Phóng sự - Ký sự

Vào rừng... chăm voi

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News

Trong bối cảnh đàn voi nhà đứng trước nguy cơ tuyệt chủng, Trung tâm Bảo tồn voi Đắk Lắk quyết định chấm dứt các hoạt động liên quan đến du lịch cưỡi voi và thay thế bằng những trải nghiệm thân thiện. Voi được tự do di chuyển trong môi trường tự nhiên, không còn cảnh xiềng xích, đeo bành chở khách băng rừng vượt thác như trước đây.

Ông Y Mứt luôn theo sát voi Bun Kham
Ông Y Mứt luôn theo sát voi Bun Kham




Cho Voi sự lựa chọn

Một buổi chiều tháng sáu, tôi may mắn được theo chân bà Dionne Slagter, Quản lý phúc lợi động vật thuộc Tổ chức Động vật châu Á (đơn vị đưa ra sáng kiến, tài trợ kinh phí và hỗ trợ các kiến thức cần thiết về mô hình “du lịch nhân đạo”) vào Vườn quốc gia Yok Đôn để quan sát các hoạt động thường ngày của đàn voi. Trước khi vào rừng, nữ chuyên gia nhắc nhở 4 điều cần tuân thủ, gồm: Trang phục gọn gàng năng động, mang giày thể thao cho tiện di chuyển trong mọi tình thế; Không được đem bất kỳ loại thức ăn nào cho voi; chỉ được đứng từ xa quan sát, không được lại gần voi, đi nhẹ nói khẽ tránh gây tiếng động; Không được đứng trước mặt voi, khi chụp ảnh quay phim không được sử dụng đèn flash khiến voi sợ hãi.

Chúng tôi tiến thẳng vào rừng. Chậm rãi theo sau voi, bà Dionne Slagter chia sẻ: “Mỗi con voi có sở thích, tính cách khác nhau. Voi Y Khun này thích sự yên tĩnh, hễ nghe tiếng động hay thấy người lạ, nó sẽ lập tức bỏ đi nơi khác”.

Quả đúng như vậy, phát hiện có người, voi Y Khun bước thật nhanh và không quên vươn vòi quật lấy thức ăn cho vào miệng. Còn nàng voi Bun Kham thì ngược lại, rất hào hứng và thích nơi đông vui. Thấy chúng tôi trò chuyện, Bun Kham đến gần, vểnh tai lắng nghe tầm 1-2 phút rồi tiếp tục ăn. Voi biết lắng nghe bằng tai và dùng đôi mắt để quan sát, cảm nhận mọi thứ quanh mình. Đặc biệt, chúng có thể giao tiếp, liên lạc với nhau dù cách xa cả hàng dặm thông qua các tín hiệu riêng.

Công việc chính của quản tượng chủ yếu là đi theo voi vào rừng để bảo vệ voi, theo dõi mọi sinh hoạt cùng thói quen ăn - uống của chúng. Anh Y Mức Kđoh- quản tượng voi Y Khun cho hay: Trung bình mỗi con voi trưởng thành cần hơn 2 tạ thức ăn/ngày. Chúng chủ yếu ăn cỏ và ngọn các loại cây trong rừng, trong đó tre non là món voi khoái ăn nhất. voi cũng uống nhiều nước, ngày chúng uống cả chục lần. Bây giờ, voi vào rừng được tự do di chuyển, vừa ăn vừa chơi chứ không phải vội vàng như thời phục vụ khách du lịch.

Theo bà Dionne Slagter, khó khăn lớn nhất đối với quản tượng là giữ cho voi vui và hạnh phúc. Nếu được như thế, voi sẽ biết nghe lời, dần hình thành mối quan hệ thân thiết với quản tượng. Người chăm voi không được dùng roi, gậy để khống chế voi, mà chỉ lời nói để điều khiển. Cách bảo tồn lâu bền, hiệu quả nhất là để voi về với thiên nhiên hoang dã, để chúng có không gian tự do vui chơi ăn ngủ. Khi tinh thần thoải mái, voi mới có thời gian tìm đến bạn đời. Việc dùng voi chở khách du lịch đã bào mòn sức lực, làm mất bản năng sinh tồn của chúng... Lý do Tổ chức Động vật châu Á có mặt tại Trung tâm Bảo tồn voi Đắk Lắk là hỗ trợ theo dõi, hướng dẫn quản tượng chăm sóc đàn voi; giúp mô hình “du lịch nhân đạo” phát triển, thu hút khách du lịch để có nguồn lực bảo tồn đàn voi. “Hãy để voi về đúng môi trường sống và cho chúng sự lựa chọn. Từ đó tạo ra mối quan hệ hài hòa, mật thiết giữa con người với voi”.

Ăn ngủ cùng Voi

Gắn bó với Bun Kham ngay từ những ngày đầu tiên, ông Y Mứt Mlô tâm sự luôn coi voi như người thân trong gia đình. Ông Y Mứt nhớ lại: Năm 1990, Vườn quốc gia Yok Đôn phải bỏ ra một số tiền khá lớn để mua Bun Kham từ một thợ chuyên săn bắt voi rừng. Khi đó, Bun Kham mới là một bé voi khoảng 2,5 tuổi, có bộ lông mượt tuyệt đẹp nhưng bản tính ương bướng khiến nhiều quản tượng chào thua.

 

 Bà Dionne Slagter chia sẻ lợi ích từ mô hình du lịch thân thiện
Bà Dionne Slagter chia sẻ lợi ích từ mô hình du lịch thân thiện



Nhờ có kinh nghiệm trong săn bắt, thuần dưỡng voi rừng, ông Y Mứt đã thuần phục và đặt tên cho nàng voi là Bun Kham (theo tiếng Lào là Cô gái Vàng). “Mới đầu nó cứng đầu lắm lại còn hung dữ không cho ai đến gần. Mình phải kiên nhẫn đưa đi ăn, cho xuống sông tắm mát... mấy tháng sau nó mới chịu nghe lời. Giờ lớn rồi cũng vậy, chỉ mỗi mình mới điều khiển được nó thôi”.

Thời Bun Kham còn chở khách, ông Y Mứt rất thương và lo lắng cho sức khỏe của voi. Sợ Bun Kham đói, ông trồng một vườn chuối, mỗi ngày đốn vài cây cho voi ăn. Vào mùa khô thức ăn khan hiếm, ông bỏ tiền túi mua thức ăn thêm cho voi. Lắm hôm Bun Kham trật xích đi phá hoa màu của dân. Voi làm - quản tượng chịu, ông phải bấm bụng đền tiền. Một năm voi phá vài vụ, mỗi vụ phải đền nhỏ thì tiền trăm, nhiều phải tiền triệu.

Lần ông Y Mứt nhớ nhất là mùa khô năm 2015, Bun Khăm bất ngờ bơi qua sông Sêrêpốk phá vườn dưa hấu bên kia bờ của dân. Sáng sớm vào rừng, ông tìm đỏ mắt không thấy voi đâu liền quay về báo cáo Trung tâm thì hay Bun Kham đang ở rẫy dưa. Dân phát hiện nhưng không dám đuổi, phải điện thoại mách. Y Mứt tức tốc qua sông. Thấy chủ đến, Bun Khăm vẫn cứng đầu, ương ngạnh buộc ông phải lớn tiếng quát mới chịu rời đi. Lần đó, ông phải đền cho chủ vườn dưa 2 triệu đồng. Xót tiền nhưng Y Mứt không buồn lắm vì voi vẫn lành lặn. Điều ông sợ nhất là voi sập bẫy hay bị kẻ xấu chặt đuôi lấy lông voi.

Ngày thường, Bun Kham rất biết nghe lời nhưng vào mùa sinh sản lại ngang bướng, khó bảo. Voi chỉ có một mùa yêu trong năm và thường rơi vào thời điểm có nhiều thức ăn. Biểu hiện đang “yêu” của chúng là đôi mắt long sòng sọc, đôi tai vểnh lên. Lúc này, nên thả voi vào rừng cho tự do di chuyển, không được đến gần hay quát mắng dễ làm voi nổi nóng.

Từ khi Bun Kham được thả vào rừng, không chở khách nữa, ông Y Mứt rất vui. Voi được tự do, ăn uống thoải mái nên tâm trạng khác hẳn. Bun Kham về rừng, ông Y Mứt cũng đi theo cả ngày lẫn đêm. Trừ khi gia đình có việc, còn lại ông dành toàn thời gian bên voi. Đến giờ ăn, ông gọi con mang cơm vào, tối móc màn ngủ luôn trong rừng. Ông hy vọng, đàn voi trong các khu du lịch cũng được trở về với môi trường thiên nhiên vốn có của chúng.

 

Để đàn voi về với tự nhiên, tỉnh Đắk Lắk đã nhận được sự nỗ lực, hỗ trợ lớn của Tổ chức Động vật châu Á. Tháng 7/2018, tổ chức này đã ký thỏa thuận hợp tác hỗ trợ chuyển đổi mô hình du lịch sử dụng voi với Vườn quốc gia Yok Đôn. Theo đó, Tổ chức Động vật châu Á sẽ tài trợ khoản tiền tổng trị giá tối đa 65.000 USD cho thời gian thực hiện Dự án 5 năm (từ năm 2018 - 2023) nhằm hỗ trợ việc triển khai phát triển mô hình du lịch thân thiện không cưỡi voi; Hợp tác tuyên truyền, giáo dục nhằm nâng cao ý thức bảo vệ và bảo tồn voi cho cộng đồng dân cư xung quanh khu vực bảo tồn và trên cả nước; Tư vấn thiết kế khu vực chăm sóc voi: đảm bảo phù hợp với mục đích và an toàn cho cả voi và khách tham quan...



Huỳnh Thủy (TPO)

Có thể bạn quan tâm