Phóng sự - Ký sự

Về nơi đất chuyển

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Ở cuối nguồn sông Hậu, Cù Lao Dung như mũi tên xanh giữa biển. Thế hướng biển đó luôn chất chứa cái mới, đòi hỏi sự năng động, nhạy bén của con người nơi đây. Và “cù lao xanh” đã chuyển mình.

Độc đáo Cù Lao Dung

Chiếc phà 100 tách bến Đại Ngãi, hướng mũi về Cù Lao Dung (Sóc Trăng), càng gần cù lao càng đậm rõ màu xanh; hình dáng uốn lượn, trải dài tựa con rồng bay ra biển. “Cuối cù lao, giáp biển là rừng bần đó. Chỉ xứ này bần mới nhiều dữ vậy. Và cũng chỉ ở đây mới có tới 3/9 cửa sông ra biển của cả châu thổ, đó là Định An, Trần Đề, Ba Thắc. Dữ chưa?”, một bác đứng cạnh nói. 

 

Bãi bồi ven biển ở Cù Lao Dung.

Hai chữ “Ba Thắc” sống dậy cồn cào. Mới chưa tròn thế kỷ, quá trình bồi lắp liên tục khiến nơi đây “đất bồi đất lở”, càng gần biển càng lở phình ra. Lòng sông hẹp dần, cồn tròn cồn nổi hiện ra, nối liền và trở thành một đảo lớn diện tích hơn 26.000ha chắn trước cửa sông. Dấu tích của dòng Ba Thắc xưa giờ chỉ còn lại con sông Cồn Tròn...

Ba Thắc đi rồi nhưng Định An, Trần Đề vẫn như đôi cánh cho Cù Lao Dung vươn xa biển lớn. Sáng sớm, mặt biển xanh rì, kéo chân trời xa mãi. Để bờ biển kéo dài hơn 17km, bãi bồi rộng hơn 16.000ha, để rừng bần ưỡn mình lấn biển mỗi ngày, vạch lằn xanh ngát giữa biển khơi, xôn xao vườn chim, vườn dơi, đảo khỉ... nếu không có rừng bần, Cù Lao Dung trôi mất. Và cũng nhờ cánh rừng bần đã gánh đỡ cho dân nhiều lắm trong cơn bão Linda (năm 1997).

Rồi bãi nghêu trải dài miên man hơn 10km, rộng trên 830ha, đẹp tuyệt vời khi nước triều rút. Vào mùa nghêu, cả mấy trăm ghe từ Trà Vinh, Trần Đề tụ về vớt “lộc biển”. Biển, rừng còn cho cả con cua, con ruốc, sò huyết, cá chình, vọp, ốc len, mật ong... “Cái nghèo ở đây cũng khác đất liền. Nghề nào gắn với biển cũng khá. Vô mùa xách ghe ra lượn một vòng cũng có mấy trăm ngàn đồng dằn túi”, ông Võ Văn Quốc, chủ ghe chở chúng tôi ra biển, hào hứng kể. Ông sống ở xã An Thạnh Nam, nơi nhô ra biển xa nhất của cù lao này nên cái gì cũng rành hết.

 Ông kể, Cù Lao Dung kỳ thú với cồn Long Ẩn, rạch Trường Tiền, vết tích chúa Nguyễn bôn tẩu năm xưa; cái tên “thủy liễu” mơ màng chính là cây bần trải khắp 5 cánh cồn cù lao; truyền thuyết tiên nữ nhảy múa trên nền cát vàng óng ánh dưới ánh trăng rằm (Sân Tiên). Chiều buông, đêm xuống ngồi ghe len lỏi giữa màu xanh của rừng đón đợi bao cánh cò chao nghiêng về tổ, ngắm “ngàn sao đom đóm” tắt, mở như hội hoa đăng tỏa khắp rừng bần; những hàng dừa giao nhau phủ tán đường làng; xuýt xoa hít hà bên nồi cá thòi lòi, cá bống sao kho tiêu thơm nồng hay thưởng thức cái vị chua thanh của trái bần tan hòa trong tô canh chua cá ngác, bông lau…

Đất chuyển, người đi

Mỗi năm phía Nam Cù Lao Dung lấn ra biển hơn 100m; bãi bồi dù rộng hơn 16.000ha nhưng hàng năm vẫn được bồi đắp thêm 30-40ha. “Cứ cái đà này chẳng bao lâu Cù Lao Dung sẽ nối tới tận Côn Đảo”, anh bạn nói vậy.

Đất chuyển thì lòng người phải “động”. Tôi tần ngần ngắm những tia nước từ hệ thống tưới tự động vung xa, phủ trùm khắp ruộng mía, vườn dừa; những cuộn nước tung bọt trắng xóa từ máy sục khí nuôi tôm. Sức sống, sự sáng tạo, năng động, nhạy bén hiển hiện rõ lắm. Hơn 2.500ha vườn cây ăn trái, hơn 3.300ha thủy sản... trên đất cù lao đang dịch chuyển bằng những tiến bộ khoa học kỹ thuật, công nghệ mới cho sinh kế của mình.

 

Tỷ phú Ông Văn Hùng, cựu chiến binh trồng bưởi trên Cù Lao Dung.

Vườn bưởi của tỷ phú Ông Văn Hùng, nguyên Thiếu tá quân y Tỉnh đội Sóc Trăng chỉ rộng 4ha nhưng cũng cho 40-50 tấn/năm, thu về 800-850 triệu đồng. Lúc đầu ông trồng bưởi Năm Roi, sau thêm cả bưởi da xanh, hiệu quả vượt trội so với thời kỳ đầu trồng mía. Cái hay của ông là cho cây bưởi ra hoa quanh năm, tạo ra “trái nghịch mùa”. Nếu “thuận”, ra Giêng đã hết trái nhưng chỉ còn gần tháng nữa là tết mà cây trong vườn vẫn trĩu quả, xanh mướt. “20-30 tấn trái nghịch mỗi năm, giá bán khác hẳn. 8 ngày trước tết, lái trên thành phố xuống hốt trọn. Họ nói cái vị ngọt của bưởi ven biển đặc biệt lắm”. Đã mấy chục năm rồi, chưa bao giờ ông bị “dội” hàng cả. Mấy năm nay con tôm khuấy động đất cù lao.

“Con tôm chịu khí hậu dịu mát, nước ra vô dồi dào. Tôi dành 2.000m² nuôi tôm thẻ chân trắng. Trước thu hoạch chỉ 2-3 tấn nay đạt 5 tấn/vụ; một năm tới 3 vụ lận. Hộ có đất rộng ao lớn thu về hàng chục tỷ đồng/năm. Năm nay con tôm có giá, dân ăn tết lớn nha”, ông Võ Văn Quốc bộc bạch.

Mặn biển ngọt sông, đất lành người đến. Ngồi hàn huyên trong khuôn viên ngập tràn tượng gỗ độc đáo do chính mình tạo khắc, ông Nguyễn Ngọc Ẩn, 56 tuổi, tâm sự ông là đời thứ tư, gốc gác tận ngoài Bắc lận. “Đất cù lao hạp với người sao đó nên hồi trước các cụ sanh 7-8 con là bình thường. Cha tôi có tới 12 người con, sống phà phà”. Tượng của ông làm ra được mang đi tứ xứ, ra cả nước ngoài. Một trong hai con rồng ở Đền thờ Bác Hồ (xã An Thạnh Đông) là do ông hiến tặng. Xứ này lắm người tài hoa. Ông tự học đàn học trống, điêu khắc… để mưu sinh và nuôi con. Câu lạc bộ Sóng nhạc của ông vừa dạy nhạc, tổ chức đám cưới, vừa mở lớp dạy khiêu vũ thu hút đủ mọi lứa tuổi. Hai người con thừa hưởng cái chất nghệ sĩ từ cha đều tốt nghiệp trung cấp âm nhạc, đứa đầu lấy cả bằng thạc sĩ văn hóa.

“Ai về Cù Lao Dung/Nhớ ghé viếng Rạch Già/Nhớ về An Thạnh Nhất/Hỏi Tây chết mấy thằng...”. Bài ca Du kích Long Phú thời “chín năm” khắc khoải cả người phương xa. Người Cù Lao Dung luôn nhớ và tự hào với “Cây dương đỏ”, lá cờ Đảng treo chót vót trên ngọn dương cao nhất cù lao ngay sau cuộc khủng bố trắng Khởi nghĩa Nam kỳ (năm 1940); với Đền thờ Bác Hồ… Giám đốc Trung tâm Văn hóa huyện Võ Hồng Sen nói phát huy nét đẹp văn hóa, lịch sử sẽ kết dính cộng đồng, nối chặt lòng người.

Một cù lao xanh

Trên trục đường chính dài hơn 36km, khách có thể ngồi ô tô chạy suốt từ đầu đến cuối cù lao. Gần 98% tổng số hộ có điện sinh hoạt, 2/8 đơn vị đạt chuẩn nông thôn mới... Ngồi nghe anh Sáu Quang (Võ Thanh Quang), Bí thư Huyện ủy Cù Lao Dung, trăn trở về một “Cù lao xanh”, anh nói muốn xanh, sạch thì nuôi tôm đừng quá đà, xé nát đất cù lao; tính toán lại diện tích mía; tăng cường mô hình VietGAP vào cả cây ăn trái lẫn nuôi tôm; những giá trị dưới biển mới vô giá và bền vững. Rồi ứng xử với độ mặn, lợ, ngọt ra sao để tạo ra những vùng sinh kế ổn định trước bối cảnh biến đổi khí hậu ngày càng gay gắt. Làm gì để tận dụng, khai thác vị thế cận kề 2 khu kinh tế biển Định An (Trà Vinh), Trần Đề (Sóc Trăng) và tuyến tàu cao tốc Trần Đề - Côn Đảo?

Anh Năm Đương (Lê Minh Đương), Phó Chủ tịch UBND huyện cho biết, 8/8 đơn vị của huyện đều được Thủ tướng Chính phủ công nhận là xã đảo; hiện người dân được hưởng 100% bảo hiểm y tế. Ngân hàng thế giới đầu tư cho các công trình thích ứng biến đổi khí hậu (WB9), xa hơn là nguồn vốn Trung ương hỗ trợ kinh tế đảo… Cái thế biển, đảo sẽ càng vững mạnh, không chỉ cho xứ cù lao hay tỉnh Sóc Trăng mà cả quốc gia nữa. Cù Lao Dung đang đứng trước nhiều cơ hội phát triển mới, anh Năm Đương khẳng định. Đó là các dự án nâng cấp tuyến đê biển, điện gió, du lịch sinh thái rừng ngập mặn...

Cù Lao Dung nóng lòng đợi chờ cầu Đại Ngãi hoàn thành nối liền Sóc Trăng - Trà Vinh. Rời cù lao đã xế chiều, vẫn thấy công nhân hối hả mở rộng đoạn đường xương sống qua trung tâm thị trấn lên 14m cho dân vui xuân đón tết...

Vũ Thống Nhất/sggp

Có thể bạn quan tâm