Phóng sự - Ký sự

Về nơi 'đất Phú trời Yên' - Bài 2: Tháp Nhạn - huyền tích ngàn năm

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Koe H’meng, Tháp Chàm hay Đền Kalan… là tên gọi của đồng bào Ê Đê, Gia Lai hay người Kinh, người Chăm về Tháp Nhạn-biểu tượng của lịch sử văn hoá đặc sắc, một trong ba chỉ dấu của xứ Nẫu: Phú Yên có đỉnh Cù Mông/Có hòn tháp Nhạn, có dòng sông Ba.

Trải qua gần ngàn năm, tháp Nhạn bền vững với thời gian, trở thành chứng tích về quá trình phát triển lâu dài của vùng đồng bằng Tuy Hoà cũng như sự giao thoa văn hóa, tinh thần hoà hiếu trong mối quan hệ giữa hai dân tộc Việt - Chăm.

Dọc dài nhiều ngã đường, góc phố trung tâm lẫn ngoại ô Tuy Hoà (Phú Yên) đều nhìn thấy Tháp Nhạn nổi bật sắc đỏ và hình ảnh cách điệu của Tháp gắn trên nhiều công trình. Tháp toạ lạc trên núi Nhạn có độ cao gần 60m so với mực nước biển, phía Nam giáp đường Bạch Đằng và sông Chùa - phụ lưu của dòng Ba (Đà Rằng); ba mặt Đông, Tây và Bắc giáp khu dân cư.

Bà Nguyễn Thị Hồng Thái - Giám đốc Sở VHTT&DL Phú Yên chia sẻ: “Tháp Nhạn là một trong hai di tích quốc gia đặc biệt, mang đậm nét văn hóa-kiến trúc độc đáo từ thế kỷ XI của đồng bào Chăm ở Phú Yên. Với vị trí thuận lợi nằm trong lòng thành phố, từ tháp có thể bao quát toàn bộ Tuy Hòa và dòng Ba”.

Không gian khu Di tích kiến trúc-nghệ thuật quốc gia đặc biệt Tháp Nhạn bắt đầu từ chân núi Nhạn. Bước qua cánh cổng với thiết kế là những trụ gạch đỏ đa giác, khu di tích như tồn tại bức vách vô hình ngắt những thanh âm náo nhiệt sầm uất của phố thị. Sau đoạn đường trải thảm bê tông, những thềm đá dẫn lên tháp, xuyên qua vòm xanh lá, du dương nhạc như trong cõi thiền.

Bước chân của chúng tôi khoan nhặt trước những khuôn tượng đặt dọc hai bên lối lên tháp. Tượng thần Brahama, Shiva múa, Lokapala, Chim thần Garuda, Môn thần… mang dáng hình huyền bí, tâm linh. Tượng nữ thần Tara, Apsara… được thể hiện sống động qua dáng dấp của thiếu nữ Chăm đầy đặn, bầu ngực căng tròn nõn nà và khuôn mặt thánh thiện toát lên vẻ đẹp tinh khiết.

Mải miết thả bước trên những thềm đá, một thành viên trong đoàn cảm thán “biết đâu lối này từng in dấu chân trần của thiếu nữ Chăm trong trang phục truyền thống đội nước lên tháp tắm thần, lễ vật dâng cúng nguyện cầu”. Gió từ cửa biển Đà Diễn thổi mát rượi để những lữ khách mê mải vườn tượng bừng tỉnh, trước khi đến bên tháp Nhạn đậm đầy huyền tích trong ánh chiều.

Chẳng huyền tích sao được khi trước mắt là công trình được xây cất cách nay gần ngàn năm. Đế và thân tháp hình vuông, tượng trưng cho đất, để trơn, không chạm trổ hoa văn. Phần mái như một đài hoa, được trang trí cầu kỳ với những tai trụ lớn như búp sen, ngọn lửa. Mái tháp có 3 tầng, tầng trên là hình ảnh thu nhỏ của tầng dưới. Trên mỗi tầng của mái tháp đều có trang trí cửa giả ở bốn mặt. Các cửa giả này cũng được trang trí rất cầu kỳ, theo mô tả của H.Pacmentier, từ đầu thế kỷ XX vẫn còn thấy được hình thủy quái đang cấu xé những con rắn. Từ khung hình của thiết bị bay flycam, du khách càng cảm nhận rõ hơn bố cục đối xứng của tổng thể không gian công trình, cũng như của riêng Tháp Nhạn.

Tháp Nhạn có vị trí đắc địa để bao quanh khung cảnh Tuy Hòa. Ảnh: Như Ý

Tháp Nhạn có vị trí đắc địa để bao quanh khung cảnh Tuy Hòa. Ảnh: Như Ý

Lần sờ những viên gạch đỏ xếp tầng tầng lớp lớp, không thấy vết dấu của mạch hồ, cứ ngỡ cả ngọn tháp là một khối hình lego được người xưa sắp đặt. Trải qua bao mưa nắng, “bãi bể nương dâu”, Tháp Nhạn tương đối vẹn nguyên đủ để người thời nay trầm trồ, gật gù trước những con số và mô tả sinh động của các nhà nghiên cứu, quản lý công trình.

Tháp có mặt bằng hình vuông, mỗi cạnh hơn 10m, chiều cao 23,5m tỉ lệ cân đối với ba phần: Đế, thân và mái. Trên đỉnh tháp là hình tượng Linga bằng đá được điêu khắc công phu. Cửa và mặt chính của tháp quay về hướng Đông, ba mặt tường còn lại đều trang trí hoa văn và tạo hình các cửa giả. Vật liệu xây dựng tháp chủ yếu bằng gạch với kích thước trung bình: dài 40cm, rộng 20cm, dày 8cm. Sự kết hợp hài hoà giữa vật liệu xây dựng và nét kiến trúc và nghệ thuật điêu khắc đã tạo cho Tháp Nhạn dáng vẻ vững chãi, thanh thoát, tinh tế, thẩm mỹ cao.

Chiêm bái không gian bên trong lòng tháp thờ bà Chúa Thiên Yana xong, tôi giật mình trước không gian xung quanh phủ đầy ánh sáng. Trăng như neo đậu nơi đỉnh tháp toả bóng để cửa biển Đà Diễn thành dòng lấp lánh và “dát vàng” những tán lá nơi sân tháp và núi Nhạn.

Tháp Nhạn trong chiều yên ả. Ảnh: Như Ý

Tháp Nhạn trong chiều yên ả. Ảnh: Như Ý

Tôi từng có dịp theo các đoàn công tác và “những bước chạy” của Giải Vô địch Quốc gia và cự ly dài Tiền Phong, dâng trào cảm xúc tự hào trước khung cảnh ánh sáng trăng phủ màn lấp lánh nơi “đầu sóng” của Tổ quốc; trước những viên gạch đỏ in dấu chủ quyền nơi đảo tiền tiêu. Còn đây, trăng đang phủ lớp huyền ảo lên những viên gạch đỏ gần nghìn tuổi ẩn chứa mồ hôi, vân tay và kỹ thuật pha trộn làm “gạch Chăm” của những người thợ thủ công Chăm xưa - góp phần làm phong phú kho tàng di sản văn hoá của cộng đồng các dân tộc Việt Nam. Cũng chính nơi không gian cổ kính này những đêm trăng Nguyên tiêu, đã “chắp cánh” cho những tâm hồn thi ca thăng hoa vần điệu về tình yêu thiên nhiên, đất nước, con người; về cuộc sống tươi đẹp nơi “đất Phú trời Yên”, “hoa vàng trên cỏ xanh”.

Kết nối hiện tại

Bên cửa hàng lưu niệm trưng bày những mô hình, biểu tượng Tháp Nhạn đa dạng kiểu cách kích cỡ, người tài xế xe điện trung niên cho hay, vào mỗi thời điểm trong ngày Tháp Nhạn có vẻ đẹp, cuốn hút riêng và chẳng mấy khi vắng người thăm. Có người muốn ngắm bình minh, những tia nắng đầu ngày lấp lánh dòng sông cửa bể, ánh lên từng viên gạch phủ bóng thời gian và bao quát thành phố khởi đầu ngày mới. Người thăm tháp khi chiều đổ bóng cảm nhận nét trầm mặc, cổ kính của công trình, ngắm Tuy Hoà lên đèn, lung linh ánh điện. Chỉ tay về phía lưng tháp in bóng người, vị tài xế bày tỏ: “Bên những viên gạch nghìn năm và không gian vang vang tiếng sóng gió, sân tháp là nơi lý tưởng để mỗi người sau một ngày bận rộn có thể tản bộ hay thiền, tập yoga”.

Tượng Apsara (phục chế) trên đường lên Tháp Nhạn. Ảnh: Như Ý

Tượng Apsara (phục chế) trên đường lên Tháp Nhạn. Ảnh: Như Ý

Hằng năm, tại tháp Nhạn đều diễn ra lễ Vía Bà (tiên nữ Thiên Yana), trong đó, ngày 21/3 là chính lễ. Lễ Vía Bà thu hút nhân dân trong tỉnh Phú Yên và một số tỉnh lân cận tham gia, trong đó, đồng bào người Chăm ở Ninh Thuận, Bình Thuận, Bình Định đều tổ chức cử đoàn tham gia hành lễ, cầu xin cuộc sống no đủ, bình an, may mắn.

Cũng như vị tài xế ấy, chúng tôi tin rằng góp thêm sự cuốn hút của Tháp Nhạn là hệ thống cây xanh, vườn thực vật cảnh quan trên núi. Có diện tích hơn 8ha, gồm rừng tự nhiên và rừng trồng, với hàng trăm loại cây, trong đó có nhiều loại cây gỗ quý như lim xanh, du sam, thông đỏ lá dài, pơ mu…, khu di tích đặc biệt Tháp Nhạn mang đến hương rừng và làn không khí mát xanh của thành phố Tuy Hoà.

Theo xe điện xuống núi, chúng tôi bắt gặp từng đoàn khách du lịch, người dân ngược lên tháp. Thanh âm của những vòng xe gợi nhắc đến chia sẻ của nữ Giám đốc Sở VHTTDL Phú Yên, rằng Tháp Nhạn là nơi lưu giữ quá khứ và kết nối hiện tại; biểu tượng của lịch sử - văn hoá, góp phần tạo nên nét khác biệt của nơi “đất Phú trời Yên”.

(Còn nữa)

Có thể bạn quan tâm