(GLO)- Ngày xuân đầu tiên trong năm mới, thay vì du xuân đâu đó cùng bạn bè, người thân, tôi quyết định về làng. Nhắm hướng quốc lộ 14 thẳng tiến huyện Chư Sê, đến Ngã ba Phú Mỹ, rẽ vào khoảng vài trăm mét, tôi đã có mặt tại khu vực 5 làng của xã Ia Băng, huyện Chư Prông.
Sở dĩ gọi là 5 làng, bởi người dân ở khu vực 5 làng: Băk, Kual, Klăh, Băng, Phul sống quây quần bên nhau chứ không tách rời ra thành từng làng riêng lẻ. Điều đầu tiên chúng tôi cảm nhận được là trên các con đường làng, trước ngõ của các gia đình đều sạch sẽ và gọn gàng hơn thường ngày. Trẻ con cũng xúng xính trong những bộ áo quần tươm tất, sạch thơm chứ không lấm lem bụi đất…
Ảnh: P.D |
Phía đầu làng Klăh, chiếc xe công nông của gia đình ông Kpă Kơn vừa tắt máy dừng ngay trước nhà. Khoảng 10 người gồm người già, trẻ nhỏ, phụ nữ lần lượt bước xuống xe. Mỗi người cầm theo trên tay nào túi bánh kẹo, túi bánh tét, túi thịt heo, chai nước ngọt… Chờ mọi người xuống hết, ông Kơn, người điều kiển chiếc xe chở mọi người đi chơi Xuân mới từ từ bước xuống. Dù chưa biết quen hay lạ, ông đến bắt tay và luôn miệng nói: “Chúc mừng năm mới! Chúc năm mới vui vẻ!”.
Rồi chẳng chờ tôi phải hỏi, ông nói luôn: “Mình vừa đưa gia đình đi chơi Tết trong nhà anh em ở xã Ia Glai, huyện Chư Sê về, vui lắm!”. Thế nhà chú có đón Tết cổ truyền không?-Trả lời cho câu hỏi ấy, ông Kơn bảo, cũng có ăn Tết nhưng chỉ mua bánh kẹo, nước ngọt thôi còn không biết gói bánh chưng, bánh tét như người Kinh. Dù vậy, năm nào gia đình ông cũng có bánh chưng, bánh tét ăn Tết. Bánh tét thì được họ hàng cho, còn bánh chưng thì một vài hộ người Kinh sống trong làng cho. Đưa tay chỉ sang đứa cháu gái đang bóc vội nửa chiếc bánh tét, ông Kơn nói: “Sang năm mình sẽ học cách gói bánh vì con cháu mình ai cũng thích ăn hết!”.
Vội vã ghé tiệm tạp hóa mua thêm vài gói kẹo và 6 chai nước ngọt C2, ông Siu Him (làng Kual) cho hay: Trước Tết, mình có mua nhiều bánh kẹo và nước ngọt rồi nhưng họ hàng ghé đông quá nên phải mua thêm, sợ thiếu. Với gia đình ông Him, đón Tết cổ truyền đơn giản chỉ có bánh kẹo và nước ngọt bởi ông cho rằng, đây là dịp để họ hàng đến nhà nhau chơi, có gì ăn nấy, vui là chính. Cũng giống ông Him, chị Kpăh Yok (làng Bak) cũng ghé tiệm tạp hóa chọn mua thêm quả dưa hấu, vài gói bánh quy “vì nhà mình nhiều con nít nên bánh kẹo nhanh hết lắm!”-chị Yok bộc bạch. Dù mua thêm bánh kẹo ăn Tết, song gia đình chị Yok cũng không quên nhiệm vụ ra đồng, xuống giống cho kịp vụ lúa Đông Xuân.
Đối với người Jrai ở khu vực 5 làng, ngày Tết hay vào bất cứ dịp gì, họ không đến nhà bà con, họ hàng bằng tay không mà thường mang theo nào gạo, nào mì tôm, nước ngọt, rượu… để góp vui. Và khi ra về, chủ nhà cũng chẳng nỡ để khách về tay không. Chủ nhà sẽ đáp lễ khách bằng cách gói theo nào thịt heo, bánh kẹo, nước ngọt, vài ống cơm lam... Có lẽ vì vậy mà ngày vui của bà con trong làng thường kéo dài. Đặc biệt, trong dịp Tết cổ truyền này, một số gia đình trong làng còn kết hợp với tổ chức lễ bỏ mả, lễ mừng tuổi mẹ. Lễ mừng tuổi mẹ là phong tục của người Jrai, mỗi người con trai trong đời đều phải một lần tổ chức lễ mừng tuổi mẹ như để cảm tạ công ơn cha mẹ đã sinh thành và nuôi mình khôn lớn. Đối với những gia đình khá giả thì mổ heo, mổ bò mời bà con trong làng đến chung vui; nhà nào khó khăn hơn thì mua vài ba kg thịt, ít bánh kẹo, vài lít rượu…
Dù có sự pha trộn giữa Tết cổ truyền với phong tục của người bản địa, song thực tế, Tết ở đâu cũng mang ý nghĩa của sự thân tình, ấm áp. Duy chỉ có điều, đâu đó trên những trục đường làng, vẫn xuất hiện lác đác vài điểm thanh niên tụ tập cờ bạc, chơi bầu cua.
Phương Dung