Về nơi không có nắng

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Ở Bình Định, hầu như ai cũng đã từng ngân nga câu hát: “Về Tam Quan qua hàng dừa xanh, mới hiểu quê ta sao không còn nắng, bầu trời trong xanh bát ngát là dừa, dừa Tam Quan bóng ngả lối xưa...”. Nếu ai đó một lần tới Tam Quan (huyện Hoài Nhơn, tỉnh Bình Định) thì sẽ ngỡ ngàng với rừng dừa bạt ngàn và hiểu rõ vì sao bầu trời “không còn nắng”.
Dọc đường từ Quy Nhơn đi về phía Bắc Bình Định dài hơn 100 km trên quốc lộ 1A, quán cóc ven đường bán dừa tươi càng lúc càng nhiều dẫn đường vào xứ dừa Tam Quan, vào xứ mát mẻ quanh năm dù nắng có đổ lửa. Dấu hiệu để nhận ra xứ dừa Tam Quan là rừng dừa phủ kín mặt đất và con gái nơi đây da trắng như tuyết.
Người dân gọi dừa Tam Quan để chỉ cho vựa dừa Hoài Nhơn, một trong những vựa dừa lớn nhất nước, nằm tập trung ở Tam Quan và vùng lân cận. Dừa nơi đây được trồng dày và nối tiếp từ dãy núi phía Tây đến sát bờ biển phía Đông. Dừa trồng quanh nhà, quanh vườn, nghiêng ngả trên những lối đi, tràn ra tận bờ sông, bờ suối và dù có ở đâu chúng cũng luôn biết xếp hàng đều nhau chạy dài hun hút, cứ thế vươn cao những tàng lá bao đời che mát cho những ngôi làng.
 Du khách ngồi nghỉ chân dưới một vườn dừa ở Tam Quan. Ảnh: T.Đ
Du khách ngồi nghỉ chân dưới một vườn dừa ở Tam Quan. Ảnh: T.Đ
Nắng không thể lọt qua được lớp lá để chạm vào đất nên giữa trưa hè nắng nóng vẫn có nhiều đám thanh-thiếu niên tụ tập đá bóng, chơi bóng chuyền dưới những tán dừa xanh. Đi làm về mệt hay chơi bóng xong, chỉ cần trèo lên cắt một buồng dừa thả xuống là tha hồ giải khát. Hầu hết người dân Tam Quan ai cũng biết leo dừa, nhiều phụ nữ cũng leo lên được những cây cao chót vót, thậm chí hành nghề hái dừa mướn. Họ như con sóc, thoắt một cái là nhẹ nhàng lên đến ngọn.
Nước dừa Tam Quan thanh và ngọt lịm nhờ thổ nhưỡng màu mỡ, nhiều khoáng chất nên ít nơi nào dừa ngọt bằng. Không chỉ cho nước uống, sản phẩm từ dừa cũng rất đa dạng, phong phú và đặc sắc. Thân cho gỗ, cành cho củi, vỏ cho xơ, sọ làm than hoạt tính, cơm nấu dầu, nước để uống. Trong đời sống sinh hoạt hàng ngày, nấu nướng các món ăn như kho thịt, kho cá, nấu chè, làm các loại bánh như bánh tráng nước dừa, bánh hồng, bánh ít..., người dân đều tận dụng dừa triệt để. Từ trong bụng mẹ, những đứa trẻ đã được nuôi dưỡng bằng nước dừa, sinh ra được tắm bằng nước dừa nên phần lớn chúng lớn lên đều có làn da mịn và trắng nõn. Ngay cả dầu dừa cũng được phụ nữ nơi đây dùng thoa lên tóc để nuôi dưỡng mái tóc óng ả, mượt mà.
Ít có nơi nào, đặc sản nào đi vào ca dao nhiều như xứ dừa Tam Quan: “Công đâu công uổng công thừa/Công đâu gánh nước tưới dừa Tam Quan”; “Bao giờ rừng quế hết cây/Dừa Tam Quan hết nước, em đây mới hết tình”; “Tam Quan ngọt nước dừa xiêm/Dối cha dối mẹ em tìm theo anh”; “Dừa xanh trên bến Tam Quan/Dừa bao nhiêu trái thương chàng bấy nhiêu”... Mới thấy, dừa Tam Quan đã đi vào đời sống tinh thần của người dân sâu sắc đến vậy. Những đêm trăng ngồi xe dây dừa, dệt thảm xơ dừa, nam thanh nữ tú lại hò đối đáp, hát bài chòi, ngâm ca dao theo nhịp khung cửi rộn ràng tạo nên một đời sống đầy nghĩa tình.
Đi dưới bóng dừa Tam Quan còn có thể thấy cả một truyền thống hào hùng. Những thân dừa “thương binh” còn nguyên vết tích bom đạn ghi dấu một thời chở che, gánh vác đau thương. Ngồi nghe lời thầm thì của dừa kể lại những câu chuyện ác liệt thời chiến chinh, chuyện hẹn hò của trai gái dưới những gốc dừa, kể lại nỗi bịn rịn khi đi xa quê hay niềm hân hoan của người con xa xứ được quay về uống ly nước ngọt ngào..., lòng như cơn gió mát dịu thoảng qua. Hình ảnh cô gái da trắng mịn, tóc đen mướt bẽn lẽn mời trái dừa ngọt lịm và những món quà từ xứ dừa cứ vương vấn mãi trong lòng lữ khách.
 TRƯỜNG ĐĂNG

Có thể bạn quan tâm