấy những ánh đèn của đồng nghiệp từ các lô cao su xa xa là chị cảm thấy yên lòng. Nhưng, đôi khi, chỉ tiếng cành cây rơi cũng đủ làm chị mất hết hồn vía. Không chỉ thế, người cạo mủ đêm còn có thể bị trộm xe, cướp tài sản...
Nhiều công nhân lúc đi cạo để xe ở giữa đám lô, đến khi cạo xong quay lại thì thấy xe đã không cánh mà bay. Để mưu sinh, con người ta có không ít cách, nhưng họ vẫn chọn cái nghề thợ cạo. Bởi đó không chỉ là nghề, qua đó “chúng tôi được lớn lên từng ngày và nỗi sợ lại bé dần theo năm tháng”,như cái cách mà một chịvừa tếu táo nói khi giọt mồ hôi đổ xuống giữa đêm đen.
Khoảng 6 giờ sáng, khi hừng đông đã mấp mé xua đi màn sương mỏng, cũng là lúc những miệng cạo cuối cùng được hoàn tất. Những người thợ mang cơm trong cặp lồng ra ăn vội vã rồi giăng võng ra nằm chờ mủ chảy để thu hoạch.
Những dòng mủ trắng tinh tuôn chảy thành dòng thì ở phía bên kia, giấc ngủ muộn của người thợ cạo cũng bắt đầu khi những tia nắng đầu tiên trong ngày đổ xuống rừng cây, như những cái giếng khổng lồ, cao vút, gờn gợn khói. Sự mệt mỏi thể hiện ngay trong từng hơi thở của họ. Giữa không gian bạt ngàn cao su, tiếng ngáy ngủ nghe vang đến nao lòng...
Theo Tiêu Dao (cand.com.vn)

Có thể bạn quan tâm