Về Krong ăn rau dớn

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Tôi vừa được tham gia hành trình “Về nguồn” thăm lại khu căn cứ cách mạng tại xã Krong, huyện Kbang vào những ngày đất nước tưng bừng kỷ niệm 38 năm Ngày giải phóng hoàn toàn miền Nam thống nhất đất nước 30-4.

Trong hành trình này, tôi đã có những trải nghiệm vô cùng thú vị. Ngoài việc được đặt chân đến khu căn cứ năm xưa của Tỉnh ủy Gia Lai, được sống cùng bà con Bahnar, tôi còn được thưởng thức một món rau mà chỉ vùng rừng núi Đông Trường Sơn mới có-rau dớn.

 

Rau dớn-đặc sản của núi rừng.
Rau dớn-đặc sản của núi rừng.

Dớn mọc hoang dại dọc theo khe suối, bên những tảng đá. Loại rau này có hình dạng gần giống với cây dương xỉ, cành dài lá nhỏ xòe ra xung quanh. Những cành lá già gần gốc có màu đen giống cơm cháy, những cành lá non mọc lên từ giữa gốc tạo thành hai, ba cái cần, đầu cong như móc câu. Những nhánh lá non vươn thẳng lên, thân hình bụ bẫm, phần trên cùng uốn lại như vòi voi. Vào mùa mưa, rau dớn mọc thành vạt, thành đám dưới những tán cây rừng râm mát.

Người dân ở đây cho biết, rau dớn chỉ thích hợp với môi trường hoang dã, nên dù đào cả bụi về trồng ở vườn nhà, cất công chăm sóc đến mấy, chúng cũng không thể sống được.

Mùa này Krong đầy nắng và gió, thỉnh thoảng có vài cơn mưa rừng ào ạt đổ xuống rồi lại tạnh ngay nên rau dớn cũng ít như mưa. Tuy nhiên, cả đoàn khách tham gia hành trình “Về nguồn”  hơn một trăm người, chúng tôi ai cũng xúc động khi được những người dân ở đây chiêu đãi món rau dớn xào tỏi ngay trong bữa cơm đón khách đầu tiên. Chị “đầu bếp” vui vẻ giới thiệu: “Đồng bào Bahnar ở đây có thói quen khi đi rẫy về thường tranh thủ hái ít rau dớn và một số loại rau, củ quả rừng khác cho vào gùi mang về để chế biến những món ăn gia đình. Thời điểm này, mưa ít nên rau cũng ít nhưng bà con đã cất công thu hái từ hai hôm trước để có được món đặc sản chiêu đãi những vị khách quý hôm nay…”.

Mỗi người trong đoàn chúng tôi thưởng thức rau theo một tâm trạng khác nhau. Các bác, các chú cán bộ cách mạng lão thành năm xưa nếm vị chát quen thuộc của rau thì bồi hồi nhớ lại những ngày tháng “nếm mật nằm gai” trong khu căn cứ. Những bạn trẻ thì hồ hởi vì lần đầu tiên khám phá hương vị thơm ngon với màu xanh mướt, vừa giòn sần sật, vừa có vị ngọt, vị chua chát của núi rừng. Còn tôi thì như được quay lại thời thơ ấu…

Ngày còn nhỏ, mỗi khi kết thúc năm học là mấy chị em tôi lại được ba mẹ thưởng cho một chuyến về quê nội ở Tiên Lãnh, Tiên Phước, Quảng Nam. Quê nội tôi nghèo lắm! Mặc dù nằm ngay mỏ vàng Bồng Miêu nhưng lại được mệnh danh là “vùng đất chó ăn đất, gà ăn sét”. Mà đúng như vậy thật! Ngày ấy giao thông còn cách trở, xe cộ thì hiếm nên đi lại rất khó khăn. Còn nhớ, mỗi lần về quê phải mất hai ngày một đêm mới tới nơi…

Từ Gia Lai về đến Tam Kỳ thì trời đã khuya lơ khuya lắc nên cả nhà đùm túm ngủ lại bến xe để 4 giờ sáng hôm sau leo lên chiếc xe khách rờ-nôn chạy bằng than củi để về quê. Lần nào cũng vậy, đến 3-4 giờ chiều chúng tôi mới về đến nhà, cả 3 chị em tôi đứa nào cũng đen nhem nhẻm vì bụi than từ chiếc xe đốt kia, nhưng vẫn cứ háo hức đến lạ.

Thức ăn ở quê hầu hết là “cây nhà, lá rừng và cá sông”. Những ngày hè, chúng tôi thường theo nội chèo ghe bơi qua sông Tranh để vào rừng hái củi, chăn bò hoặc cùng bọn trẻ con trong thôn rủ nhau hái sim, ổi, dủ dẻ, chà là... Khi ánh chiều tà vừa nhạt phía lưng núi, chúng tôi lại tranh thủ hái một ít rau dớn. Rau dớn hái về còn tươi xanh mà luộc lên chấm với mắm cái thì không gì đậm đà và thú vị bằng.

Bà nội tôi còn nấu một món canh rau dớn với cá sông ăn vào ngọt lừ đến tận tối. Rau dớn là món ăn phổ biến trong bữa cơm của người dân quê tôi. Bà nội tôi bảo rau dớn đã giúp người dân quê mình chống chọi với nạn đói trong mùa giáp hạt hay mùa màng thất bát và cũng chính rau dớn góp phần làm lương thực cho bà và những người dân quê mình nuôi giấu cán bộ cách mạng năm xưa…

Bây giờ ba tôi già yếu, ít có điều kiện về thăm quê nên mặc dù rau dớn khó trồng là vậy nhưng ông cũng cố chăm được một khóm nhỏ trong góc vườn để thỉnh thoảng hái vài cọng nấu canh cho đỡ nhớ quê. Còn tôi, mỗi lần được ăn rau dớn, lòng lại bồi hồi xúc động nhớ lại những chiều theo nội sang sông hái củi và khi về lủng lẳng trong tay một bó rau xanh rờn.

Bích Nga

Có thể bạn quan tâm