Chính trị

Quốc phòng - An ninh

Gia Lai

Về căn cứ cách mạng Krong

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Sáng 16-3, các đồng chí trong Thường trực Tỉnh ủy; cán bộ lão thành cách mạng; các đồng chí nguyên là lãnh đạo tỉnh qua các thời kỳ; đại diện lãnh đạo các ban Đảng Tỉnh ủy, MTTQ, các tổ chức chính trị-xã hội của tỉnh; đại diện lãnh đạo các huyện, thị xã, thành phố, nhiều đoàn viên thanh niên… về thăm khu căn cứ cách mạng xã Krong (huyện Kbang). Đoàn do đồng chí Dương Văn Trang-Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Gia Lai dẫn đầu.

Sau khi viếng, dâng hoa và dâng hương tại Đền tưởng niệm liệt sĩ Ka Nak, đoàn di chuyển đến vị trí đặt bia di tích căn cứ cách mạng Khu 10 tại xã Krong. Cung đường ngoằn ngoèo dài hơn 30 cây số nối trung tâm huyện Kbang với xã Krong phần lớn đã được bê tông và nhựa hóa. Thời gian đến xã, nhờ vậy, cũng được rút ngắn nhiều so với trước kia.
 

Ôn lại truyền thống cách mạng tại khu căn cứ cách mạng Krong sáng 16-3-2016. Ảnh: Hồng Thi

Trung tâm xã Krong-tức thị trấn Dân Chủ trước đây-dần hiện ra trước mắt chúng tôi. Sau ngày giải phóng, được sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, vùng đất này không ngừng thay da đổi thịt. Hạ tầng được đầu tư xây dựng kiên cố, khang trang. Trò chuyện với chúng tôi, Chủ tịch UBND xã Krong Đinh Ních phấn khởi cho biết: Sau năm 1975, đời sống nhân dân gặp nhiều khó khăn, trình độ dân trí thấp, phương thức sản xuất còn lạc hậu, tự cung tự cấp là chủ yếu. Tuy vậy, Đảng bộ, chính quyền và bà con địa phương đã từng bước khắc phục hậu quả chiến tranh; khai hoang, phục hóa phát triển sản xuất; kinh tế-xã hội của xã dần đi vào ổn định. Đến cuối năm 2015, cơ cấu cây trồng, vật nuôi từng bước chuyển dịch theo hướng từ độc canh cây lúa rẫy sang trồng các loại cây có giá trị kinh tế cao như: cà phê, bắp lai, lúa nước, bời lời đỏ, sa nhân tím, keo... Tổng diện tích gieo trồng đạt 2.943,3 ha; tổng đàn gia súc là 3.738 con; thu nhập bình quân đầu người đạt 10 triệu đồng/năm; tỷ lệ hộ nghèo giảm 6,54% so với năm 2014; 3 làng thực hiện tái định cư (Tung, Gút, Bờ Ngăn) đã cơ bản ổn định cuộc sống.

Cũng theo ông Đinh Ních, hiện nay, 23/23 làng trên địa bàn xã đã có điện và đường ô tô đến tận nơi; 83,4% hộ dân sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh; tỷ lệ trạm y tế và trường học có đủ nước sạch, nhà tiêu hợp vệ sinh đạt 100%. Toàn xã có 5 đơn vị trường học với 3 bậc học: mầm non, tiểu học và THCS với tổng số 1.454 học sinh; chất lượng dạy và học được nâng lên rõ rệt. “Một điều đáng tự hào là với truyền thống cách mạng sẵn có, dân làng Krong đều tuyệt đối tin theo Đảng, chấp hành tốt chính sách, pháp luật của Nhà nước, không tin theo luận điệu xuyên tạc của kẻ xấu”-ông Đinh Ních khoe.

 

Đồng chí Dương Văn Trang trò chuyện với người dân xã Krong. Ảnh: Đức Thụy

Dưới những tán cây cổ thụ cao to, xòe rộng bóng mát, cả đoàn của tỉnh tham gia hành trình về nguồn lần này, từ già đến trẻ, ai nấy đều rưng rưng xúc động khi cùng nhau ôn lại truyền thống cách mạng trong những năm tháng khó khăn, gian khổ, bám làng bám dân xây dựng cơ sở và phát triển lực lượng. Krong là nơi Tỉnh ủy Gia Lai chọn đứng chân trong suốt 20 năm (1955-1975). Vùng đất rộng khoảng 1 ha nằm bên bờ Tây suối Đak Kơ Bưng này là một trong những nơi Tỉnh ủy đã đề ra các quyết sách quan trọng từ năm 1972 đến năm 1975. Ông Đinh Danh-nguyên Bí thư Đảng ủy xã Krong và cũng là một người con của “thị trấn Dân Chủ”-vừa chỉ cho chúng tôi vị trí đặt hầm bí mật cùng các trụ sở, cơ quan Tỉnh ủy ngày ấy, vừa phân tích: “Do địa thế núi rừng hiểm trở cộng với lòng yêu nước, tin yêu cách mạng của bà con dân làng, Krong đã trở thành hậu phương vững chắc, chở che, nuôi giấu nhiều cán bộ của tỉnh, quân khu và Trung ương. Chưa một quả bom nào của địch có thể đánh được vào cơ quan đầu não của ta đóng tại vị trí này. Chính điều ấy đã góp phần đưa cuộc kháng chiến của quân và dân tỉnh nhà đến ngày toàn thắng”.
 


Trong chuyến về nguồn lần này, Tỉnh ủy-HĐND-UBND-Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh đã trao tặng 2 suất quà (mỗi suất gồm 1 ti vi 42 inch và 2 triệu đồng tiền mặt) cho tập thể làng Tung và làng Gút (xã Krong); trao 26 suất quà (1 triệu đồng/suất) cho 26 đồng chí lão thành cách mạng và gia đình có công với cách mạng xã Krong. Liên đoàn Lao động tỉnh, Ngân hàng Nông nghiệp và PTNT-Chi nhánh Gia Lai, Ngân hàng Ngoại thương-Chi nhánh Gia Lai tặng 3 căn nhà tình nghĩa cho 3 gia đình có công với cách mạng trên địa bàn xã Krong (mỗi đơn vị tặng 1 căn trị giá 50 triệu đồng). Tỉnh đoàn tặng 2 bộ trống Đội và 100 đầu sách cho Thư viện Măng Non-xã Krong. Ngân hàng Quân đội tặng 30 suất quà cho các hộ nghèo xã Krong (500.000 đồng/suất). Ngoài ra, các ban Đảng Tỉnh ủy và các huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh đã tặng khoảng 151 triệu đồng cho huyện Kbang.

Nhiều sự kiện, câu chuyện cách mạng cũng như vị trí, vai trò của Tỉnh ủy trong suốt những năm kháng chiến chống Mỹ cứu nước được đồng chí Ngô Thành-người có nhiều năm công tác ở căn cứ Krong-kể lại một cách cụ thể và đầy cảm động. Bao ký ức về những tháng ngày sống, làm việc tại đây liên tục ùa về khiến đôi mắt ông ứa lệ. Giọng ông nghẹn lại khi nhắc nhớ đến tình cảm của bà con dân làng vùng căn cứ đã luôn đùm bọc, chở che cho cán bộ cách mạng. “Dù quân địch luôn tìm mọi cách để tiêu diệt trụ sở Tỉnh ủy của ta nhưng lúc nào chúng cũng nhận lấy thất bại. Nhân dân ở đây vô cùng đoàn kết, ủng hộ cách mạng từ gùi bắp, hạt lúa, con trâu hay con bò. Nhiều thanh niên của làng đã tình nguyện xin nhập ngũ, thậm chí có nhiều bà mẹ đã dắt con mình đến xin cho được tham gia chiến đấu. Điều đó rất đáng quý, là một trong những yếu tố góp phần giải phóng tỉnh nhà tháng 3-1975”-đồng chí Ngô Thành tâm sự.

Bên cạnh đó, đồng chí Ngô Thành cũng bày tỏ mong muốn, trong thời gian đến, bằng mọi khả năng, tỉnh cần cố gắng phục dựng khu trụ sở Tỉnh ủy để nơi này thật sự trở thành địa điểm tham quan, du lịch cũng như học tập, giáo dục về truyền thống cách mạng cho thế hệ hôm nay và mai sau.

Phát biểu tại buổi lễ, đồng chí Dương Văn Trang-Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh gửi lời cảm ơn đến đồng chí Ngô Thành vì đã ôn lại truyền thống cách mạng của tỉnh nhà. Đồng thời, Bí thư Tỉnh ủy cũng cho biết, Thường trực Tỉnh ủy sẽ tiếp tục quan tâm, chỉ đạo đẩy mạnh phát triển kinh tế-xã hội cho xã căn cứ cách mạng Krong. Mặt khác, tỉnh đã giao cho Sở Văn hóa-Thể thao và Du lịch tổ chức hội thảo tại huyện Kbang trong tháng 3-2016 để thông qua quy hoạch khu căn cứ chiến đấu của Tỉnh ủy tại xã Krong. Đến tháng 6-2016, Ban Thường vụ Tỉnh ủy sẽ chủ trì cuộc họp thông qua kế hoạch này và tiến hành đầu tư từng hạng mục qua từng năm, bắt đầu từ năm 2017 trở đi.

 

Tặng quà cho các đối tượng chính sách xã Krong. Ảnh: H.T

41 năm kể từ ngày giang sơn thu về một mối, dẫu vẫn còn lắm khó khăn hiện hữu, song vùng đất Krong-căn cứ địa cách mạng của tỉnh Gia Lai trong kháng chiến đang khởi sắc từng ngày trên con đường đổi mới. Thêm mỗi chuyến hành trình về với nơi đây, chúng ta lại càng thêm tự hào về truyền thống cách mạng sắt son, thủy chung của đồng bào Krong. “Đây là dịp để thế hệ trẻ soi rọi lại mình, cố gắng nỗ lực nhiều hơn trong học tập, lao động, rèn luyện, cống hiến để xứng đáng với sự hy sinh cao cả, với thành quả cách mạng mà thế hệ cha anh để lại”-Bí thư Tỉnh đoàn Nguyễn Hoàng Phong tự hào nói.

 Hồng Thi-Quang Tấn

Có thể bạn quan tâm