Biển “nuốt rừng, nuốt nhà”
Cửa biển Vàm Xoáy (xã Đất Mũi, huyện Ngọc Hiển, tỉnh Cà Mau) một bên là ấp Mũi, một bên là ấp Kinh Đào Tây có khoảng 500 hộ dân sinh sống, chủ yếu làm nghề biển. Hằng năm, cứ đến mùa mưa bão, nơi đây lại sạt lở. Theo quy luật tự nhiên, người dân phải chạy theo con nước triều cường bám đuổi. Nghĩa là, nước dâng đến đâu, họ phải tiếp tục lùi sâu vào phía trong đất liền đến đó, dựng lại căn nhà khác để sinh sống.
Khoảng 10 năm trước, anh Nguyễn Mỹ Linh (ngụ ấp Mũi, xã Đất Mũi, huyện Ngọc Hiển) lấy vợ, cất được căn nhà ở sát cửa biển Vàm Xoáy. Hằng ngày, vợ chồng anh mưu sinh bằng nghề lưới cá khoai. Từng ấy năm, anh Linh đã chứng kiến không biết bao lần sạt lở ăn sâu vào đất liền. Chỉ tay về phía biển xa xa, anh Linh cho biết, nơi đó trước đây từng là rừng, là nhà dân, nay chỉ còn những con sóng trắng xóa, dữ tợn. Nếu như trước đây, căn nhà của anh còn được rừng phòng hộ che chắn thì giờ đây, chỉ còn vài trụ cây lẻ loi trên chóp đất cuối cùng của cửa Vàm Xoáy. Tiếng sóng biển trước kia nghe nhỏ vì ở xa, nay gầm gừ ngay bên tai vì quá gần, sẵn sàng “nuốt chửng” căn nhà của gia đình anh bất cứ lúc nào.
Sóng đánh dữ dội khiến người dân phải bỏ nhà tháo chạy |
“Mấy năm nay, sạt lở bờ biển rất nghiêm trọng. Mỗi năm, biển xâm thực khoảng vài chục mét”, anh Linh nói với tâm trạng lo lắng. Anh bảo, cứ đà này, chẳng mấy nữa mà căn nhà của anh cũng sẽ trôi xuống biển. “Hầu hết người dân ở đây sống trong cảnh nơm nớp lo sợ. Vợ chồng tôi mất ăn mất ngủ vì sóng đã tiến gần nhà quá rồi”, anh Linh nói thêm. Gia đình anh cũng chuẩn bị sẵn chiếc ghe, nếu sóng gió lớn quá thì vợ chồng ôm con nhảy xuống ghe chạy vào bờ tránh sóng.
Trên địa bàn tỉnh Cà Mau, do nước biển dâng cộng với sóng to, gió lớn đã phát sinh diễn biến sạt lở đặc biệt nguy hiểm đối với 6 đoạn bờ biển, tổng chiều dài hơn 29.000m qua địa phận huyện Ngọc Hiển, Đầm Dơi và Năm Căn. Theo UBND tỉnh Cà Mau, diễn biến sạt lở hiện nay đối với 6 vị trí nêu trên đang rất phức tạp, gia tăng về cường độ.
Hiểm nguy rình rập
Cùng cảnh ngộ, bà Liêu Mỹ Nương (xã Đất Mũi, huyện Ngọc Hiển, tỉnh Cà Mau) than thở: “Biết là hiểm nguy luôn rình rập nhưng chúng tôi không còn cách nào khác, phải chịu vậy thôi. Chúng tôi từ lâu nay đã gắn bó với biển rồi, bỏ đi thì đâu biết làm gì. Dông lốc ban đêm cả nhà có ngủ được đâu, phải ngồi trực suốt vì nhỡ nhà sập còn biết đường mà chạy”.
Gia đình bà Nương có 4 nhân khẩu, nhưng chỉ có chồng bà là lao động chính. Nhà toàn phụ nữ, trẻ con nên mọi việc từ lo miếng cơm manh áo đến sửa chữa nhà cửa đều “nặng gánh” trên đôi vai chồng bà. Thời gian qua, biển động nhiều hơn nên thu nhập của gia đình gặp khó. Sóng biển chút nữa cũng lấy đi mạng sống đứa cháu ngoại của bà Nương.
“Tôi đang ngồi vừa vá lú (dụng cụ đánh bắt thủy sản - PV), vừa trông 2 đứa cháu ngoại, sóng đánh mạnh làm cháu tôi rớt xuống sông. Thấy vậy, tôi phóng xuống vớt cháu lên mà tay chân run rẩy, muốn xỉu luôn. Nó mới hơn 2 tuổi, đứng có vững đâu”, bà Nương kể lại.
Trẻ con ở cửa biển Vàm Xoáy luôn phải đối diện với nhiều nguy hiểm |
25 năm sống ven biển, gia đình bà Nương phải đến 5-7 lần di dời nhà để thích ứng sạt lở. Bà Nương bảo, nước biển cứ mỗi năm một lên cao, người dân ở đây phải thay đổi để “thích ứng”. “Năm nào mà nước lên cao quá, cả nhà phải giăng võng ngủ. Treo lơ lửng như con khỉ vậy đó. Tôi dám chắc ở vùng này cái gì thiếu chứ riêng võng nhà nào cũng có”, bà Nương nói.
Bà Liêu Mỹ Tú (em ruột của bà Nương) trước đây cũng sống ở cửa biển Vàm Xoáy. Căn nhà của bà Tú đã bị sóng đánh sập, tài sản gần như mất hết. Sau đó bà Tú được nhà nước đưa vào khu tái định cư, hiện sinh sống ổn định. “Giờ có căn nhà ổn định, không sợ sóng đánh nữa, ngủ cũng yên tâm hơn. Tuy có xa biển, đi làm xa hơn một chút nhưng không sao”, bà Tú bộc bạch.
Ở cửa biển Vàm Xoáy, sạt lở đã khoét sâu, lở hàm ếch vào phía trong khu vực người dân sinh sống |
Trao đổi với phóng viên Tiền Phong, ông Nguyễn Văn Quốc (cán bộ Địa chính - Nông nghiệp - Xây dựng và Môi trường xã Đất Mũi) cho biết, ở cửa biển Vàm Xoáy còn khoảng hơn 20 hộ dân đối mặt với nguy cơ sạt lở. Những năm qua, địa phương đã tạo điều kiện di dời họ vào nơi an toàn để ổn định cuộc sống. Tuy nhiên, đa phần những hộ dân này đều nghèo khó, mong muốn bám biển kiếm sống nên việc di dời gặp nhiều khó khăn, dù cả người dân và chính quyền đều biết tiềm ẩn rất nhiều nguy hiểm.